Cụ thể, theo báo cáo thường niên được công bố bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2014 có khoảng 2,2% doanh nghiệp trả lời khảo sát phải tạm ngừng hoạt động, trong khi tỷ lệ này trong 6 tháng đầu năm 2014 là 4,2%.
Thời gian ngừng hoạt động trung bình là 2 tháng, doanh nghiệp có thời gian ngừng hoạt động ngắn nhất là 0,5 tháng và dài nhất là 7 tháng.
Đáng chú ý, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì không tìm được đầu ra chiếm tỷ lệ cao nhất (40%). Không tìm được thị trường đầu ra và giá cả nguyên vật liệu đầu vào cao là nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động lâu nhất (7 tháng).
Bên cạnh đó, rủi ro về điều chỉnh chính sách đột ngột và rủi ro về thị trường xuất khẩu cũng được đánh giá là 2 loại rủi ro chiếm tỷ lệ cao lần lượt là 23,2% và 24,4%.
"Sự điều chỉnh chính sách đột ngột như thay đổi giá xăng, giá điện hay thuế sử dụng đất được doanh nghiệp đánh giá là một trong những rủi ro lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2014", báo cáo nêu rõ.
Thống kê từ Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Tổng cục Thống kê) cho thấy, trong năm 2014 số doanh nghiệp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể của cả nước là 67.823 doanh nghiệp, tăng 11,7% so với năm 2013.
Trong số doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động có 20.389 Công ty TNHH 1 thành viên (chiếm khoảng 35%), 19.585 Công ty TNHH 2 thành viên (chiếm khoảng 33,6%), 11.315 Công ty cổ phần (chiếm khoảng 19,4%) và 7.033 doanh nghiệp tư nhân (chiếm khoảng 12%).
Ngoài ra, báo cáo thường niên của VCCI cũng cho thất, trong năm 2014 đối với kế hoạch doanh thu 14,1% doanh nghiệp vượt kế hoạch, 48,7% doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch, 29,5% doanh nghiệp hoàn thành từ 75-99% kế hoạch và có 7,6% doanh nghiệp đạt dưới 75% kế hoạch.
Về kế hoạch doanh nghiệp năm 2015, có tới 48,4% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, 47,9% doanh nghiệp giữ nguyên quy mô kinh doanh và chỉ có 3% doanh nghiệp giảm quy mô kinh doanh trong năm 2015.