Doanh nghiệp chế biến, chế tạo đuối sức vì tồn kho và chi phí sản xuất tăng

Gánh nặng tồn kho thành phẩm và chi phí sản xuất vẫn tiếp tục có xu hướng leo thang đang khiến cho nhiều doanh nghiệp chế biến quay quắt trong cảnh "một cổ, hai tròng"
Doanh nghiệp chế biến, chế tạo đuối sức vì tồn kho và chi phí sản xuất tăng

Gánh nặng tồn kho

Một cuộc điều tra khảo sát mới đây dành riêng cho hơn 4.000 doanh nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này vẫn còn nặng gánh tồn kho thành phẩm.

Cụ thể, có tới 70,1% số doanh nghiệp dự báo tồn kho thành phẩm quý I/2015 tăng lên và giữ ổn định so với quý IV/2014.

Trong đó, 25,6% doanh nghiệp dự báo tồn kho tăng lên, 44,5% dự báo giữ nguyên và 29,9% số doanh nghiệp dự báo giảm đi. 

Về thành phẩm tồn kho trong quý II/2015 so với quý I/2015, có 17,4% số doanh nghiệp dự báo tăng lên; 47,6% dự kiến giữ ổn định và 35% số doanh nghiệp dự kiến tồn kho thành phẩm giảm đi.

Đối với tồn kho nguyên vật liệu, dự kiến con số quý I/2015 so với quý IV/2014, có 22,6% số doanh nghiệp dự kiến tăng; 49,2% dự kiến giữ nguyên và 28,1% dự kiến giảm đi. 

Về tồn kho nguyên vật việu quý II/2015 so với quý I/2015, có 18,2% doanh nghiệp dự báo tăng và gần 50% dự báo giữ ổn định.

Chi phí sản xuất leo thang

Xét theo chi phí sản xuất và giá bán sản phẩm, kết quả điều tra cho thấy, các doanh nghiệp đều đánh giá rằng, xu hướng chung trong quý I và quý II năm 2015, chi phí sản xuất tăng lên so với trước đây.

Theo đó, có tới 33,5% số doanh nghiệp cảnh báo chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý I/2015 sẽ tăng lên so với quý IV/2014. 

55,8% số doanh nghiệp có dự báo chi phí giữ ở mức ổn định và chỉ có 10,7% số doanh nghiệp khẳng định là chi phí sản xuất giảm. 

Dự kiến, chi phí sản xuất trong quý II/2015 so với quý I,  có 28,6% số doanh nghiệp dự báo tăng lên; 58,4% dự báo giữ ổn định và chỉ có 13% số doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất giảm đi. 

Những ngành có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý II/2015 sẽ tăng cao so với quý I gồm: Sản xuất trang phục (42% doanh nghiệp dự báo tăng); In ấn 38,1%; thuốc lá 36,4%; sản xuất và chế biến thực phẩm 33,5%; thiết bị điện và dệt cùng với 30,4%;…   

Bên cạnh đó, kết quả điều tra cũng cho thấy rõ, cùng với việc chi phí bình quân cho một đơn vị sản phẩm tăng lên, giá bán bình quân cũng có xu hướng tăng theo.

Theo đó, có tới 84,4% số doanh nghiệp được khảo sát khẳng định giá bán sản phẩm quý I/2015 tăng lên hoặc giữ ổn định so với quý IV/2014.

Trong đó, có 19,3% số doanh nghiệp khẳng định giá bán sẽ tăng; 65,5% khẳng định giữ ổn định và chỉ có 15,3% số doanh nghiệp khẳng định giá bán thấp hơn. 

Diễn biến trong quý II/2015, có tới 21% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ tăng lên so với quý I.

70,2% doanh nghiệp dự báo ổn định  và chỉ có 8,8% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ thấp hơn.

Cuộc điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý ngành chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện.

Trong kỳ điều tra quý I/2015 đã điều tra khảo sát 4.028 doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo, đại diện cho toàn bộ nền kinh tế và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3.245 doanh nghiệp chế biến, chế tạo đã trả lời trong kỳ điều tra này.

Theo: BizLive