Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng. |
Thông tin vừa được SBV công bố cho hay, năm 2017, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, tín dụng tăng khoảng 18%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tổ chức thực hiện các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng để tiếp tục tạo điều kiện cho TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp và người dân.
Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, đảm bảo hệ thống TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh. Tiếp tục triển khai cơ cấu lại TCTD và đẩy mạng xử lý nợ xấu, duy trì tỷ lệ nợ xấu bền vững dưới 3% tổng dư nợ, nâng cao quy định an toàn đối với hoạt động của TCTD theo nguyên tắc từng bước hoàn thiện theo thông lệ, chuẩn mực an toàn quốc tế. Hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ, trên cơ sở hoàn thiện hệ thống phát luật và các điều kiện để thực hiện theo cơ chế thị trường.
Để thực hiện các mục tiêu này, Thống đốc NHNN đã đưa ra một loạt các giải pháp đồng bộ được thể hiện trong 3 chỉ thị của NHNN ban hành ngay đầu năm, với những điểm chính sau:
Hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật
Tập trung rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động điều hành CSTT, hoạt động thanh toán, chính sách an toàn vĩ mô, ổn định tài chính, cơ cấu lại TCTD, xử lý nợ xấu và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; phối hợp tích cực với Bộ Tư pháp về việc kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành Luật để có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ xử lý TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu và tăng cường sự an toàn, ổn định trong hoạt động ngân hàng. Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các bộ luật, luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực năm 2017 và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thống đốc yêu cầu các đơn vị tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD, xử lý nợ xấu và tăng cường sự an toàn, ổn định trong hoạt động ngân hàng nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan để tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, bổ sung các quy định để tăng cường xử lý việc sở hữu chéo, ngăn ngừa lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của các TCTD và các bất cập về pháp lý liên quan khác;
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện căn bản, đồng bộ khung pháp lý về an toàn hoạt động ngân hàng, thanh tra, giám sát ngân hàng, quản trị và hoạt động của các TCTD phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu mở cửa thị trường tài chính, quản lý, phát triển hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi, an toàn hơn cho hoạt động kinh doanh của các TCTD, cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. Trong đó, ưu tiên ban hành và triển khai thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục thanh tra, giám sát ngân hàng; các quy định về quản trị rủi ro của TCTD và triển khai Basel II; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về các tỷ lệ, giới hạn an toàn; quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu.
Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020. Hoàn thành và triển khai dự án tập trung hóa và mở rộng dịch vụ thanh toán ngoại tệ của Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng. Xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH), Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa và thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip; tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các đơn vị khác nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử; ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác liên Bộ để đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam. Xây dựng cơ chế tính và thu phí hợp lý, đảm bảo công khai, minh bạch và khuyến khích khách hàng lựa chọn thanh toán qua ngân hàng khi sử dụng dịch vụ công.
CSTT phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác
Chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tạo thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường vốn, ổn định thị trường ngoại tệ, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, trong đó chủ yếu tập trung: Điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình vốn khả dụng của TCTD và mục tiêu CSTT, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ và ngoại tệ; Thực hiện cho vay tái cấp vốn với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ nguồn vốn giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu các TCTD; Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất; trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay; Tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt trên cơ sở tham chiếu diễn biến trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu CSTT; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về các sản phẩm phái sinh nhằm tạo điều kiện cho TCTD đa dạng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho khách hàng.
Điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng, cụ thể:
(i) Xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng cả năm 2017, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD;
(ii) Thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao,... Theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, để kịp thời đề xuất những giải pháp tăng cường kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng;
(iii) Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ đảm bảo phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hạn chế Đô la hóa trong nền kinh tế, góp phần ổn định thị trường tiền tệ; quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu đến hết 31/12/2017, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016;
(iv) Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện các chính sách nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa như cơ chế bảo lãnh tín dụng thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương, hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình cho vay bình ổn giá tại các địa phương;
(v) Chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ.
Ổn định thị trường ngoại tệ, cải thiện quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế
Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án chống Đô la hóa và vàng hóa; quản lý chặt chẽ hoạt động vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, nhất quán với mục tiêu quản lý nợ nước ngoài của quốc gia. Triển khai Đề án định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam. Thực hiện rà soát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 để đề xuất các giải pháp quản lý có hiệu quả thị trường vàng phù hợp với điều kiện thực tế để chuyển hóa nguồn lực vàng, ngoại tệ vào sản xuất kinh doanh.
Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan TTGSNH; nghiên cứu, đề xuất đơn vị đầu mối quản lý, thanh tra, giám sát đối với QTDND; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát, quản lý, cấp phép; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xử lý kịp thời các kiến nghị, đề nghị của NHNN chi nhánh và TCTD;
Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy; bổ sung lực lượng cán bộ thanh tra, giám sát và phát triển đội ngũ cán bộ có đủ năng lực làm trưởng đoàn thanh tra; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thanh tra;
Tập trung thanh tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ phát sinh sai phạm. Tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2017; kết hợp thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật với thanh tra rủi ro trong hoạt động của TCTD để đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD.
Tập trung thanh tra, giám sát những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, lĩnh vực dễ phát sinh rủi ro, tiêu cực, tham ô, tham nhũng như: việc góp vốn, mua cổ phần; công tác quản trị, điều hành và hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ; việc chấp hành các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định về phòng, chống rửa tiền; hoạt động cấp tín dụng và đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết; tập trung tín dụng theo ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng khách hàng, đặc biệt là cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng, các dự án đầu tư trung, dài hạn; cấp tín dụng vượt giới hạn, cho vay, đầu tư của TCTD đối với khách hàng lớn/nhóm khách hàng lớn; đầu tư, sở hữu chéo và chuyển nhượng cổ phiếu, thoái vốn đầu tư; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại nợ, mua bán tài sản, dự thu lãi và các khoản phải thu; tăng trưởng tín dụng; chấp hành quy định về lãi suất; hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng; đánh giá kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại và phương án xử lý nợ xấu của TCTD; đánh giá thanh khoản và thực trạng tài chính, kết quả kinh doanh của TCTD và mức độ đủ vốn của TCTD. Thanh tra về an ninh, an toàn bảo mật trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; việc chấp hành các quy định trong quản lý đầu tư, tính đồng bộ, hiệu quả trong các dự án công nghệ thông tin của các TCTD;
Thanh tra, giám sát chặt chẽ các QTDND, tiếp tục thực hiện thanh tra diện rộng đối với các QTDND trong phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung vào các QTDND chưa được thanh tra ít nhất 02 năm gần đây, các QTDND xếp loại yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhằm phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm những tồn tại, yếu kém, vi phạm, tình trạng hoạt động vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quỹ tiền mặt, tiền vốn huy động, cho vay, thu nợ, giải ngân, địa bàn hoạt động và phạm vi hoạt động trong tương quan với năng lực quản trị, điều hành và theo quy định của pháp luật;
Triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”
Tiếp tục nghiên cứu triển khai Basel II tại Việt Nam, tăng cường minh bạch hóa theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động của TCTD tại Việt Nam. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp về xử lý nợ xấu, nhằm mục tiêu đến năm 2020 duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững dưới 3% tổng dư nợ cấp tín dụng. Cụ thể, Thống đốc yêu cầu các TCTD kết hợp triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu với các giải pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng; kiên quyết xử lý những TCTD có nợ xấu lớn không tích cực xử lý nợ xấu, TCTD không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật. NHNN không xem xét, chấp thuận mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, máy rút tiền tự động, văn phòng đại diện, hạn chế tạm ứng, chia cổ tức, lợi nhuận cho các cổ đông, thành viên góp vốn và áp dụng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với TCTD chưa phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật, không thực hiện đúng kế hoạch xử lý nợ xấu; Tổ chức triển khai các giải pháp mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, đồng thời từng bước hình thành thị trường mua bán nợ trên cơ sở minh bạch, làm rõ cơ chế cho sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài; Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý các khó khăn, vướng mắc về pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu và hỗ trợ TCTD, VAMC thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt là đối với khách hàng vay chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ
Để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán thẻ cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ, trong đó cần tập trung:
Tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục rà soát, tham mưu cho Thống đốc NHNN nghiên cứu ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, an toàn, bảo mật và các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Đẩy mạnh hoạt động quản lý, giám sát đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới tại Việt Nam.
Chủ động theo dõi, cập nhật tình hình an ninh mạng trong nước và quốc tế để cảnh báo cũng như chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành kịp thời phòng chống, xử lý các rủi ro, lỗ hổng bảo mật công nghệ thông tin. Xây dựng chương trình hợp tác, trao đổi thông tin và phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông trong phòng, chống tội phạm công nghệ cao cũng như triển khai các giải pháp an toàn, an ninh mạng trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ.
Tham mưu cho Thống đốc NHNN ban hành lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, bảo mật như ISO 27001 cho hệ thống công nghệ thông tin, chuẩn PCI/DSS cho hệ thống thanh toán thẻ, các công nghệ bảo mật đa nhân tố mới để thay thế các công nghệ bảo mật cũ lạc hậu không an toàn. Chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Thống đốc NHNN triển khai thực hiện các hướng dẫn tại tài liệu Hướng dẫn về biện pháp khôi phục mạng đối với các cơ sở hạ tầng thị trường tài chính do Ủy ban về Thanh toán và Cơ sở Hạ tầng Thị trường Tài chính (CPMI) của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) ban hành.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn, bảo mật trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ để đánh giá, phát hiện, cảnh báo sớm các rủi ro, xử lý các vi phạm pháp luật trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Xây dựng kế hoạch truyền thông tổng thể của ngành Ngân hàng về hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, đặc biệt là về việc đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ để người dân hiểu rõ và yên tâm khi sử dụng dịch vụ thanh toán; đồng thời chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt, đảm bảo truyền thông thống nhất từ trung ương đến các địa phương, giữa NHNN với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán./.