An Gia tăng vốn
Tính đến 30/6, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (HoSE: AGG) đạt 1.251 tỷ đồng. Đây là một con số lớn, nhưng không đủ với doanh nghiệp này.
Nhà phát triển bất động sản hàng đầu miền Nam này muốn tăng vốn, bằng nhiều hình thức. Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của An Gia đã chốt phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 25% và phát hành cổ phiếu ESOP với tỷ lệ lên tới 4,9%.
Đến cuối tháng 8/2024, việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đã hoàn thành, vốn điều lệ của An Gia tăng thêm 312 tỷ đồng, lên mức 1.564 tỷ đồng. Nối tiếp điều này, An Gia mới đây đã chốt xong việc phát hành 6,1 triệu cổ phiếu ESOP. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ tiếp tục được nâng lên 1.625 tỷ đồng.
Gần nhất, An Gia tiếp tục trình cổ đông phương án chào bán 40,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhằm hút về 406 tỷ đồng. Nếu thành công, An Gia sẽ nâng vốn lên 2.031 tỷ đồng, tương đương tăng 62% so với thời điểm kết thúc quý II/2024.
Điều gì đã thôi thúc An Gia vội vàng tăng vốn như vậy? Câu trả lời là nợ.
Trên thực tế, nợ đã là nỗi ám ảnh của An Gia trong vài năm trở lại đây. Không phải ngẫu nhiên từ năm 2022 trở đi, lãnh đạo An Gia đã không ngừng tìm cách giảm nợ. Chi phí tài chính năm 2022 lên tới 321 tỷ đồng, năm 2023 là 204 tỷ đồng và nửa đầu năm 2024 là 156 tỷ đồng.
Nỗ lực giảm nợ của An Gia là rất đáng kể. Đến cuối năm 2023, tổng nợ vay đã giảm xuống 1.460 tỷ đồng và đến cuối tháng 6/2024 còn 1.231 tỷ đồng (tức giảm thêm 15%).
Nhưng giảm được quy mô nợ không đồng nghĩa với việc xóa bỏ áp lực tài chính. Báo cáo soát xét bán niên 2024 cho thấy trong ngắn hạn, An Gia đối diện với các khoản phải trả lên tới gần nghìn tỷ đồng, bao gồm: 252 tỷ đồng khoản vay dài hạn đến hạn trả, 196 tỷ đồng vay ngắn hạn bên liên quan, 185 tỷ đồng vay ngắn hạn ngân hàng, 12 tỷ đồng vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả, 103 tỷ đồng lãi vay phải trả ngắn hạn, 45 tỷ đồng lãi vay phải trả khác, 119 tỷ đồng chi phí thanh lý hợp đồng…
Cổ phiếu để trả cổ tức không mang lại tiền tươi, ESOP chỉ mang về 61 tỷ đồng, hầu như chỉ là muối bỏ biển.
Bởi vậy, An Gia chẳng còn phương án nào khả thi hơn là gọi vốn từ cổ đông hiện hữu, nếu như không muốn những nỗ lực giảm nợ của mình quay lại vạch xuất phát, chưa nói đến việc vay mượn bây giờ cũng chẳng lấy làm dễ dàng. 406 tỷ đồng gọi từ túi cổ đông, nếu thành công, sẽ là dòng nước ngọt chảy vào lòng hồ tài chính đang dần cạn nước của An Gia.
Thực tế, An Gia cũng “trình bày” không chút giấu giếm mục tiêu của việc gọi vốn từ cổ đông hiện hữu: trả nợ vay ngân hàng (cụ thể trả 148 tỷ đồng, tương đương 36% số vốn dự kiến gọi) ngay trong quý I hoặc quý II/2025. Phần còn lại sẽ dùng để góp vốn vào 2 công ty: Tư vấn AGI & HSR và Western City với số tiền lần lượt là 68 tỷ đồng và 190 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo An Gia thậm chí còn phải “thòng” thêm câu: “Trường hợp tiền thu từ việc chào bán không đủ như trên thì thứ tự ưu tiên sử dụng vốn như sau: ưu tiên 1: trả nợ vay ngân hàng…”. Điều này cho thấy áp lực nợ nần đang đè nặng lên đôi vai của An Gia, trực tiếp là của nhà lãnh đạo Nguyễn Bá Sáng.
Ông Sáng hồi tháng 5/2024 đã phải chấp nhận để Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư Trường Giang, bên liên quan của mình đồng thời là cổ đông lớn nhất của An Gia, bán đi 21,26 triệu cổ phiếu cho một bên khác, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu của ông và các bên liên quan xuống 30,96%, tức mất luôn quyền phủ quyết.
Danh tính của cổ đông/nhóm cổ đông đã mua 21,26 triệu cổ phiếu AGG từ tay Trường Giang tới giờ vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng nhìn cách HĐQT của An Gia phải dành sẵn ghế trống là đủ thấy, cuộc chơi vương quyền tại An Gia đã đổi màu.
An Gia có “an”?
An Gia đã bước vào năm 2024 với một tình cảnh có phần chông chênh, khi “con bò sữa” Westgate chỉ còn “vắt” được thùng sữa cuối cùng trong quý I/2024. Và thực tế là An Gia đã phô bày tất cả những gì có thể phô bày trong quý I/2024 với doanh thu đạt 82% và lợi nhuận đạt 80% kế hoạch năm.
Từ quý II/2024 trở đi, An Gia “kém thế” thấy rõ trên mặt trận kinh doanh. The Gió Riverside, dự án lớn nhất của An Gia lúc này, mới chỉ khởi công được vài tháng và dự kiến bán hàng được trong quý IV/2024. Nghĩa là về mặt tài chính, dự án này chỉ giúp cho An Gia phần nào bớt khó về dòng tiền chứ chẳng thể “book” được doanh thu.
Tuy nhiên, thị trường miền Nam hiện nay vô cùng ảm đạm, thanh khoản rất khó khăn. The Gió Riverside bởi vậy cũng không hẳn sẽ mang về 100% những gì ban lãnh đạo An Gia mong đợi. Và như vậy, có thể nói, việc “bán giấy” như trên thực sự là một nỗi khổ không thể nói ra của An Gia, khi lãnh đạo công ty phải loay hoay xoay xở vốn trong không gian chật hẹp.
An Gia ghi nhận 766 tỷ đồng tiền người mua trả trước, con số không hề nhỏ, nhưng so với cuối năm 2023, nó đã giảm tới 59% và chưa chắc đã có cải thiện đột phá trong các tháng tới.
Trong khi đó, 91% tổng tài sản đã “nằm gọn” ở các khoản phải thu và hàng tồn kho, khiến dòng tiền kinh doanh 6 tháng âm 560 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền cuối kỳ chỉ còn 212 tỷ đồng, giảm 72% so với đầu năm. “Game” đã khó, có lẽ lại càng thêm khó với An Gia.