Kế hoạch lôi kéo, thu hút tài năng cấp cao ở nước ngoài về Trung Quốc làm việc, được gọi là “Kế hoạch ngàn người” (千人计划 - Thiên nhân kế hoạch), được Ban Tổ chức Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cơ quan khác vạch ra từ năm 2008 nhằm nhập khẩu các tài năng cấp cao người Hoa học tập và làm việc ở nước ngoài tập trung cho mục tiêu chiến lược phát triển quốc gia, hiện đã biến mất.
Theo trang tin Đa Chiều ngày 26/4, một số học giả Trung Quốc từng tiết lộ thuật ngữ “Kế hoạch ngàn người” đã trở nên nhạy cảm. Để bảo vệ các nhà khoa học Trung Quốc, thuật ngữ “chuyên gia quốc gia đặc biệt” đã được sử dụng trong một số trường hợp, nhưng đến nay, cũng đã biến mất.
Vào ngày 18/4/2020, kết quả tìm kiếm về “Kế hoạch ngàn người” trên Baidu, Sogou và các mạng xã hội Trung Quốc khác như Weibo, WeChat... đều đã bị chặn, không cho kết quả.
Năm 2019, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã cấm các nhân viên của Bộ tham gia các chương trình tuyển dụng nhân tài của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Vài tháng sau, một ủy ban tại Thượng viện đã tuyên bố kế hoạch tuyển dụng của Trung Quốc đã tạo ra mối đe dọa cho lợi ích của Mỹ.
Hạ nghị sĩ Mike Gallagher đã trực tiếp nêu tên “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc lôi kéo nhân tài của Trung Quốc (Ảnh: Forbes).
|
Tiểu ban điều tra của Thượng viện Hoa Kỳ ngày 19/11/2019 đã tổ chức phiên điều trần về “Đảm bảo rằng các cơ quan nghiên cứu của Mỹ không bị chương trình nhập khẩu tài năng của Trung Quốc xâm chiếm”. Đại diện của một số tổ chức nghiên cứu liên bang lớn ở Mỹ đã thừa nhận rằng các tổ chức tương ứng của họ đã phát hiện các học giả tham gia vào “Kế hoạch ngàn người” thu hút tài năng cấp cao ở nước ngoài của Trung Quốc.
Báo cáo do Tiểu ban điều tra Thượng viện cho biết, các cơ quan liên bang Hoa Kỳ đã không đối phó đầy đủ được với các mối đe dọa từ một số dự án do chính phủ Trung Quốc tài trợ, sử dụng một cách có hệ thống nghiên cứu của Hoa Kỳ để tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Tại phiên điều trần, đại diện một số tổ chức nghiên cứu của Mỹ tuyên bố rằng họ đã thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro mà kế hoạch thu hút tài năng của Trung Quốc có thể mang lại.
Ngoài ra, đại diện của Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tham gia điều trần cũng nói rằng các cơ quan của họ cũng đang thực hiện các biện pháp để hạn chế nguy cơ Trung Quốc trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.
Giáo sư Hi Tiểu Tinh (phải) đã bịMỹ khởi tố vì tội “hoạt động gián điệp” và bị nghi ngờ cung cấp cho Trung Quốc bí mật công nghệ siêu dẫn của các công ty Mỹ. Ảnh: ông Hi Hiểu Tinh (phải) trong một lần về Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Được biết, FBI bắt đầu tăng cường việc bắt giữ và truy tố các học giả tham gia “Kế hoạch ngàn người” từ năm 2018. Cũng chính vì nguyên nhân này mà chính phủ Trung Quốc đã xóa bỏ danh sách của “Kế hoạch ngàn người”.
Theo báo cáo, hiện tại 56 văn phòng của FBI đều thành lập các đội chống gián điệp và tăng cường liên hệ chặt chẽ với các trường đại học và doanh nghiệp địa phương để họ nhận thức được nguy cơ của chương trình săn tài năng Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã ngày càng hạn chế việc trao đổi khoa học và công nghệ với Trung Quốc. Ngay từ tháng 5/2018, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng cho năm tài khóa 2019. Một trong những sửa đổi đáng chú ý là yêu cầu Bộ Quốc phòng phải chấm dứt tài trợ kinh phí và các ưu đãi khác cho các cá nhân tham gia các chương trình tài năng của Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên hoặc Nga. Người đề xuất tu chính án này, Hạ nghị sĩ Mike Gallagher đã trực tiếp chỉ tên “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc.
Tháng 6/018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã giảm thời gian thị thực cho sinh viên Trung Quốc học tập trong các lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm (hàng không, kỹ thuật, robot, chế tạo công nghệ cao) từ 5 năm xuống còn một năm. Tổng thống Donald Trump thậm chí còn tuyên bố rằng “hầu hết mỗi người” trong số khoảng 360.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học Mỹ thời đó đều là gián điệp.
Vào tháng 9/2018, trên mạng internet ở Mỹ lan truyền tin FBI đã coi các học giả “Kế hoạch ngàn người” là trọng điểm điều tra và kiểm tra từng người một theo danh sách và ám chỉ “Kế hoạch ngàn người” có thể trở thành “Kế hoạch vào tù”.
Ông Trịnh Tiểu Thanh, chuyên gia của GE bị FBI bắt ngày 5/7/2018 và bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc (Ảnh: Toutiao).
|
Một giáo sư người Trung Quốc từ một trường đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ tiết lộ với truyền thông Bắc Kinh một số trong số hàng ngàn học giả vẫn còn ở Mỹ đã bị FBI gọi hỏi, thậm chí một số nơi các đồn cảnh sát cũng tham gia điều tra. Một số phân tích trực tiếp chỉ ra rằng đây là một phần mở rộng của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.
Trên thực tế, rất lâu trước khi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ nổ ra, Hoa Kỳ đã có ý thức cảnh giác với các nhà khoa học Trung Quốc. Năm 2015, các đặc vụ FBI đã xông vào văn phòng của nhà vật lý Trung Quốc Hi Tiểu Tinh (Xi Xiaoxing), Giáo sư, chuyên gia nổi tiếng thế giới về siêu dẫn, Chủ nhiệm Khoa Vật lý Đại học Temple University in Philadelphia và bắt giữ ông. Hi Tiểu Tinh bị khởi tố vì tội “hoạt động gián điệp” và bị nghi ngờ cung cấp cho Trung Quốc bí mật công nghệ siêu dẫn của các công ty Mỹ.
Trong gần hai năm qua, đã có một số nhà khoa học trong “Kế hoạch ngàn người” đã bị truy tố.
Ngày 5/7/2018, ông Trịnh Tiểu Thanh (Zheng Xiaoqing), một chuyên gia của hãng General Electric tham gia “Kế hoạch ngàn người” đã bị FBI bắt giữ. Ông bị buộc tội ăn cắp và chuyển giao cho Trung Quốc bí mật kỹ thuật về dây chuyền sản xuất tuabin hơi nước. Trịnh Tiểu Thanh được cho là có hai quốc tịch Trung Quốc và Hoa Kỳ và liên quan đến một công ty ở Nam Kinh cung cấp các bộ phận cho động cơ hàng không dân dụng. GE cũng nhận thức rõ điều này. FBI tuyên bố trong bản cáo trạng rằng ông Trịnh đã mã hóa và giấu 39 bản vẽ của GE giấu trong một bức ảnh phong cảnh hoàng hôn và tải nó vào hộp thư riêng của mình.
Trong mấy năm qua.hàng trăm nhà khoa học người Hoa ở Mỹ đã bị bắt giữ - đó có thể là nguyên nhân khiến "Kế hoạch ngàn người” đột nhiên biến mất (Ảnh: DJY)
|
Mặc dù Trịnh Tiểu Thanh đã đóng tiền bảo lãnh, luật sư cũng tuyên bố rằng đó không phải là hoạt động gián điệp và không có bằng chứng nào cho thấy dữ liệu bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, những hành vi này vẫn bị nghi ngờ và vụ việc vẫn đang được điều tra.
Trương Dĩ Hằng (Zhang Yiheng), một chuyên gia của “Kế hoạch ngàn người”, cựu giáo sư của Đại học Công nghệ Virginia, đã bị bắt vào ngày 20/9/2017 và bị kết án phạm ba tội gian lận vào ngày 24/2/2019. Trương Dĩ Hằng bị buộc tội nộp đơn xin tài trợ nghiên cứu 1,1 triệu đô la Mỹ tại Hoa Kỳ dùng cho dự án nghiên cứu ở Trung Quốc và giữ vị trí nghiên cứu viên tại Viện Công nghệ sinh học công nghiệp Thiên Tân, Viện Khoa học Trung Quốc.
Theo một nguồn tin, tính đến cuối tháng 11/2019 đã có hơn 150 nhà khoa học người Hoa ở Mỹ bị bắt vì tham gia “Kế hoạch ngàn người”. Trong giới quan sát có người cho rằng việc “Kế hoạch ngàn người” biến mất, có thể chỉ là cách người Trung Quốc đưa nó vào trong vòng bí mật bởi sự tuyên truyền rầm rộ về nó đã khiến các nước khác cảnh giác và có các biện pháp đề phòng, ngăn chặn.