Vài năm gần đây, HAGL luôn là “đội bóng quốc dân” được NHM cả nước yêu mến. Thậm chí có mùa giải V.League hễ bật ti vi lên là thấy Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, đội bóng phố Núi đi đến đâu là “cháy vé” đến đấy. Trên các đội tuyển quốc gia tràn ngập quân lò HAGL và phần lớn đá chính.
Đội bóng quốc dân
Trong bối cảnh sân cỏ Việt Nam có quá nhiều hình ảnh tiêu cực, bạo lực, thì lứa U19 của Công Phượng 4 năm về trước chơi thứ bóng đá cống hiến, có lối sống ngoài sân cỏ lành mạnh đã “hút hồn” người hâm mộ. Nhưng khi lứa “quả ngọt đầu mùa” bị chín ép vào mội trường bóng đá chuyên nghiệp mà thước đo của thành công là kết quả và danh hiệu thì mọi chuyện đã quay ngoắt 180 độ. Môi trường V-League khắc nghiệt hơn vạn lần so với những suy nghĩ và hình dung của bầu Đức và tất nhiên “những đứa con nhà bầu Đức” đã gặp khó khăn.
Khi lấy khóa 1 lò HAGL-Arsenal JMG làm nòng cốt đá V-League bầu Đức khẳng định tham vọng đưa HAGL vào tốp 5, tốp 3 hay thậm chí là dự án giúp HAGL vô địch V-League vào năm 2019. Sau “phiên bản 1.0” tuyển quân tứ xứ về Cao Nguyên đã giúp tiếng tăm HAGL vang xa Thái Lan và khu vực Đông Nam Á, bầu Đức tính đến việc tự đào tạo. Nhưng cho đến nay HAGL chưa bao giờ xếp trên vị trí thứ 10, thậm chí suýt xuống hạng vào năm 2015 khi đứng áp chót BXH. Niềm tin và hy vọng của khán giả Việt Nam nói chung và HAGL nói riêng rơi rụng dần theo thời gian, khán đài vắng dần.
Quân thua thì trảm tướng, đó là chuyện ngày thường của sân cỏ. Nhưng sau sự ra đi của ông thầy người Pháp Graechen, hay Nguyễn Quốc Tuấn và giờ đây là HLV Dương Minh Ninh người ta bắt đầu đặt câu hỏi: Phải chăng HAGL đang bị lỗi hệ thống? Bao giờ thì họ mới trở lại đường đua?
Phiên bản lỗi?
Khi Tuấn Anh chưa lấy lại phong độ, Văn Thanh đang chấn thương thì Văn Toàn phải “gánh team” (ảnh: VPF)
|
Gần 5 năm sau cuộc thay máu, ngoại trừ Văn Thanh, Công Phượng và phần nào đó là Xuân Trường, Tuấn Anh, phần còn lại của các sản phẩm của HAGL đều đánh mất chính mình. Điển hình là trường hợp của hậu vệ biên Lê Văn Sơn hay Trần Hữu Đông Triều, Hồng Duy. Người ta phát hiện lò JMG đã sản sinh và nhân bản hàng loạt những cầu thủ na ná nhau, có kỹ thuật cá nhân hoàn chỉnh, tư duy chiến thuật tốt nhưng lại thất bại trong các cuộc đối kháng. Đó là lý do bất cứ đội bóng V.League nào cũng có thể đá thủng lưới HAGL.
JMG thực chất là một cơ sở bóng đá cộng đồng ở Bờ Biển Ngà, được “gắn mác” Arsenal nhờ giới thiệu của anh em nhà Toure. Điều khác biệt là lò JMG chỉ nhăm nhăm đào tạo tiền vệ, tiền đạo và chủ trương ém quân “tập chay” chân trần, không có những trận đấu đối kháng trong những năm đầu tiên ăn tập. Giáo án JMG đưa ra nhấn mạnh việc tập luyện bằng chân trần trong những năm phát triển thể trạng sẽ giúp các cầu thủ hình thành cảm giác bóng.
Với môn chơi đối kháng cần tích lũy kinh nghiệm nhưng của lò JMG tham dự các giải từ U13-U17 khiến cho lứa Xuân Trường, Tuấn Anh kém hẳn độ quái so với Quang Hải, Văn Hậu (Hà Nội), Tiến Dụng (SHB.Đà Nẵng). Xét rộng ra toàn cầu, trong 21 cơ sở JMG mở ra khắp thế giới trong 9 năm qua, đã có 14 nơi “sập tiệm” vì sau thời gian ngắn, các nhà chuyên môn sớm nhận ra sự hạn chế của JMG.
Không phải ở cấp độ CLB mà trên đội tuyển quốc gia, Công Phượng, Xuân Trường đang mất dần vị trí bởi những bất lợi về thể hình, thể lực và tư duy, kỹ năng phòng ngự. Điều này thêm lần nữa được bộ lộ khi 2 cầu thủ này ra nước ngoài thi đấu, các HLV chỉ sử dụng cho vị trí dự bị. Cầu thủ trẻ HAGL duy nhất vẫn giữ được vị trí chính là Văn Thanh nhờ có được tốc độ nơi đường biên và lối chơi xông xáo.
Hiện giờ thì học viện triệu đô của “bầu” Đức đã đóng cửa, giáo áo “tập chay” JMG đã không còn được sử dụng. Nhưng “đội bóng quốc dân” phiên bản 2.0 đang phải gánh chịu hệ lụy của một quan điểm đào tạo đi ngược các yếu tố cơ bản để phát triển bóng đá. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu thương hiệu HAGL dù có thay bao nhiêu tướng cũng cứ mờ dần trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Bầu Đức chỉ còn biết trông chờ vào “HAGL phiên bản 3.0”, may ra mới có hy vọng!