Điểm thú vị khi "so găng" top người giàu nhất Việt Nam với Thái Lan, Singapore

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đáng chú ý, ngưỡng lọt top 1% dân số giàu nhất ở Việt Nam cao hơn ngưỡng 1% dân số giàu nhất ở Thái Lan. Tuy nhiên, tài sản trung bình của 1% dân số giàu nhất ở Thái Lan lại cao hơn tài sản trung bình của top 1% ở Việt Nam.
Điểm thú vị khi "so găng" top người giàu nhất Việt Nam với Thái Lan, Singapore

Theo dữ liệu được thu thập từ Cơ sở dữ liệu về Bất bình đẳng Thế giới, năm 2021, để lọt top 1% giàu nhất thế giới, một cá nhân cần có tài sản từ 1,15 triệu USD trở lên.

Xét trong nhóm ASEAN-6 (6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN), ngưỡng để lọt top 1% của Singapore là cao nhất với 3,91 triệu USD. Để lọt top 1% của Malaysia thì chỉ cần khối tài sản 473.875 USD.

Một người Việt Nam có 259.149 USD sẽ nằm trong top 1% giàu nhất đất nước. Con số này tại Philippines là 196.041 USD, Thái Lan là 168.883 USD và Indonesia là 142.688 USD.

Nếu xét tài sản trung bình của top 1% dân số giàu nhất, thì top 1% dân số giàu ở Singapore có tài sản trung bình lên tới 15,08 triệu USD. Con số này ở Malaysia là 1,74 triệu USD, Philippines là 769.667 USD và Indonesia là 526.685 USD.

Đáng chú ý, để gia nhập top 1% dân số giàu nhất ở Việt Nam, người ta cần có tài sản cao hơn so với để lọt top 1% dân số giàu nhất ở Thái Lan. Tuy nhiên, tài sản trung bình của 1% dân số giàu nhất ở Thái Lan lại cao hơn tài sản trung bình của top 1% ở Việt Nam.

Tại sao lại như vậy?

Điều này sở dĩ là do, top 1% người giàu nhất ở Thái Lan chi phối tới 43,6% tài sản của toàn đất nước. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức 26,5% ở Việt Nam.

1% người giàu nhất ở các quốc gia ASEAN-6 khác cũng đều chi phối tới khoảng 30% tài quốc gia (Singapore là 31,2%, Malaysia là 29,1%, Philippines là 32% và Indonesia là 29,4%).

Số liệu này cho thấy khoảng cách giàu nghèo giữa top 1% với 99% dân số còn lại ở Việt Nam là gần hơn so với các quốc gia Đông Nam Á khác.

Chênh lệch giàu nghèo ở Thái Lan càng thể hiện rõ hơn với hệ số Gini lên tới 0,85 (cao hơn mức trung bình thế giới là 0.84). Trong khi đó, hệ số này ở Philippines là 0,76; Singapore là 0,75; Malaysia và Indonesia là 0,74. Việt Nam có hệ số Gini thấp nhất trong 6 nước, là 0,73.

Song, nếu xét ở tỷ lệ 10% người giàu nhất, thì khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các nước không có quá nhiều khác biệt. Ở hầu hết các quốc gia ASEAN-6, trừ Thái Lan (75%), nhóm 10% này đều chi phối khoảng 60% tài sản quốc gia.

Trong năm 2021 vừa rồi, tính đến ngày 28/12, trong nhóm ASEAN-6, chỉ có duy nhất Việt Nam là giữ nguyên số lượng, còn các quốc gia Đông Nam Á khác đều có sự xuất hiện của các tỷ phú mới.

Đáng chú ý nhất là Thái Lan, quốc gia này có thêm 10 tỷ phú, vượt qua Singapore trở thành quốc gia có nhiều tỷ phú nhất Đông Nam Á. Singapore đứng thứ hai với 28 tỷ phú, tăng 4 người so với năm trước. Malaysia, Philippines và Indonesia cũng có số tỷ phú tăng khá, lần lượt là 5, 6 và 8 người.

Tài sản tỷ phú tại Đông Nam Á cũng có sự tăng trưởng rất mạnh trong năm 2021. Theo dữ liệu tổng hợp từ Forbes, so với lần thống kê vào tháng 4/2020, đến nay, tổng tài sản của các tỷ phú ở Indonesia đã tăng nhanh nhất khu vực, lên tới 80%, tại Philippines là 79%, trong khi tài sản các tỷ phú ở Singapore tăng 51%, Thái Lan tăng 47%, Việt Nam tăng 46% và Malaysia tăng 35%.

Mới đây, để trang trải các chi tiêu xã hội ngày càng tăng, cũng như góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, buộc người giàu phải đóng thuế nhiều hơn, Singapore đã đưa ra thông báo sẽ tăng thuế GST, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài sản.

Cụ thể, liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, để người giàu phải đóng thuế nhiều hơn, tỷ lệ đối với thu nhập vượt quá 500.000-1 triệu SGD sẽ được tăng lên 23%, từ mức 22% hiện tại. Mức thu nhập vượt quá 1 triệu SGD (khoảng 17 tỷ VND) sẽ được nâng lên 24%, cũng từ 22%.

Trong một diễn biến khác, Thái Lan lại đang lên kế hoạch thu hút 1 triệu công dân mới, là những người giàu có toàn cầu đến định cư trong 5 năm tới. Kế hoạch mới nhất được Thái Lan thông qua hồi tháng 9, đưa ra những khuyến khích như cấp cho công dân giàu thị thực cư trú dài hạn đặc biệt, miễn là họ đáp ứng ngưỡng đầu tư hoặc mua trái phiếu tối thiểu. Chính sách này được áp dụng cho những công dân toàn cầu giàu có, người nghỉ hưu, các chuyên gia có tay nghề cao và cả những người muốn làm việc ở Thái Lan từ nước ngoài.

Chính phủ Thái Lan hy vọng nhóm người nhập cư này sẽ tạo ra dòng tiền 29,5 tỷ USD vào năm 2026, giúp phục hồi nền kinh tế nước này sau khi GDP sụt giảm hơn 6% do ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Kế hoạch thu hút người giàu nước ngoài này có ý tưởng gần giống với chương trình "Thailand Elite Card" từng được triển khai vào năm 2003. Quốc gia láng giềng Malaysia cũng từng có chiến dịch tương tự - "My Second Home" được triển khai năm 2002, cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thị thực cư trú lên đến 10 năm. Trong khi Singapore cũng có "Tech.Pass" - chương trình cấp thị thực để thu hút người nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ, cùng với "Global Investor Programme" - chương trình thu hút các doanh nghiệp có giá trị ròng cao đến Singapore.

Theo Nhịp sống kinh tế