Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022) của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã CK: HVN) đã quyết nghị mục tiêu doanh thu công ty mẹ đạt 45.252 tỉ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước và sau thuế công ty mẹ dự kiến âm 9.335 tỉ đồng, giảm 23,5% so với số lỗ trong năm 2021.
Lãnh đạo HVN cho biết: Năm ngoái, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành hàng không. Trong bối cảnh đó, Vietnam Airlines đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp tự thân, cũng như tận dụng các hỗ trợ từ bên ngoài để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Vietnam Airlines đã triển khai thành công gói giải pháp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản quy mô 12.000 tỉ đồng, bao gồm việc tăng vốn điều lệ thêm 7.961 tỉ đồng; ký kết hợp đồng tín dụng thuộc gói vay tái cấp vốn với ba ngân hàng thương mại với tổng số tiền cho vay là 4.000 tỉ đồng.
Kết hợp nhiều giải pháp khác, Vietnam Airlines đã đạt được những kết quả khả quan. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 ở mức 29.752 tỉ đồng, lỗ hợp nhất trước thuế thấp hơn 1.339 tỉ đồng so với số lỗ kế hoạch đã báo cáo đại hội.
Vietnam Airlines tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2022 (Ảnh: HVN) |
Năm 2022, thị trường hàng không nội địa đang phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tổng thị trường khách nội địa 5 tháng đầu năm 2022 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với Vietnam Airlines, khách nội địa vượt 7,7% so với năm 2019.
Thị trường quốc tế cũng đang từng bước phục hồi. Theo dự báo gần nhất (tháng 6/2022) của IATA, thị trường quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương sẽ hồi phục vào 2024. Vietnam Airlines kỳ vọng cuối năm 2023 có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của giá nhiên liệu Jet A1 tăng mạnh, tốc độ phục hồi thị trường quốc tế còn nhiều rủi ro, thua lỗ vẫn có thể ở mức cao.
Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu toàn diện, chủ yếu tập trung triển khai các giải pháp từ nội lực của doanh nghiệp như tái cơ cấu tài sản, đội tàu bay, danh mục đầu tư, nguồn vốn…
Công tác tái cơ cấu tổ chức sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, công tác đổi mới quản trị tập trung xây dựng, điều chỉnh lại quy chế, quy trình thực hiện công việc, đẩy mạnh ứng dụng đổi mới hệ thống công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực./.