ĐHĐCĐ Hòa Phát chốt kế hoạch lợi nhuận 8.050 tỷ đồng, hướng đến Top 50 thế giới
Xuân Thắng
VietTimes -- Sáng 22/03/2018 tại Khách sạn Hilton Opera Hà Nội, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Với tỷ lệ biểu quyết gần như tuyệt đối, Đại hội đã họp bàn và thống nhất thông qua tất cả các tờ trình. Đáng chú ý, cổ đông HPG biểu quyết thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với doanh thu dự kiến đạt 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.050 tỷ đồng.
Đại hội ghi nhận sự tham gia của hơn 200 cổ đông, đại diện cho trên 80% cổ phần phổ thông có quyền dự họp dưới sự điều hành của Chủ tọa đoàn gồm ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT, ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, và các Phó Chủ tịch HĐQT Doãn Gia Cường, Nguyễn Mạnh Tuấn.
Lãi kỷ lục trong 25 năm tồn tại
Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017, Tổng Giám đốc Trần Tuấn Dương cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới ổn định, Hòa Phát đã đạt được kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử 25 năm xây dựng và phát triển, đánh dấu bước chuyển mình về tầm vóc và quy mô.
Doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 46.855 tỷ đồng, tăng 38% so với 2016. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử Hòa Phát khi đạt 8.015 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch và tăng 21% so với năm trước. Trong kết quả trên, lĩnh vực thép (thép xây dựng, ống thép, tôn mạ) đóng vai trò chủ đạo, đóng góp tới gần 90% doanh thu và lợi nhuận sau thuế.
Hòa Phát đã xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016. Trong tổng sản lượng trên, thép xây dựng chiếm 2,2 triệu tấn, ống thép đóng góp 600.000 tấn và còn lại là tôn mạ kẽm. Bên cạnh đó, Hòa Phát đã xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước 79.000 tấn phôi thép.
Với kết quả này, Hòa Phát củng cố vị thế số 1 của mình trong ngành thép Việt Nam. Cả hai dòng sản phẩm chủ lực của Tập đoàn là thép xây dựng và ống thép đều dẫn đầu thị trường, lần lượt là gần 23,9% và 26,4%.
Lĩnh vực kinh doanh truyền thống như Nội thất, điện lạnh và thiết bị xây dựng giữ đà tăng trưởng ổn định. Nội thất Hòa Phát tăng trưởng mạnh mẽ với dòng hàng văn phòng, nội thất gia đình. Điện lạnh Hòa Phát ghi nhận sản lượng tủ đông bán ra tăng gần 3 lần so với 2016. Trong khi đó, Thiết bị phụ tùng hoàn thành dự án nhà máy rút dây thép đầu tiên tại Hưng Yên.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tập đoàn đã bước đầu có doanh thu và lợi nhuận với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi. Trong lĩnh vực bất động sản, Hòa Phát đã bắt đầu bàn giao, ghi nhận doanh thu từ căn hộ Mandarin Garden 2 (Hà Nội), tiếp tục mở rộng các dự án Khu công nghiệp tại Hưng Yên, bắt đầu triển khai dự án Phân khu A-Khu đô thị Bắc Phố Nối, dự án nhà ở, trung tâm thương mại tại 70 Nguyễn Đức Cảnh,…
Theo công bố của lãnh đạo HPG, Tập đoàn này nộp ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2016. Trong vòng 10 năm từ 2008, các công ty thành viên Tập đoàn Hòa Phát đã đóng góp cho ngân sách nhà nước tới hơn 20.000 tỷ đồng, tương đương dự toán thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam, địa phương nằm trong Top 10 tỉnh có số thu ngân sách lớn nhất cả nước năm 2017.
Năm hoạt động 2017 cũng đánh dấu một bược chuyển lớn của HPG. Theo đó, từ tháng 11/2017, tập đoàn này chính thức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới nhằm hoàn thiện hơn về mặt hình ảnh, uy tín thương hiệu, đồng thời tương xứng với quy mô, tầm vóc mới của Tập đoàn trong tương lai.
Trước kết quả hoạt động ấn tượng của tập đoàn, các cổ đông HPG tỏ ra khá phấn khởi. (Ảnh: C.T)
Tăng doanh thu gấp đôi, hướng tới Top 50 thế giới
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm trước và diễn biến thị trường, Ban điều hành Tập đoàn xác định năm 2018 sẽ là năm bản lề hướng tới tầm vóc mới, sức mạnh mới. Tập đoàn sẽ dốc toàn lực để quyết liệt triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, đảm bảo dự án được đưa vào hoạt động đúng tiến độ, coi đây là mục tiêu số 1 trong năm nay.
Đối với kế hoạch năm, HPG dự kiến doanh thu sẽ đạt mức 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ so với năm trước với 8.050 tỷ đồng. Trả lời các cổ đông tham dự về mục tiêu này, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát đã xem xét kỹ lưỡng trước khi xây dựng kế hoạch năm trình Đại hội thông qua.
Trong năm 2018, Tập đoàn triển khai nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực kinh doanh, chủ yếu là thép. Mặt khác, HPG phải thận trọng với diễn biến thị trường nguyên liệu, một số dự án mới đưa vào hoạt động chưa đủ công suất như dây chuyền cán thép giai đoạn I – Dự án KLH sản xuất Gang thép tại Dung Quất (dự kiến có sản phẩm từ quý III); dây chuyền tôn mạ màu ra thị trường từ quý II. Với các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác, nông nghiệp, Hòa Phát tiếp tục giữ vững thị phần thiết bị xây dựng, nội thất, đồng thời triển khai các dự án đã công bố thông tin như dự án nhà máy thép dự ứng lực, hoàn thiện các trang trại chăn nuôi heo, bò và gia cầm với quy mô hiện tại để tạo đà cho sự phát triển trong tương lai.
Về tiến độ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Tập đoàn đã bắt đầu lắp đặt thiết bị dây chuyền cán thép dài đầu tiên, đẩy mạnh xây dựng cảng nước sâu và các hạng mục xây dựng cơ bản khác theo đúng tiến độ. Đến thời điểm này, Hòa Phát đã tuyển dụng gần 3.000 nhân sự cho dự án, đào tạo vận hành thực tế tại Hải Dương nhằm phục vụ quá trình xây dựng và vận hành Khu liên hợp tại Quảng Ngãi.
Lãnh đạo Tập đoàn nhấn mạnh, Hòa Phát sẽ đạt doanh thu gấp hơn 2 lần năm 2017 sau khi Khu liên hợp này đi vào hoạt động ổn định, nâng tổng công suất của các sản phẩm thép của Tập đoàn lên trên 7 triệu tấn từ 2020, đưa Hòa Phát vào Top 50 Doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát năm 2018 đã biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng gồm: Báo cáo của Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát; Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 và kế hoạch năm 2018; Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017; tờ trình trích lập các quỹ; phương án chia cổ tức 2017 và dự kiến 2018 và một số nội dung quan trọng khác. Mức chia cổ tức năm 2017 dự kiến là 40% bằng cổ phiếu.
Tất cả các tờ trình của HPG đều được ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 thông qua với tỷ lệ biểu quyết gần như tuyệt đối./.
Đánh giá lo ngại Formosa khi có chính sách mong muốn xây dựng thành nhà máy lớn nhất Đông Nam Á, điều này ảnh hưởng đến HPG ra sao?
Trước lo ngại của các cổ đông về áp lực cạnh tranh khi Formosa đang tham vọng xây dựng nhà máy sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, Chủ tịch HPG Trần Đình Long đã lên tiếng trấn an.
Vị tỷ phú nói rằng các cổ đông không nên quá lo lắng. Bởi lẽ, thép Hòa Phát có nhiều ưu thế cạnh tranh so với thép Formosa. “Mức đầu tư của HPG so với Formosa không quá lớn. Suất đầu tư Formosa bỏ ra là 1.300 USD/tấn. Trong khi đó, HPG chưa bằng 1/3. Điều đó, dẫn đến giá thành của Formosa khá cao, lãi vay lớn, chi phí lớn, sức cạnh tranh có thể giảm”.
Chủ tịch HPG còn lưu ý rằng, sau khi khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động, tổng công suất của các sản phẩm thép của Tập đoàn sẽ lên trên 7 triệu tấn, thậm chí là hơn.
Nhà sáng lập Hòa Phát cho biết thêm, thị phần quặng cấp cho HPG ngày càng nhỏ đi và chỉ chiếm 500 – 1 triệu tấn là cùng, qua đó trọng số không còn lớn nữa. Tiền vận tải quặng sắt từ Lào Cai đến Hải Dương có thể là 20 – 25 USD, trong khi đó từ Brazil theo đường biển chỉ từ 7 USD – 8 USD. Đây cũng là lợi thế lớn của HPG.
Do đó, áp lực cạnh tranh từ Formosa sẽ không có gì đáng ngại đối với HPG – ông Long khẳng định.
…
HPG thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu, với tỷ lệ chi trả lên đến 40%, trong 2017 và 2018. Điều này khiến một số cổ đông băn khoăn, rằng áp lực pha loãng nhanh sẽ ảnh hưởng tới thị giá cổ phiếu trên sàn.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Trần Đình Long, HPG đang có nhu cầu rất lớn về đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, như với riêng khu liên hợp gang thép tại Dung Quất tổng mức đầu tư đã lên tới 60.000 tỷ đồng. Do đó, tập đoàn rất cần giữ lại lợi nhuận, dồn tiền cho mục tiêu phát triển nên không thể chia cổ tức bằng tiền mặt.
Chủ tịch HPG đánh giá, với quy mô của HPG trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như thị trường thế giới, vốn điều lệ của HPG phải lên đến hàng tỷ USD mới tương xứng doanh thu, lợi nhuận đã làm ra. Nên việc HPG chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn là việc làm hợp lý.
“Thực tế, lần nào chia cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu HPG đều tăng điểm trở lại rất nhanh”, ông Long cho rằng các nhà đầu tư không nên lo lắng trước áp lực pha loãng từ việc chia cổ tức.