Gia đình ông Lý Quang Diệu được xem như "đệ nhất thế gia" của đảo quốc sư tử.
Theo đó trong 3 người con của nhà lập quốc Singapore, người con trai cả Lý Hiển Long, 67 tuổi, từng nắm các chức Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Tài chính và Phó thủ tướng trước khi trở thành Thủ tướng Singapore từ năm 2004.
Người con trai thứ hai Lý Hiển Dương, 62 tuổi, từng giữ chức Chủ tịch và Tổng giám đốc tập đoàn truyền thông khổng lồ SingTel trước khi trở thành chủ tịch Cục Hàng không dân dụng Singapore (CAAS).
Người con gái Lý Vỹ Linh, 64 tuổi, không đi theo con đường chính trị hay kinh doanh như anh và em trai, mà là một nhà khoa học nổi tiếng, từng giữ chức Giám đốc Viện Khoa học thần kinh Singapore.
Ông Lý Hiển Long và em gái Lý Vỹ Linh
|
Người em gái đột ngột chỉ trích ông Lý Hiển Long
Chuyện bắt đầu từ việc bà Lý Vỹ Linh viết một status trên trang Facebook cá nhân chỉ trích anh trai Lý Hiển Long tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1 năm ngày cha hai người qua đời là hành động lạm dụng quyền lực để “xây dựng vương triều riêng”. Sau đó, ông Lý Hiển Long đã đáp lại bằng một status trên Facebook của ông, nhấn mạnh những lời chỉ trích của em gái là vô căn cứ.
Lý Hiển Long viết, giỗ đầu một người đã khuất là thời điểm quan trọng để bày tỏ tưởng nhớ và suy nghĩ lại về họ, đặc biệt càng có ý nghĩa đối với lễ kỷ niệm 1 năm ngày mất của một người như Lý Quang Diệu. Các thành viên nội các đã cùng nhau thảo luận: “Nội các nhận thức rằng rất nhiều người Singapore đều rất hy vọng được bày tỏ sự thành kính đối với Lý tiên sinh, khẳng định những cống hiến của ông đối với chúng ta. Chúng tôi xem xét đánh giá hoạt động và nghi thức tưởng niệm do các tổ chức đoàn thể chuẩn bị, đồng ý những hoạt động này là chính đáng. Tôi và các thành viên nội các ý thức sâu sắc rằng, hoạt động kỷ niệm đã biểu đạt tình cảm chân thành thiết thực của người dân Singapore”.
Ông đáp trả em gái: “Việc nói tôi định xây dựng vương triều là sự chỉ trích không hợp lý. Dùng người theo tài năng là quan niệm giá trị căn bản mà xã hội chúng ta kiên trì. Tôi, Đảng Nhân dân hành động hoặc nhân dân Singapore đều không cho phép bất cứ ai làm điều đó”.
Theo tờ “The Guardian”, ngày 11/4/2016, trong mấy tuần liền bà Lý Vỹ Linh đã liên tiếp lên tiếng bày tỏ ý kiến về một bài bình luận bà viết cho tờ “The Straits Times”. Trong bài báo đó, bà bày tỏ phản đối quá nhiều hoạt động kỷ niệm kiểu “sùng bái anh hùng” được các giới tổ chức nhân 1 năm ngày ông Lý Quang Diệu mất. Tuy nhiên, do ông Ivan Fernandez, Phó Tổng biên tập tờ báo này cắt xén bài báo vì không đồng ý với một số nội dung, ý kiến của bà Lý Vỹ Linh nên bà đã lựa chọn cách đăng lại toàn bộ nguyên văn bài báo trên Facebook cá nhân.
Ba anh em nhà họ Lý (phải qua: Lý Hiển Long, Lý Hiển Dương, Lý Vỹ Linh)
|
Ngày 10/4/2016, đáp lại việc ông Fernandez “cắt xén nội dung” bài báo của mình, bà Lý Vỹ Linh đã công khai trên Facebook những e-mail trao đổi giữa hai người, nhấn mạnh những quan điểm bất đồng giữa bà và ông Lý Hiển Long được phản ánh trong 10 bức e-mail. Những nội dung này sau khi được bà đưa lên đã gây nên cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội khiến bà phải gỡ bỏ chỉ sau mấy giờ được đưa lên.
Những e-mail được công bố rồi gỡ xuống cho thấy, hôm 26/3/2016 bà Lý Vỹ Linh đã gửi ông Fernandez bức thư phản đối bản chỉnh sửa của bài bình luận sau khi được báo biên tập lại, yêu cầu rút xuống và nói bà “đã sớm liệu trước kết quả này”. Trong thư bà gọi Thủ tướng Lý Hiển Long bằng cách viết tắt “HL” và nói bà “bất đồng về mặt nguyên tắc” với người anh trai.
Bà viết: “Để tránh cho chúng ta quên Lý Quang Diệu, HL đã lạm dụng quyền lực một cách bừa bãi, chọn cách tổ chức hoạt động tưởng niệm Lý Quang Diệu chỉ 1 năm sau ngày ông mất; nhưng sự thực là, đến nay mọi người vẫn còn ấn tượng rất sâu sắc đối với sự kiện cha tôi mất hồi năm ngoái, chẳng có ai mới sau 1 năm đã quên. Nếu kẻ cầm quyền định xây dựng một vương triều, là con gái của Lý Quang Diệu, tôi sẽ không cho phép danh tiếng của ông bị chà đạp bởi hành vi không đẹp đẽ của người con trai đê tiện (dishonorable son)”.
Status của ông Lý Hiển Long phản bác những tố cáo của em gái
|
Bản “cáo bạch” của bà Lý Vỹ Linh – tuy đã được xóa sau vài giờ – đã khiến Thủ tướng Lý Hiển Long “nổi đóa” và đẩy sự việc đến tình huống “vô tiền khoáng hậu”. Sử dụng Facebook cá nhân vốn có trên 1 triệu người “like”, ông Lý Hiển Long đã “phản pháo” lại em gái bằng status nói ở trên. “Tâm thư” của ông Lý Hiển Long sau 1 ngày đã nhận được hơn 19 ngàn “like” và hơn 2.400 lượt chia sẻ cùng hơn 1.300 ý kiến bình luận, phần lớn đều bày tỏ đồng tình, ủng hộ ông.
Lý Vỹ Linh – người phụ nữ khác người
Sinh năm 1955, hiện là Cố vấn cao cấp của Viện y học thần kinh não Singapore, Lý Vỹ Linh luôn tự nhận mình là người “cổ quái”. Bà ăn mặc, trang điểm theo phong cách độc đáo riêng, thích mặc quần short thể thao, khi nào đến nơi công cộng cần phải mặc váy thì bà miễn cưỡng dùng một miếng vải khâu lại.
Khi xuất bản cuốn sách “Lý Vỹ Linh, câu chuyện Singapore của một phụ nữ Khách gia” (LEE WEI LING A Hakka Woman’s Singapore Stories”, trả lời phỏng vấn tuần san “The Straits Times”, Lý Vỹ Linh chỉ mặc chiếc áo pull cũ kỹ. Bà cười: “Nhìn tôi này, tôi là người cổ quái, tôi sẽ cứ cổ quái như thế. Tôi không nghĩ ra bất cứ lý do gì để mình thuận theo tiêu chuẩn bình thường của mọi người. Tôi không phải là người điển hình, nhưng tôi cổ quái một cách nhất quán. Ngày nào đó hiểu tôi, bạn sẽ phát hiện phản ứng của tôi đối với mọi việc đều đúng như dự liệu”.
Bà nêu ví dụ, một lần ở Mỹ, bà đương đầu với một phụ nữ da đen. Người này nói đang mang súng theo người, yêu cầu bà cho 3USD. Lý Vỹ Linh nói khi ấy bà không hề sợ hãi, giương mắt nhìn đối phương mấy phút rồi lên xe bus đi thẳng. Khi bà kể lại chuyện này với người khác, mọi người đều nói bà bị khùng. Bà nói bà không khùng, biết mụ kia có thể có súng thật, nhưng bà không sợ, không chịu bị kẻ khác khống chế.
Lý Vỹ Linh thậm chí còn nói bà là “người sao Hỏa”, chỉ có vài người tri kỷ. Bà không cho rằng mình là con gái Lý Quang Diệu nên chịu áp lực khi kết bạn. “Tôi không khó chịu về chuyện đó. Dù sao tôi cũng là người sao Hỏa. Hiện bạn bè của tôi chưa đầy số ngón tay, tôi quen biết nhiều người nhưng họ không được coi là bạn tôi”.
Bà Lý Vỹ Linh cùng cha, ông Lý Quang Diệu
|
Lý Vỹ Linh không giấu diếm mình là hậu duệ của người Hoa Đại Lục. Bà nói, cụ tổ của bà là người thôn Khách Gia ở Đại Phố lên Hạ Môn (Phúc Kiến) rồi từ đó đi thuyền tới Singapore làm chủ một cửa hiệu, lấy vợ sinh con. Nhưng sau đó ông lại quay về Đại Phố làm quan “bát phẩm”. Tuy nhiên bà vợ và các con ông không theo về, họ ở lại Singapore rồi sinh con đẻ cái…
Bà Lý Vỹ Linh đánh giá mình “không phải là người tuyệt đỉnh thông minh”, nhưng “có tính chịu đựng dẻo dai giống như tổ tiên, những người di cư xuống phía Nam khi xưa”.
Hiện nay vẫn sống độc thân, nhưng Lý Vỹ Linh từng phát biểu về quan niệm tình cảm của cá nhân trên báo chí. Bà cho biết bà hẹn hò lần đầu tiên khi 21 tuổi; đối tượng là một bác sỹ điều trị. “Chúng tôi tham dự một cuộc hẹn hò kiểu ăn tối. Tôi chú ý thấy những khách hàng khác đều thuộc giới nhiều tiền. Tôi đã bỏ ông ấy như từ bỏ củ khoai tây nóng rẫy”. Bà thừa nhận đã có tất cả 4 người đàn ông theo đuổi mình, trong đó 2 người sau đó đã trở thành bạn của bà.
Lý Vỹ Linh tự nhận mình “là người độc thân hạnh phúc”. “Ngoài gia đình hạt nhân, tôi cũng có một nhóm bạn thân, đa số bạn tôi đều là đàn ông…Tôi không ân hận về sự lựa chọn của mình, nhưng tôi xin nhắc nhở các bạn thanh niên nam nữ: thứ thích hợp với tôi chưa chắc đã thích hợp với người khác”.
Sau ba tuần liên tiếp lên mạng xã hội tố cáo anh trai – đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long, sáng ngày 6/7, bà Lý Vỹ Linh và người em Lý Hiển Dương đã ra tuyên bố chung bày tỏ chấm dứt việc sử dụng mạng xã hội để đưa các chứng cứ buộc tội anh trai, đồng thời mong muốn giải quyết riêng những tranh chấp trong nội bộ.
Tuyên bố viết: “Chúng tôi và cha chúng tôi đều không muốn bị công kích và hiểu sai, đó là điều kiện tiên quyết”, hoan nghênh phát biểu của Lý Hiển Long trước quốc hội bày tỏ muốn giải quyết riêng vấn đề và “chờ đợi cuộc đối thoại tay ba không có bất cứ luật sư hay cơ quan chính phủ nào tham dự”.
Tuy đang ở Đức tham dự Hội nghị cấp cao tập đoàn G20; nhưng sau khi hay tin này, ông Lý Hiển Long lập tức trả lời đồng ý giải quyết riêng tư những vấn đề với hai người em. Ông nói: “Đó là điều mà tôi luôn mong muốn thực hiện”. Lý Vỹ Linh và Lý Hiển Dương thì nói: họ lựa chọn cách “đình chiến” vì “lúc này nếu cứ thông qua mạng xã hội công khai thêm các chứng cứ thì chỉ khiến thực hư lẫn lộn, khiến chính phủ tìm cớ để ra tay giúp Lý Hiển Long. Nói cho cùng, có hỏi tội Lý Hiển Long hay không, cần phải do nhân dân Singapore quyết định”.
Anh em nhà họ Lý trong đám tang cha (phải qua: Lý Vỹ Linh, Hà Tinh, Lý Hiển Long, Lý Hiển Dương, Lâm Học Phần)
|
Ông Lý Hiển Long bị hai người em tố cáo
Ngày 14/6/2017, ông Lý Hiển Dương (em trai út) và bà Lý Vỹ Linh (em gái), công khai bất đồng với anh trai về việc ông Lý Hiển Long không tôn trọng, không làm theo di chúc của cha là phá dỡ ngôi nhà của ông, mà muốn giữ lại làm khu di tích. Đó là ngôi nhà số 38, đường Oxley, có phong cách giản dị, được xây từ cuối thế kỷ XIX với 5 phòng ngủ, hiện được định giá ít nhất 24 triệu đôla Singapore (SGD).
Được biết, theo di chúc để lại, ngôi nhà thuộc về phần thừa kế của ông Lý Hiển Long nhưng với một điều kiện là phải phá dỡ. Di chúc của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nêu rõ, nếu con cái không có khả năng tháo dỡ nhà do quy định ràng buộc thì ngôi nhà sẽ không được mở cho người ngoài, ngoại trừ con cháu trong gia đình. Như vậy, ý nguyện của người quá cố chính là không muốn ngôi nhà trở thành bảo tàng hay khu di tích để tưởng nhớ ông.
Lý Vỹ Linh và Lý Hiển Dương đã cho đăng bản thông cáo trên Facebook nói rằng họ “không còn tin tưởng” vào người anh trai. Hai người nhấn mạnh di nguyện của ông Lý Quang Diệu, là căn nhà trên phải bị phá dỡ; đồng thời cáo buộc vợ chồng ông Lý Hiển Long phản đối điều này là vì “muốn bảo toàn căn nhà để củng cố di sản chính trị”. Hai người còn cáo buộc ông Lý Hiển Long và bà Hà Tinh, vợ ông, nuôi tham vọng chính trị cho cậu con trai Lý Hồng Nghị. Hai người cáo buộc rằng kể từ khi ông Lý Quang Diệu qua đời hồi năm 2015, Singapore đã có những thay đổi không thể hiện các giá trị mà cha họ - cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đại diện. Họ cảm thấy mất niềm tin vào Thủ tướng Lý Hiển Long với tư cách người lãnh đạo. Họ cho biết tình hình nghiêm trọng đến mức ông Lý Hiển Dương cảm thấy cần rời khỏi Singapore. “Tôi đau lòng khi sẽ phải rời Singapore trong tương lai gần... Tôi không muốn rời đi. Hiển Long là lý do duy nhất cho việc ra đi của tôi”, ông Lý Hiển Dương cho biết.
Ngôi nhà số 38 đường Oxley, nhân tố gián tiếp khiến anh em nhà họ Lý lục đục
|
Theo tài liệu công bố, ngôi nhà 38 đường Oxley được ông Lý Quang Diệu để lại cho con trai cả Lý Hiển Long sau khi ông qua đời ngày 23/3/2015 ở tuổi 91. Lý Hiển Long sau đó bán lại ngôi nhà cho người em là Lý Hiển Dương. Trong một tuyên bố chung tháng 12/2015, cả ba anh em thông báo ông Lý Hiển Long và Lý Hiển Dương đồng ý quyên góp một nửa giá trị căn nhà Oxley Road cho 8 quỹ từ thiện nhân danh cha họ. Nay bà Lý Vỹ Linh nói, ông Lý Hiển Long đã áp đặt yêu cầu quyên góp từ thiện này như một điều kiện để bán ngôi nhà cho ông Lý Hiển Dương.
Bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương cho biết họ muốn tôn trọng nguyện ước của cha về việc phá bỏ căn nhà sau khi bà Lý Vỹ Linh thôi sống tại đây. Lý Hiển Long từng tuyên bố ông rút lui khỏi mọi quyết định của chính phủ liên quan đến căn nhà, và trong khả năng cá nhân, ông cũng sẽ ủng hộ nguyện ước của cha.
Theo hồi ký của Lý Quang Diệu, ngôi nhà ở số 38 đường Oxley, gần khu phố mua sắm Orchard nổi tiếng ở Singapore, được xây dựng vào cuối thế kỷ 20 bởi một thương gia người Do Thái. Ông đã chuyển tới ngôi nhà này cùng mẹ không lâu sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tầng hầm của ngôi nhà là nơi diễn ra những cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo tiên phong trong Đảng Nhân dân Hành động do ông Lý Quang Diệu đồng sáng lập. Đây là chính đảng cầm quyền tại Singapore từ năm 1959. Sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời, ý nguyện phá hủy căn nhà của ông đã được tiết lộ. Ông từng bày tỏ rằng ông không muốn chi phí bảo quản ngôi nhà cổ trở thành gánh nặng cho chính phủ.
Tờ Straits Times đưa tin ngày 14/6/2017, Thủ tướng Lý Hiển Long thông báo trên tài khoản Facebook cá nhân rằng: “Tôi rất thất vọng vì các em tôi chọn cách công khai các vấn đề riêng tư của gia đình. Tôi rất buồn bởi những cáo buộc họ đặt ra. Hà Tinh (phu nhân ông-ND) và tôi phản bác những cáo buộc này, đặc biệt là nội dung vô lý cho rằng tôi nuôi tham vọng chính trị cho con trai. Anh chị em trong nhà có thể có bất đồng, nhưng tôi tin rằng sự bất đồng đó chỉ nên ở trong gia đình. Kể từ khi cha tôi mất hồi tháng 3/2015, trong vai trò con trai cả, tôi đã cố hết sức đề giải quyết các vấn đề giữa chúng tôi, với tất cả sự kính trọng dành cho cha mẹ”.
Ông Lý Hiển Long, ngôi nhà ông Lý Quang Diệu để lại và vợ chồng Lý Hiển Dương, Lâm Học Phần
|
Ngày 19/6/2017, ông Lý Hiển Long đã đưa ra lời xin lỗi trước công chúng về chuyện lục đục giữa ông và hai người em xung quanh di chúc của cha: “Tôi vô cùng tiếc khi bất đồng (giữa anh em chúng tôi) ảnh hưởng đến uy tín của Singapore và lòng tin của người dân với chính phủ. Là Thủ tướng của các bạn, tôi xin lỗi về điều này. Là con cả trong gia đình, điều khiến tôi đau lòng là chuyện này sẽ khiến cha mẹ tôi rất buồn nếu họ còn sống”.
Mâu thuẫn giữa 3 người con của ông Lý Quang Diệu là đã âm ỉ từ nhiều năm nay, sau khi “người cha lập quốc của Singapore” mất hồi tháng 3/2015 ở tuổi 91. Căng thẳng đợt này gia tăng khi các anh em ông Lý Hiển Long liên tục “khẩu chiến” trên Facebook. Hai người em nói họ “không còn niềm tin” với anh trai mình, thậm chí công kích rằng ông Lý Hiển Long hành xử theo lối chuyên quyền, gia đình trị. Lý Hiển Long phản bác lại khi nêu ra nhiều nghi vấn xung quanh đến bản di chúc, tuyên bố ông làm mọi việc đều theo đúng nguyên tắc và minh bạch. Trước đó, ông Lý Hiển Long tuyên bố tự rút khỏi các quyết định của chính phủ về số phận ngôi nhà. Tuy nhiên, hôm 14/6/2017, chính phủ Singapore lần đầu tuyên bố, một ủy ban cấp bộ được thành lập do Phó Thủ tướng Trương Chí Hiền đứng đầu để xem xét tương lai của ngôi nhà.
Ngày 3/7/2017, ông Lý Hiển Long lần đầu tham dự phiên họp đặc biệt của quốc hội, đối diện với những câu hỏi chất vấn của các nghị sĩ, trong khi bên ngoài có hàng ngàn người dân xếp hàng dự thính. Phiên họp này không chỉ liên quan đến số phận ngôi nhà của gia tộc họ Lý, không chỉ liên quan đến uy tín chính trị của ông, mà còn để dân chúng Singapore và cộng đồng quốc tế nhìn nhận đúng về vai trò giám sát của quốc hội nước này. Lý Hiển Long đăng đàn trước quốc hội, phát biểu: “Tôi lên đây không phải để bài bác những người em. Quốc hội không phải là nơi để làm việc đó. Việc riêng, tôi sẽ tự xử lý, nhưng liên quan đến việc công tôi sẽ trình bày và giải thích đầy đủ”.
Ông công khai bức thư cha mình gửi chính phủ năm 2010, khi đó Lý Quang Diệu muốn phá dỡ ngôi nhà vì “không có giá trị kiến trúc” và “không muốn nơi này trở thành nơi dân chúng đến triều bái”.
Tuy nhiên, ngày 27/12/2011, trước những ý kiến phản đối việc phá dỡ nhà, Lý Quang Diệu đã gửi thư cho chính phủ, đồng ý về kế hoạch cải tạo lại căn nhà số 38 đường Oxley thay vì phá bỏ nó. Lý Quang Diệu đã gặp kiến trúc sư, ký đơn sửa chữa để nộp cho giới chức tháng 3/2012 và được chấp thuận. Theo ông Lý Hiển Long, vợ chồng ông đã thông báo đầy đủ cho các người thân và không ai phản đối.
Sau khi Lý Quang Diệu qua đời tháng 3/2015, 3 anh em nhà họ Lý đã thảo luận việc có trao đổi kế hoạch xử lý ngôi nhà với quốc hội không. Khi đó, Lý Hiển Dương đã phản đối, nói phải phá bỏ nó. Lý Hiển Long “vô cùng bất ngờ”, ông nhận ra là điều khoản phá bỏ nhà lại được đưa vào di chúc, nhưng nói Lý Vĩ Linh hiện đang ở đây nên từ từ rồi sẽ tính. Sau đó để tránh rắc rối, ông đã giao việc giải quyết ngôi nhà cho Phó Thủ tướng thứ nhất Trương Chí Hiền phụ trách; ông không liên quan việc thành lập một ủy ban cấp bộ do Trương Chí Hiền đứng đầu để xem xét làm gì với căn nhà.
Về cáo buộc của 2 người em nói ông dùng người theo tình thân, hình thành nền chính trị vây cánh, ưu đãi vợ con, Lý Hiển Long nói Lý Hồng Nghị con trai ông đã công khai tuyên bố không có ý tham gia chính trường; còn việc bà Hà Tinh vợ ông là CEO Công ty Temasek Holdings, ông tin rằng nếu có điều gì khuất tất, ắt giới lãnh đạo công ty sẽ không bỏ qua. Ông cho rằng, những cáo buộc của hai người em là không có cơ sở, gây tổn hại đến bản thân ông và cả chính phủ Singapore, nếu là người khác hẳn họ đã bị kiện ra tòa.
Tuy nhiên, ngày hôm sau ông Lý Hiển Dương lập tức lên tiếng cáo buộc anh trai nói dối về di nguyện cuối cùng của người cha đã quá cố. Lý Hiển Dương cáo buộc anh trai không trung thực khi phát biểu trước quốc hội Singapore rằng ông Lý Quang Diệu đã có ý định giữ lại và cải tạo ngôi nhà; buộc tội anh trai đã lừa dối người cha quá cố trong những năm cuối đời của ông. Theo Lý Hiển Dương, Lý Hiển Long đã nói với cha rằng ngôi nhà số 38 đường Oxley đã được chính phủ Singapore công nhận là di tích quốc gia để ngăn cản cha mình đưa ý nguyện phá bỏ căn nhà vào di chúc.
“Ông ấy (Lý Hiển Long) đã cố tình vòng vo và nói những điều sai sự thật về di nguyện của cha chúng tôi”, Lý Hiển Dương viết trên Facebook cá nhân. Thông tin này sau đó được Lý Vỹ Linh, thành viên còn lại trong gia đình họ Lý, chia sẻ.
Lý Hiển Dương vì lợi cá nhân mà chống lại anh trai?
Minh Báo (Hongkong) ngày 25/6/2017 dẫn ý kiến phân tích của giới truyền thông Singapore cho rằng: nguyên nhân thực sự của việc Lý Vỹ Linh và Lý Hiển Dương lên tiếng tố cáo anh trai đi ngược di nguyện người cha, cố giữ lại ngôi nhà là do “móng vuốt đồng tiền”.
Báo này cho biết, Lý Hiển Dương đã đầu tư vào khu đất có ngôi nhà 38 đường Oxley này 36 triệu SGD; nếu chính phủ quyết định giữ lại ngôi nhà thì khoản đầu tư đó sẽ mất trắng, vì giữ được lợi ích cá nhân nên Lý Hiển Dương đã không ngần ngại công kích anh trai.
Trong khi anh trai tích cực theo nghiệp chính trị thì Lý Hiển Dương dốc sức vào kinh doanh. Sinh năm 1957, sau khi tốt nghiệp Trung học Công giáo, Lý Hiển Dương sang Anh học Đại học Cambridge theo học bổng Tổng thống, sau khi tốt nghiệp lại qua Mỹ học lấy bằng Thạc sĩ quản lý ở Đại học Stanfort.
Sau khi về nước, ông gia nhập quân đội, được phong hàm Chuẩn tướng. Tháng 4/1994 ông xuất ngũ quay sang kinh doanh, vào SingTel, một năm sau đã là CEO của SingTel; sau đó ông lần lượt là Chủ tịch Tập đoàn Tinh Sư (Fraser and Neave – 10/2007), Chủ tịch Cục Hàng không Singapore (7/2009) và nhiều tổ chức tín dụng, kinh doanh khác; từng được gọi là “kỳ tài thương nghiệp”.
Tuy báo chí chưa nắm được tổng số tài sản của Lý Hiển Dương, nhưng dự tính thu nhập mỗi năm của ông vượt quá 1 triệu SGD. Năm 2015, sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời, Lý Hiển Long đã chuyển nhượng ngôi nhà này cho Lý Hiển Dương với điều kiện hai bên nhất trí chuyển giao 1 nửa số tiền tính theo thời giá thị trường cho quỹ từ thiện.
Có người trong giới địa ốc tính toán: diện tích ngôi nhà 12 ngàn thước vuông, giá đất khoảng 24 triệu SGD, Lý Hiển Dương đã đầu tư vào đây 36 triệu SGD; nếu chính phủ quyết định giữ lại ngôi nhà thì ông ta sẽ bị thiệt hại nặng nề. Đó mới là lý do chính Lý Hiển Dương trở mặt chống người anh, chứ không vì lợi ích của người dân và đất nước như ông nói.
Lý Hồng Nghị, con trai ông Lý Hiển Long được coi là người mà Lý Hiển Long muốn đào tạo để kế vị
|
Ông Lý Hiển Long nghi ngờ em dâu sửa đổi Di chúc của Lý Quang Diệu
Trong bản tuyên bố tối 14/6/2017, ông Lý Hiển Long đã công khai bản cam kết của ông gửi Ủy ban cấp bộ về vấn đề ngôi nhà, trong đó nói từ năm 2011, ông Lý Quang Diệu có cả thảy 7 bản Di chúc; trong đó 4 bản đầu có nội dung phá bỏ ngôi nhà, bản 5 và 6 không có, đến bản thứ 7 năm 2013 lại thấy có điều khoản phá dỡ ngôi nhà được đưa trở lại. Ngoài ra, bản thứ 5 ghi tài sản để lại chia đều cho 3 người con; bản thứ 6 yêu cầu chia thêm 1 phần cho Lý Vỹ Linh, đến bản thứ 7 lại trở lại chia đều cho 3 con.
Lý Hiển Long nói, 6 bản Di chúc đầu do người cháu của bà Kha Ngọc Chi (mẹ ba người) là nữ luật sư Kha Kim Lợi chấp bút; nhưng bản thứ 7 thì Kha Kim Lợi bị gạt ra, giao cho Lâm Học Phần, vợ Lý Hiển Dương và văn phòng luật của bà ta soạn thảo. Lý Hiển Long cho rằng, bản Di chúc thứ 7 này được đưa ra trong tình hình khiến người ta “cực kỳ bất an”; ông nghi ngờ Lý Quang Diệu không được giải thích rõ ràng và cũng không được xem xét một cách khách quan, độc lập về pháp luật; Lý Quang Diệu có lẽ chỉ quan tâm đến điều khoản chia đều tài sản, mà không biết điều khoản “phá bỏ ngôi nhà” lại được đưa vào. Lý Hiển Long nghi ngờ em dâu tham gia soạn thảo bản Di chúc cuối cùng này do có xung đột về lợi ích nên sau khi sửa lại khoản chia đều tài sản thì Lý Hiển Dương sẽ được nhận nhiều hơn.
Lý Hiển Dương phản kích lại anh trai bằng cách công bố hình ảnh chụp bản di chúc có điều khoản dỡ nhà ấy lên Facebook, nói 3 chữ “LKY” ở góc phải bên dưới chính là viết tắt tên tiếng Anh “Le Kwan Yeo” của cha cho chính tay ông ghi để chứng minh người cha biết rõ việc này. Bà Lý Vỹ Linh sau đó cũng lên Facebook phản bác lại việc Lý Hiển Long không tin tưởng Lâm Học Phần là “vu khống, dối trá nhằm lừa người”./.