Đó là khẳng định của các chuyên gia trong và ngoài nước trong phiên họp đầu tiên của hội thảo Biển Đông sáng nay 25-7 tại TP.HCM.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, khẳng định tác động của hành vi xây đảo nhân tạo mà Trung Quốc đối với hoà bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải -hàng không, môi trường biển… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mọi quốc gia trên thế giới.
|
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo- Ảnh: Thanh Tùng |
Trong phiên tham luận, Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, khoa Luật quốc tế ĐH Luật TP.HCM nhận định hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc làm cho tiến trình giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan trên Biển Đông ngày càng bế tắc, làm cho và các tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến quần đảo Trường Sa ngày càng phức tạp và nguy hiểm.
Hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa đã, đang, sẽ cản trở và đe dọa tự do hàng hải, hàng không, thương mại khu vực và thế giới. Trung Quốc cũng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, làm gia tăng chạy đua vũ trang trong khu vực và thế giới.
|
Phó Đô đốc Anup Sing, nguyên Tổng tư lệnh Lực lượng Hải quân miền Đông Ấn Độ trả lời báo chí - Ảnh: Thanh Tùng |
Tiến sĩ A. Ponkina Alena, giảng viên ĐH Luật Kutafin, Nga, đề cập đến những vấn đề pháp lý của đảo nhân tạo. Bàcho rằng cácđảo nhân tạo thậm chí là một sự đe dọa nghiêm trọng đối với sự tự do hàng hải và đánh bắt cá, hoặc có thể gây ra những xung đột vũ trang quốc tế trầm trọng hơn. Thậm chí nguy cơ các đảo nhân tạo huỷ hoại môi trường biển có thể là tội ác quốc tế.
Tiến sĩ Trần Thanh Long thuộc ĐH Luật TP.HCM cảnh báo những hành vi của Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng của khu vực Biển Đông nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng, tạo ra căng thẳng và làm phức tạp thêm việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến Biển Đông.
Nó còn đe dọa trực tiếp đến hòa bình và an ninh cũng như sự ổn định trong khu vực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng hải và hàng không quốc tế, làm tổn hại đến hợp tác kinh tế và thương mại trong khu vực.
Tham gia hội thảo từ xa, Giáo sư Batongbacal của Philippines đề cập đến những biện pháp tạm thời nhằm chống lại các hành vi đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông. Các biện pháp tạm thời có thể được áp đặt bởi một cơ quan tài phán trọng tài quốc tế.
HIẾU TRUNG - HẢI YẾN theo Tuổi Trẻ