Đảo ngược trận thế Syria, Nga giành lại thế siêu cường

VietTimes -- Lực lượng vũ trang Nga đã được hưởng lợi và được tăng cường sức mạnh nhờ chiến dịch tại Syria nhiều hơn bất kỳ lần can thiệp quân sự nào khác trong lịch sử nước Nga hậu Xô-viết, tổ chức Jamestown nhận định. 
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 của Nga tấn công các mục tiêu IS ở Syria (ảnh: RealClearDefense)
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 của Nga tấn công các mục tiêu IS ở Syria (ảnh: RealClearDefense)

Tổng thống Vladimir Putin đã tận dụng cơ hội đến thăm căn cứ không quân Nga ở Latakia vào ngày 11/12 để tuyên bố rút quân khỏi Syria, và đưa ra lời đe dọa sẽ tấn công nếu các phần tử khủng bố dám "ngóc đầu dậy". Đồng thời, Tổng tham mưu trưởng, Đại tướng Valery Geramisov, cũng có giọng điệu tương tự khi phát biểu rằng Lực lượng Không quân Vũ trụ (VKS) đã khiến tổ chức khủng bố IS ở Syria bị thua tan tác (Kremlin.ru, ngày 11/12).

Mặc dù các tuyên bố này có thể hơi quá lời, nhưng cũng không phải là sớm khi chắc chắn rằng quân đội Nga đã được lợi lớn từ 2 năm tham chiến tại Syria, khi mà nước này chỉ triển khai một lực lượng tương đối nhỏ, chịu thương vong không đáng kể và không bị sa lầy vào cuộc chiến như dự đoán của nhiều chính phủ phương Tây. Tuy nhiên, mức độ mà quân đội Nga đã tận dụng việc can thiệp vào Syria được thấy rõ trong việc sử dụng lần can thiệp như là một cơ hội huấn luyện quy mô lớn cho các sĩ quan chỉ huy. Hơn nữa, những bài học rút ra từ chiến dịch này đang định hướng cho chương trình vũ khí mới của Nga.

Phi công Nga làm nhiệm vụ trong chiến dịch quân sự tại Syria
Phi công Nga làm nhiệm vụ trong chiến dịch quân sự tại Syria

Trong một bài báo trên tờ Voyenno Promyshlennyy Kuryer, Thượng tướng Andrei Kartapolov, chỉ huy quân khu miền Tây, đã nêu bật những thành tích đạt được trong năm huấn luyện 2017 và đưa ra một số nhận định về các ưu tiên cho năm 2018. Trọng điểm trong những phản ánh của tướng Kartapolov về năm huấn luyện 2017 là các bài học rút ra từ cuộc tập trận Zapad 2017 và kinh nghiệm tác chiến tổng thể tại Syria.

Ông cho biết trong năm nay, quân khu miền Tây đã tổ chức 1.200 cuộc diễn tập ở các cấp độ khác nhau, bao gồm cả việc tham gia Zapad 2017, vì vậy ông khẳng định hoạt động huấn luyện tác chiến và chiến đấu đã tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo ông, huấn luyện ở quân khu miền Tây đã diễn tập cách tiếp cận chiến tranh dựa trên những bài học rút ra từ thực tế chiến đấu của quân đội Nga tại Syria.

Đảo ngược trận thế Syria, Nga giành lại thế siêu cường ảnh 2Hàng loạt xe bọc thép tham gia cuộc tập trận Zapad 2017 (ảnh: Sky News)

Theo tướng Kartapolov, những xu hướng và chủ đề huấn luyện chiến đấu này sẽ được tiếp tục trong năm 2018, từ đó cho thấy huấn luyện sĩ quan sẽ bao gồm quá trình “tự học” căng thẳng và cạnh tranh hơn. Giống như các chỉ huy của 3 trong số 5 quân khu khác của Nga, tướng Kartapolov đã thu được nhiều kinh nghiệm chiến đấu ở Syria (EDM, ngày 26/7/2016). Và hiện tại, cách huấn luyện này cũng được áp dụng bởi nhiều sĩ quan chỉ huy trong lực lượng vũ trang.

Tóm lại, Matxcơva đã sử dụng việc can thiệp vào Syria như là một cơ hội huấn luyện cho các sĩ quan quân đội bằng cách cho nhiều chỉ huy cấp cao luân phiên tham chiến ở các khu vực xung đột; điều này đã giúp ích cho VKS, lục quân, lực lượng đặc nhiệm, hải quân và cả các công ty quân sự tư nhân tham chiến tại Syria (Voyenno Promyshlennyy Kuryer, ngày 6/12; EDM, ngày 16/3, 22/3, ngày 12/10).

Tướng Kartapolov ca ngợi thành công của quá trình hiện đại hóa quân sự đang diễn ra, nó đang gia tăng mức độ các loại vũ khí và trang thiết bị tối tân, hiện đại trong quân khu của ông (Voyenno Promyshlennyy Kuryer, ngày 6/12). Bất chấp các biện pháp trừng phạt quốc tế cũng như các thách thức đối với nền kinh tế Nga, chính quyền ông Putin có vẻ sẽ tiếp tục ủng hộ tiến trình hiện đại hóa diễn ra trong dài hạn hơn. Chương trình vũ khí quốc gia đến năm 2025 (GPV), vốn đã trì hoãn lâu, nay được gọi là GPV đến 2027 (EDM, ngày 29/11).

Vì kế hoạch này đã được điều chỉnh trước khi hoàn thiện và được ông Putin ký, dường như rõ ràng rằng các lực lượng hạt nhân của Nga và việc ra mắt thêm các hệ thống vũ khí tấn công chính xác công nghệ cao sẽ là những ưu tiên hàng đầu của kế hoạch đổi mới vũ khí. Theo Tổng thống Putin, mục tiêu chính của nó là hiện đại hóa hơn nữa sức mạnh răn đe hạt nhân, ưu tiên cao các lực lượng hạt nhân chiến lược. Điều này sẽ dần dần thay thế những hệ thống cũ bằng các hệ thống mới để đảm bảo năng lực răn đe hạt nhân lâu dài của Nga và khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương (Nezavisimoye Voyennoye Obozreniye, ngày 8/12).

Bên cạnh ưu tiên hạt nhân, các lực lượng thông thường sẽ được hưởng lợi chủ yếu bởi sự ra đời cùng với sự quan tâm ngày càng tăng tới các loại vũ khí tấn công có độ chính xác cao. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Yury Borisov cũng xác nhận tồn tại xu hướng này trong chi ngân sách quốc phòng bằng cách đặc biệt liên kết việc chú trọng vào vũ khí chính xác cao với kinh nghiệm thu được từ cuộc xung đột Syria. Ông Borisov giải thích với các phóng viên rằng, bên cạnh việc đưa ra một số lượng lớn các loại vũ khí chính xác cao, sẽ có thêm nhu cầu liên quan đến các hệ thống hỗ trợ thông tin, bao gồm các tài sản hàng không và đặt ngoài không gian.

Ngoài ra, GPV đến 2027 sẽ định hướng lại nguồn tài chính quy mô lớn dành cho nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quốc phòng để phát triển hơn nữa năng lực tấn công với độ chính xác cao của Lực lượng vũ trang thông thường của Nga. Điều này sẽ bao gồm các nỗ lực tăng số lượng cán bộ khoa học quốc phòng có trình độ cao nhằm tạo thuận lợi cho các mục tiêu lớn hơn là củng cố và tăng cường các thành phần tấn công có độ chính xác cao của quân đội (Nezavisimoye Voyennoye Obozreniye, ngày 8/12).

Đảo ngược trận thế Syria, Nga giành lại thế siêu cường ảnh 3Máy bay ném bom chiến thuật Su-34 (ảnh: RIA)

Vì vậy, rõ ràng là quân đội Nga và chương trình hiện đại hóa dài hạn hơn đang được tăng cường đáng kể bởi kinh nghiệm tác chiến thu được ở Syria. Các nhận xét của tướng Kartapolov đã tạo ra mối liên hệ rõ ràng giữa chiến dịch Syria với sự quan tâm ngày càng lớn tới các hệ thống có độ chính xác cao. Điều này cũng sẽ giúp ích cho kế hoạch hiện đại hóa ở các quân khu khác. Ví dụ, Matxcơva dự định xây dựng một căn cứ hải quân ở quần đảo Kuril (một vài hòn đảo trong số này đang có tranh chấp với Tokyo), thuộc quân khu miền Đông.

Cơ sở hạ tầng quân sự ban đầu của Nhật Bản tại quần đảo Kuril từ lâu đã bị hư hại, đòi hỏi Matxcơva phải tiến hành khôi phục. Việc này sẽ bao gồm cải tạo đường băng trên đảo Matua để tiếp nhận hàng không chiến lược cũng như xây dựng một cơ sở hải quân để hỗ trợ tàu ngầm và tàu nổi. Các máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 trang bị vũ khí tấn công thông thường có thể sử dụng hòn đảo này để tăng cường khả năng răn đe phi hạt nhân chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Voyenno Promyshlennyy Kuryer, ngày 29/11).

Mặc dù các chỉ huy quân đội và các quan chức quốc phòng Nga có nói đến bài học rút ra từ cuộc tập trận Zapad 2017, nhưng có vẻ rõ ràng là GPV đến 2027 được định hình chủ yếu bởi các bài học rút ra từ các chiến dịch ở Ukraine và Syria. Việc Nga chú trọng vào các loại vũ khí chính xác cao cũng như hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát (C4ISR) chắc chắn bắt nguồn từ cuộc xung đột Syria.

Mặc dù phần lớn các lần xuất kích của VKS ở Syria không sử dụng các loại vũ khí tấn công có độ chính xác cao, nhưng việc thử nghiệm sử dụng những hệ thống như vậy đã khiến Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu tin chắc rằng kho vũ khí của Nga cần có thêm nhiều loại vũ khí này. Vì quá trình hiện đại hóa chuyển sang các hệ thống như vậy và quân đội được lợi từ các chỉ huy cấp cao có kinh nghiệm chiến đấu, điện Kremlin sẽ có thêm một loạt các lựa chọn khác để tránh phải dựa vào việc "triển khai trên bộ". Tổ chức Jamestown cho rằng trong tương lai, dựa vào kế hoạch hiện đại hóa vũ khí kết hợp với kinh nghiệm tác chiến với quy mô nhỏ hơn và chi phí thấp tại Syria, Matxcơva có thể sẵn sàng thực hiện can thiệp quân sự đến cùng, cả ở xung quanh lãnh thổ Nga lẫn hỗ trợ địa phương bằng hình thức viễn chinh.