Dữ liệu lộn xộn và thiên đường thuế làm khó cơ quan thuế
Năm nay chủ đề đánh thuế tiền mật mã trở nên nóng hơn ở Anh vì một trong những nền tảng giao dịch tiền mật mã phổ biến ở Anh là Coinbase đã thông báo rằng họ đã cung cấp thông tin của khách hàng cho cơ quan thuế HMRC của Anh vào tháng 10-2020. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư vào tiền mật mã lo sợ họ sẽ bị đánh thuế.
Có hai loại thuế cơ bản sẽ đánh lên tiền mật mã. Một là thuế thu nhập đánh lên các khoản thu nhập dưới dạng tiền mật mã. Ví dụ nếu công ty trả lương cho nhân viên bằng tiền mật mã như bitcoin hoặc nếu một người “đào” bitcoin và nhận được thu nhập từ chuyện đó.
Một loại thuế khác là thuế lãi vốn, đánh trên các giao dịch đầu tư tiền mật mã mà sinh lãi. Nghĩa là khi một nguời mua một số bitcoin rồi sau đó bán đi và kiếm được lời, thì người này phải trả thuế lãi vốn. Nó tương tự như người ta mua bán cổ phiếu và nộp thuế lãi vốn trên lợi nhuận từ cổ phiếu vậy.
Nếu việc đánh thuế tiền mật mã là không dễ như những câu chuyện kể ở trên, thì ngược lại với phía nhà đầu tư tiền mật mã, giấc mơ về một thế giới lý tưởng không phải nộp thuế cho chính phủ cũng đang xa dần.
Nghe vậy thì tưởng là Chính phủ Anh giàu đến nơi vì hiện nay truyền thông đăng tải như kiểu “nhà nhà mua tiền mật mã”, “người người đầu tư tiền mật mã”.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ chủ đề này sẽ thấy chuyện đánh thuế tiền mật mã là không hề dễ dàng như vậy. Thứ nhất, Coinbase ước tính thông tin mà họ cung cấp cho HMRC sẽ chỉ ảnh hưởng khoảng... 3% khách hàng.
Đó là vì nhiều người sở hữu rất nhiều ví tiền mật mã ở nhiều nền tảng giao dịch khác nhau. Vì vậy ở mỗi một sàn giao dịch, tài khoản của họ có thể không lớn và những giao dịch phát sinh thì ở dưới mức chịu thuế. Giống như một người sở hữu rất nhiều vàng, nhưng chôn ở mỗi nơi có một ít, nên ở đâu thì cũng thấy họ có vẻ nghèo.
Về mặt nguyên tắc, nếu các nền tảng giao dịch lưu trữ thông tin đầy đủ và rõ ràng, thì việc truy vấn thông tin và tổng hợp lại là không khó. Thế nhưng thực tế thì thông tin mỗi sàn giao dịch lưu trữ mỗi kiểu, các cấu trúc dữ liệu không giống nhau, có nhiều sai sót, và lẫn lộn nhiều loại thông tin. Một đồng nghiệp cũ của người viết nay làm việc cho chính phủ Anh chuyên về mảng dữ liệu và thống kê bảo rằng mớ hỗn độn đó là một ác mộng cho Sở thuế năm nay.
Và Sở thuế ở Anh hoạt động trên nguyên tắc tự khai báo thông tin của nhà đầu tư. Vì vậy, nếu nhà đầu tư cố tình che giấu thông tin, thì chưa chắc nhân viên thuế đã có thể “đào” ra được những hành vi cố tình trốn thuế hay cố tình khai ít thuế đi. Bản thân các nền tảng giao dịch tiền mật mã lại không có sẵn tổng hợp thông tin giao dịch bài bản cho mục đích thuế như các sàn giao dịch truyền thống hơn, nên người khai thuế gặp khó thì người kiểm tra khai thuế cũng... gặp khó luôn!
Có những câu chuyện điều tra thuế của cầu thủ, ngôi sao nổi tiếng… khó khăn muôn trùng, kéo dài 3-4 năm, thậm chí cả một thập kỷ với một hệ thống thông tin tương đối là chuẩn hóa, thì nay với cái hệ thống thông tin râu ông nọ cắm cằm bà kia giữa các sàn giao dịch tiền mật mã thì chuyện điều tra thuế là câu chuyện dài. Thông thường, những vụ việc tránh/trốn thuế của những người không nổi tiếng chỉ bị phát hiện khi phát sinh một giao dịch giá trị rất lớn bằng tiền mật mã khiến cho chính phủ chú ý.
Mặt khác, trong chuyện đời thường có thiên đường thuế thì trên thế giới tiền mật mã cũng đang như vậy. Hiện đang có những thiên đường thuế như ở Malta và Singapore - nơi mà giao dịch tiền mật mã không trả thuế lãi vốn. Hiện tại đang tồn tại những hành vi mua tiền mật mã qua Coinbase nhưng lại chuyển về một sàn giao dịch có công ty con ở Malta hay Singapore để bán, vậy thì ai mà có thể truy dấu được để mà đòi đánh thuế?!
Bởi vậy, cơ quan thuế chắc chắn sẽ để lọt rất nhiều giao dịch tiền mật mã với tình hình như hiện tại.
Mua NFT khoe giàu, coi chừng trả thuế nặng
Mới đây, nhà sáng lập kiêm CEO của Twitter, tỉ phú Jack Dorsey đã bán dòng tweet đầu tiên của mạng xã hội này dưới dạng một NFT (Non-Fungible Token) để thu về 1.630 đồng tiền mật mã ETH, tương đương với 2,9 triệu đô la Mỹ. Đây chỉ là một trong những thương vụ triệu đô mua bán NFT bằng tiền mật mã.
Thế nhưng hãng tin CNBC vừa đăng bài cho rằng những giao dịch kiểu này sẽ làm phát sinh thuế lãi vốn và người dùng tiền mật mã mua NFT có thể sẽ gánh thuế rất nặng. Lý do là theo quy định của Sở thuế IRS của Mỹ, nếu bạn dùng tiền mật mã để trao đổi một tài sản khác, hoặc một đồng tiền mật mã khác, thì bạn được xem là đã tiến hành một giao dịch hiện thực hóa lãi vốn.
Như vậy lấy tiền mật mã đi mua NFT có thể phát sinh thuế lãi vốn và nếu giao dịch giá trị càng lớn, càng thu hút truyền thông, bị chỉ mặt đặt tên cụ thể địa chỉ ví tiền của mình, và nếu địa chỉ đó nằm trong cơ sở dữ liệu của một sàn đã chia sẻ dữ liệu với IRS, thì người mua NFT sẽ bị sở thuế biết được danh tính.
Theo Shenhan Chandrasekera, trưởng bộ phận chiến lược thuế của CoinTracker, thì “hiểu biết của nhiều người về mảng thuế này ở Mỹ rất tệ”. Điều này không lạ vì nhiều nhà đầu tư vào tiền mật mã còn rất trẻ, có cả những học sinh cấp 3, thậm chí là trẻ hơn.
Họ xa lạ với vấn đề nộp thuế là bình thường. Nhiều người trẻ đang trở thành những triệu phú tiền mật mã qua đêm do sự tăng giá nhanh chóng của những đồng tiền này, nhưng họ lại không có những hiểu biết tốt về thuế. “Người mới giàu lên sau vài tháng nhờ tiền số này nọ thì mới biết là mình phải nộp thuế”, một bạn tôi làm tư vấn thuế ở Anh đùa.
Con đường phía trước: cần một khuôn khổ thuế đơn giản và hiệu quả
Tháng 10-2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) phát hành báo cáo “Đánh thuế tiền số” (“Taxing Virtual Currencies”). Đây được xem là báo cáo phân tích chính sách chuyên sâu đầu tiên trên thế giới để đánh giá về khuôn khổ pháp lý và các lỗ hổng trong tiếp cận thuế với tiền số của nhiều nền kinh tế. Trong khuôn khổ báo cáo này, tiền số bao gồm tiền mật mã, tiền số của ngân hàng trung ương và các loại phái sinh từ tiền số hay tiền mật mã.
Nói vậy để thấy, ngay ở khuôn khổ pháp lý quốc tế, chúng ta đang ở những bước đầu để đánh giá về vấn đề thuế tiền mật mã hay tiền số, khi mà báo cáo phân tích chính sách thuế chuyên sâu đầu tiên chỉ được phát hành chưa tới sáu tháng, và đã chỉ ra rất nhiều lỗ hổng và bất cập trong triển khai đánh thuế loại hình này.
Theo khuyến nghị của OECD, cách đánh thuế phải đơn giản, nhất là cho các nhà đầu tư nhỏ, những người nhiều khả năng sẽ có rất ít hiểu biết về thuế. Đồng thời báo cáo này cũng chỉ ra rằng một hệ sinh thái dịch vụ tài chính như cho vay, mua bán, cầm cố bằng tiền số sẽ phát triển, và những loại hình dịch vụ đó sẽ phát sinh những loại thuế mới như thuế giá trị gia tăng, thuế tài sản, chứ không chỉ thuế thu nhập hay thuế lãi vốn.
Những khuôn khổ thuế với tiền số nói chung, và tiền mật mã nói riêng, sẽ phải tương thích với loại thuế tương ứng trong thế giới thực. Điều này nói thì dễ chứ làm không dễ, vì nhiều chuyên gia thuế không có sự hiểu biết rõ ràng về thế giới tiền số và tiền mật mã.
Nếu việc đánh thuế tiền mật mã là không dễ như những câu chuyện kể ở trên, thì ngược lại với phía nhà đầu tư tiền mật mã, giấc mơ về một thế giới lý tưởng không phải nộp thuế cho chính phủ cũng đang xa dần.
Chính phủ nhiều nước bắt đầu hợp tác với nhau để đưa các sàn giao dịch tiền điện tử vào thế buộc phải chuẩn hóa dữ liệu về khách hàng, và áp dụng các quy tắc hiểu biết khách hàng (KYC) như ngân hàng, đồng thời thỏa thuận để giảm dần các thiên đường thuế, thì thiên đường như thế - không phải đóng thuế - của nhà đầu tư tiền mật mã sẽ không còn nữa, hoặc chí ít sẽ không dễ dàng nữa. Điều này tất nhiên không diễn ra nhanh được vì những trở ngại kể trên, nhưng trong vòng 5-10 năm tới thì có lẽ là có thể, nếu các chính phủ trên thế giới hợp tác với nhau.
Lợi ích từ nền kinh tế tiền số càng lớn, động lực để hợp tác sẽ càng cao.
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Theo TheSaiGonTimes