Đánh chặn tên lửa liên lục địa: Nga đi trước Mỹ từ lâu!

VietTimes -- Trên thực tế, ngay sau khi Mỹ và Liên Xô làm chủ được công nghệ chế tạo ICBM đầu những năm 1950, hai quốc gia này đã từng chạy đua không ngừng nghỉ để phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa và trong cuộc chạy đua này, người Nga đã từng vượt trước người Mỹ một khoảng cách khá xa.
Mỹ vừa thử đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)
Mỹ vừa thử đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)

Trong những ngày vừa qua, trên báo chí chính thống cũng như các trang mạng xã hội bùng nổ làn sóng thông tin thông báo và bình luận về sự kiện ngày 30/5/2017 Cục phòng thủ tên lửa của Mỹ thử nghiệm sử dụng tên lửa đánh chặn bắn hạ thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM (Intercontinental Ballistic Missile) làm mục tiêu giả định. Cuộc thử nghiệm này được cho là “nhằm thử nghiệm năng lực đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. 

Thành tựu đột phá của Mỹ?

Tên lửa ICBM làm mục tiêu giả định được phóng từ bãi thử tên lửa đạn đạo Ronald Reagan trên đảo san hô Kwajalein, quần đảo Marshall, cách đó hơn 6.700 km. Còn tên lửa đánh chặn phá huỷ mục tiêu theo cơ chế va chạm trực tiếp.

Bình luận về sự kiện này, Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Jim Syring và là Giám đốc Cục phòng thủ tên lửa của Mỹ cho biết: “"Việc đánh chặn một mục tiêu tên lửa ICBM phức tạp của đối phương là một thành tựu đáng kinh ngạc và là một cột mốc then chốt cho chương trình chống tên lửa của Mỹ. Hệ thống này có tầm quan trọng thiết yếu và vụ phóng thử cho thấy chúng ta có khả năng ngăn chặn đáng kinh ngạc trước mối đe doạ rất thực".

Tuy nhiên, ông Philip E.Coyle, chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm kiểm soát và giải trừ vũ khí, cho rẳng hệ thống tên lửa đánh chặn với chi phí nghiên cứu phát triển 40 tỷ USD này vẫn còn rất xa mới có thể được coi là hoàn thiện bởi nó chỉ thành công 2 lần trong số 5 lần thử từ đầu năm 2010 tới nay, nghĩa là tỷ lệ thành công đạt 40%.

Các phương tiện truyền thông ra sức tung hô thành công của Mỹ trong vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa
Các phương tiện truyền thông ra sức tung hô thành công của Mỹ trong vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa

Về thành công này của người Mỹ được đưa tin rầm rộ, nhiều người đọc trên mạng xã hội ở Việt Nam đã đưa ra những lời bình luận cho rằng đó là “thành tựu đột phá chưa ai có thể làm được”. Đại loại là “vẫn chưa có nước nào đánh chặn tên lửa đạn đạo xa được như Mỹ”; “Thế thì không một siêu tiêm kích nào có thể sống sót nỗi trước cú đòn này, đúng là không có đối thủ”; “Bắn hạ thành công tên lửa xuyên lục địa được phóng từ khoảng cách 6.700km, thật kinh khủng”; “Được như vậy là thì mới gọi là Mỹ”v.v. [1]

Phía Mỹ cho rằng, cuộc thử nghiệm ngày 30/5/2017 là để hoàn thiện khả năng của hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ bố trí ở Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa hạt nhân cuả Triều Tiên. Tuy nhiên, bản chất và mục đích của THAAD là nhằm vô hiệu hóa tiềm lực hạt nhân chiến lược của Nga ở Viễn Đông  và Trung Quốc. Theo cựu Cố vấn của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, ông Paul Craig Roberts, Mỹ đã lập kế hoạch tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Nga và Trung Quốc. Theo kế hoạch này, trước hết Washington sẽ sát hại các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Nga và Trung Quốc, sau đó sẽ giáng đòn tấn công hạt nhân vào hai quốc gia này. Theo tính toán  của Lầu Năm Góc, Nga và Trung Quốc sẽ không có khả năng giáng trả hạt nhân nhằm vào Mỹ [2].

Vì thế, hệ thống THAAD ở Đông Bắc Á và lá chắn tên lửa bố trí ở châu Âu của Mỹ đang hình thành hệ thống đánh chặn tên lửa trên phạm vi toàn cầu nhằm vô hiệu hóa đòn hạt nhân đánh trả của Nga và Trung Quốc sau khi Mỹ bất ngờ giáng đón tấn công hạt nhân phù đầu nhằm vào hai quốc gia này.

Nhìn lại công nghệ đánh chặn tên lửa ICMB Nga

Đương nhiên, người Nga không thể yên tâm ngồi nhìn Mỹ ráo riết thực hiện tham vọng chiến lược giành ưu thế trong lĩnh vực tên lửa và chống tên lửa. Trên thực tế, ngay sau khi Mỹ và Liên Xô làm chủ được công nghệ chế tạo ICBM đầu những năm 1950, hai quốc gia này đã từng chạy đua không ngừng nghỉ để phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa và trong cuộc chạy đua này, người Nga đã từng vượt trước người Mỹ một khoảng cách khá xa.

Năm 1951, chính phủ Liên Xô quyết định giao nhiệm vụ chế tạo tên lửa chống tên lửa cho Viện thiết kế số 1 (nay là Viện thiết kế trung ương "ALMAZ")-nơi hiện nay cho ra lò các hệ thống vũ khí đánh chặn độc nhất vô nhị trên thế giới S-400 và S-500. Đây là cơ sở nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực chế tạo tên lửa phòng không có điều khiển, chống máy bay và nhiều kiểu tên lửa đánh chặn khác. Ngay sau khi thành lập, Viện đã tiến hành nghiên cứu khả năng sử dụng công nghệ rađa và tên lửa phòng không để chế tạo tên lửa đánh chặn tên lửa.

Cha đẻ tên lửa đánh chặn của Nga
“Cha đẻ” tên lửa đánh chặn của Liên Xô Trung tướng kỹ sư Kysunko, Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa.
Tên lửa đánh chặn Nga khai hỏa trong cuộc thử nghiệm
Tên lửa đánh chặn A-35 khai hỏa trong cuộc thử nghiệm
Trận đại hệ thống tên lửa đánh chặn A-35 của Liên Xô
Trận địa hệ thống tên lửa đánh chặn A-35 của Liên Xô

Trong những năm 1950, các nhà khoa học Liên Xô đã giải quyết thành công vấn đề sử dụng công nghệ rađa thời đó để phát hiện từ xa và phân biệt đầu đạn tên lửa thật trong nhiều tên lửa mục tiêu giả. Các trạm rađa chuyên dụng được chế tạo và bố trí trên lãnh thổ Cộng hoà Cadastan và khu vực Viễn Đông là những nơi các tên lửa ICMB thí nghiệm ICBM sẽ bay qua.

Năm 1956, Liên Xô giải quyết thành công một vấn đề rất cơ bản và quan trọng khác là nghiên cứu khả năng dùng mảnh vỡ của đầu đạn tên lửa đánh chặn để làm nổ đầu đạn tên lửa mục tiêu. Năm 1957, hệ thống "mắt thần vũ trụ" gồm các đài rađa chuyên dụng được thử nghiệm thành công. Năm 1958, Liên Xô bắt đầu thử nghiệm tên lửa đánh chặn trong điều kiện thực tế.

 Ngày 04/03/1961 là mốc thời gian đáng ghi nhớ trong lịch sử kỹ thuật tên lửa ICBM và chống tên lửa. Hôm đó, lần đầu tiên trên thế giới Liên Xô tiến hành thành công cuộc phóng tên lửa đánh chặn bắn rơi tên lửa đường đạn ICBM mang mã số “P-12” bay với tốc độ 3 km/giây. Theo lệnh điều khiển từ máy tính điện tử, đầu đạn tên lửa đánh chặn được kích nổ theo nguyên lý nổ phá-tạo mảnh và bắn rơi ngay đầu đạn tên lửa đường đạn-mục tiêu. Sau đó, các nhà khoa học Xô-Viết còn tiến hành thành công nhiều cuộc bắn thử khác.

Vào thời điểm những năm 1960, thành công của Liên Xô trong việc đánh chặn và tiêu diệt tên lửa ICBM trong điều kiện thực tế có ý nghĩa khoa học-kỹ thuật và chiến lược chính trị-quân sự rất lớn vì trong thời gian đó một quả tên lửa ICBM mang đầu đạn hạt nhân đã là một thứ vũ khí có ý nghĩa tuyệt đối về mặt quân sự. Chỉ cần 1 quả tên lửa ICBM cũng đủ hủy diệt một quốc gia có lãnh thổ như nước Pháp!

Tuy nhiên, thành công của Liên Xô đánh chặn tên lửa ICBM đã bị lu mờ trước một sự kiện khác cũng rất quan trọng. Đó là ngày 12/04/1961, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo có người lái đầu tiên trên Trái Đất. Dư luận quốc tế chỉ biết được thành công của Liên Xô trong lĩnh vực đánh chặn tên lửa ICBM tại Diễn đàn của Đại hội đồng LHQ, tại đó ông Nikita Khrusep, nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô thời đó đưa ra tuyên bố rằng “ở Nga có những xạ thủ tên lửa có thể “bắn trúng con ruồi trong vũ trụ”! Từ đó, Liên Xô bắt đầu hoàn thiện hệ thống vũ khí phòng chống tên lửa.

Từ đó, một cuộc chạy đua giữa Liên Xô và Mỹ trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa và năm 1972 hai bên nhất trí ký Hiệp ước phòng thủ tên lửa (gọi tắt là Hiệp ước ABM), theo đó một bên chỉ được phép xây dựng hệ thống phòng thủ thủ đô và 1 căn cứ tên lửa ICBM. Hiệp ước này có giá trị vô thời hạn [3].

Thế nhưng, năm 2003 Tổng thống Mỹ G.W.Bush đơn phương tuyên bố đưa Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM và phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa trên phạm vi toàn cầu nhằm giành ưu thế tuyệt đối so với Nga để chuẩn bị cho một đòn tấn công hạt nhân phủ đầu mà không lo sợ bị đánh trả.

Matxcơva đã nhiều lần ra tuyên bố, tham vọng của Mỹ giành ưu thế tuyệt đối so với Nga trong lĩnh vực tên lửa ICBM tấn công cũng như tên lửa đánh chặn chỉ là ảo vọng. Hiện trong trang bị của Nga không chỉ có các tên lửa ICBM có thể chọc thủng mọi loại lá chắn tên lửa của Mỹ mà còn có các hệ thống tên lửa đánh chặn có thể bắn rơi các tên lửa ICBM từ xa hàng ngàn km. Trong đó, các hệ thống tên lửa S-400 và S-500 là một thí dụ [4]

 Bàn về khả năng phòng thủ tên lửa của Nga còn phải kể đến một trường phái khoa học-công nghệ khác khá độc đáo đã từng được thử nghiệm thành công dựa trên những nguyên lý hoàn toàn mới theo chương trình mục tiêu mang mật danh “Planeta” nhằm chế tạo vũ khí phòng thủ với chi phí ít hơn, nhưng lại có hiệu quả gấp nhiều lần so với giải pháp tên lửa đánh chặn. Đó là vũ khí plazma.

Nguyên tắc vật lý của vũ khí plazma của Nga là sử dụng bức xạ lade hoặc bức xạ siêu cao tần cực mạnh để tạo ra một khu vực khí quyển bị plazma hoá chuyển động với tốc độ cực lớn trong khí quyển. Plazma là một trạng thái vật chất thứ tư, cùng với ba trạng thái khác là chất khí, chất lỏng, chất rắn. Điều đáng chú ý ở plazma là tính chất khí động của nó khác hẳn với không khí. Bất kỳ một khí tài bay nào, dù đó là máy bay, tên lửa hoặc đầu đạn thông thường khi bay vào khu vực khí quyển bị plazma hoá sẽ bị lộn nhào như chong chóng và bị vỡ vụn  thành nhiều mảnh.

Ngay cả ở độ cao 50 km, chùm tia lade hoặc bức xạ siêu cao tần đều có thể làm cho khí quyển thay đổi căn bản về tính chất khí động để vô hiệu hoá khả năng bay bằng hiệu ứng khí động của các khí tài bay. Theo nhận định của các nhà khoa học Nga, so với vũ khí plazma, tên lửa đánh chặn cũng giống như công cụ thời đồ đá so với các phương tiện kỹ thuật của thế kỷ XX bởi tốc độ chuyển động của tên lửa đánh chặn giỏi lắm cũng chỉ đạt được 5 km/ giây, còn tốc độ của vũ khí plazma là tốc độ của ánh sáng, xấp xỉ 300.000 km/ giây!

Vũ khí plazma còn có một ưu điểm cơ bản nữa là có thể thử nghiệm và kiểm tra nhiều lần, ít tốn kém và không gây ô nhiễm sinh thái như thử nghiệm tên lửa đánh chặn. Tại trường thử Vladimir-30, các chuyên gia kỹ thuật quân sự Nga đã thí nghiệm thành công sử dụng vũ khí plazma bắn rơi một đầu đang bay.

Như vậy, lần đầu tiên các nhà khoa học Nga không chỉ vượt qua  được một khó khăn căn bản về khoa học mà cả khó khăn rất lớn về mặt kinh tế: vũ khí phòng thủ rẻ gấp nhiều lần so với vũ khí tấn công. Thí dụ, chi phí để chế tạo tên lửa đánh chặn A-135 của Nga nhiều gấp hàng chục lần chi phí chế tạo vũ khí plazma. Do đó, chương trình “Planeta” của Nga có thê sẽ tạo ra một cuộc cách mạng thực sự trong phòng thủ tên lửa [5].

Vì thế, Tổng thống Nga V.Putin đã nhiều lần khẳng định, lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu, hay THAAD ở Đông Bắ Á chỉ nhằm mục đích chính trị, nghĩa là buộc các đồng minh của Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào “ô an ninh” của Washington với danh nghĩa “đối phó với nguy cơ hạt nhân từ Iran hay Triều Tiên”. Còn nếu Mỹ theo đuổi tham vọng giành ưu thế chiến lược áp đảo thì đó chỉ là ảo vọng./.  

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

[1] Mỹ thử đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa. http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/my-thu-danh-chan-thanh-cong-ten-lua-dan-dao-lien-luc-dia-3592688.html

[2] Paul Craig Roberts warns Washington plans to nuke Russia and China. https://personalliberty.com/paul-craig-roberts-warns-washington-plans-nuke-russia-china

[3] Рождение отечественной противоракетной обороны страны. http://encyclopedia.mil.ru/encyclopedia/history/more.htm?id=12098040@cmsArticle

[4] ПРОрыв России Америка в шоке от новой системы противоракетной обороны

http://tvzvezda.ru/news/forces/content/201412090758-h5tw.htm

[5] Плазма в военном деле. Проекты и перспективы. https://topwar.ru/106181-plazma-v-voennom-dele-proekty-i-perspektivy.html