Tờ SCMP ngày 9/10 đã đăng bài báo nhan đề: “Nguồn thạo tin cho biết: hai ngày đàm phán cấp Thứ trưởng, hai bên Trung - Mỹ đã không đạt được tiến bộ trong vấn đề then chốt”. Bài báo dẫn nguồn thạo tin nói, do cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng không đạt được tiến triển thực chất, nên cuộc đàm phán thương mại cấp cao sẽ chỉ được thực hiện trong một ngày. Vì vậy, ông Lưu Hạc sẽ rời Washington ngay ngày 10, mà không phải là ngày 11 như kế hoạch ban đầu.
Báo cáo dẫn nguồn tin nói, vấn đề Trung Quốc ép buộc công ty Mỹ chuyển giao công nghệ là nguyên nhân khiến cuộc đàm phán Trung - Mỹ lâm vào bế tắc. Phía Trung Quốc từ chối đưa vấn đề này vào chương trình đàm phán tại vòng 13 trong khi vấn đề này là một trong những yêu cầu cốt lõi của phía Mỹ.
Theo báo cáo của Kênh tin tức kinh doanh và tiêu dùng Hoa Kỳ (CNBC) ngày 9 tháng 10, người phát ngôn của Nhà Trắng Judd Deere đã nói với họ: “Chúng tôi hiện không biết gì về tin Phó thủ tướng Lưu Hạc thay đổi hành trình”.
Một quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ nói, theo ông được biết thì ông Lưu Hạc vẫn rời Washington vào tối 11/10 theo đúng kế hoạch; bữa tiệc chào đón đoàn đàm phán Trung Quốc sẽ diễn ra tối 10/10 tại Washington.
Thông tin về thất bại báo trước của vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung thứ 13 đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh
|
Tuy nhiên, tin tức về việc cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung lại lâm vào bế tắc đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ ngày 9/10 (theo giờ Washington) sụt giảm mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones có lúc giảm hơn 300 điểm, cuối cùng giảm 199 điểm, tương đương 0,8%; chỉ số Standard & Poor 500 giảm 0,9%; trong khi chỉ số Nasdaq-100 giảm 1%.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có quyết định gì bởi ông không biết Trung Quốc sẽ có những nhượng bộ như thế nào.
Theo một bản phân tích khác của CNBC ngày 9/10, các chuyên gia phân tích cho rằng, kết quả tốt nhất của vòng đàm phán thương mại cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được sẽ là: vòng tăng thuế tiếp theo vào ngày 15 tháng 10 sẽ bị tiếp tục được lùi thời hạn thêm.
Các nhà phân tích cho rằng chính phủ của ông Trump có thể sẽ đồng ý với một phiên bản rút gọn của thỏa thuận với việc bãi bỏ một phần thuế quan trước cuối năm nay, nhưng sẽ trì hoãn việc giải quyết một số vấn đề khó giải quyết, như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ tới các cuộc đàm phán trong tương lai.
Trang tin Đông Phương của Hồng Kông ngày 10/10 cũng đăng bài nhận xét, vòng đàm phán thứ 13 chưa bắt đầu đã bị bao phủ bởi những bóng mây. Trước hết là ông Lưu Hạc tới Mỹ hôm 9/10 chỉ với thân phận “Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, người đứng đầu phía Trung Quốc trong đối thoại kinh tế toàn diện Trung - Mỹ”, mà không còn là “đặc sứ của Chủ tịch Tập Cận Bình”; thứ hai, Nhà Trắng nhấn mạnh, nội dung cuộc đàm phán sẽ diễn ra trên cơ sở cuộc gặp gỡ cấp Thứ trưởng, bao gồm các vấn đề: cưỡng ép chuyển nhượng công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngành dịch vụ, rào cản phi thuế quan, nông nghiệp và cơ chế thực thi thỏa thuận; thứ ba, trước khi đàm phán Mỹ đã tung ra các đòn tâm lý để gây sức ép với Trung Quốc như đưa ra danh sách 28 cơ quan, công ty thương mại Trung Quốc bị trừng phạt, đe dọa trừng phạt quan chức Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương trong đó có Bí thư Khu ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc như một thượng nghị sỹ Mỹ tiết lộ... Những động thái này của Mỹ khiến Trung Quốc phản ứng quyết liệt.
Với bầu không khí như thế này thì việc vòng đàm phán thương mại Trung - Mỹ thứ 13 đạt được kết quả tốt đẹp là điều khó có thể xảy ra.
Theo Đa Chiều