Đàm phán bế tắc, quân đội Ấn Độ chuẩn bị đối đầu trong mùa Đông với PLA trên biên giới tranh chấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Do mùa Đông ở biên giới Ladakh đến sớm nên Ấn Độ đã bắt đầu khởi động toàn bộ mạng lưới hậu cần, từ trồng rau đến chuẩn bị lều trại. Quân đội Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng trải qua mùa Đông khắc nghiệt, tiếp tục đương đầu với PLA ở khu vực biên giới đang tranh chấp. Trong khi đó, cuộc đàm phán vòng 6 cấp quân đoàn đã kết thúc trong bế tắc.
Một khu kho hậu cần của quân đội Ấn Độ ở gần vùng biên giới tranh chấp Ladakh (Ảnh: Reuters).
Một khu kho hậu cần của quân đội Ấn Độ ở gần vùng biên giới tranh chấp Ladakh (Ảnh: Reuters).

Quân đội Ấn Độ chuẩn bị cho cuộc đối đầu trong mùa Đông

Theo trang tin Đa Chiều ngày 24/9, tờ The Economic Times của Ấn Độ ngày 23/9 đưa tin, quân đội Ấn Độ được triển khai ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang thực hiện nhiều công việc chuẩn bị cho việc kiềm chế Trung Quốc trong mùa Đông lạnh giá sắp tới.

Theo bản tin của Hãng thông tấn châu Á, Ấn Độ (ANI), ngay cả khi nhiệt độ xuống tới âm 50 độ C vào mùa Đông, quân đội Ấn Độ cũng đã chuẩn bị đầy đủ nơi ở và quần áo dùng trong mọi điều kiện thời tiết cho binh sĩ: từ triển khai đàn la chở hàng đến máy bay vận tải cỡ lớn; từ trồng rau cho đến thực phẩm chức năng. Quân đội Ấn Độ đã kích hoạt toàn bộ mạng lưới hậu cần để cung cấp hàng tiếp tế giúp mấy nghìn binh lính được triển khai ở khu vực biên giới Trung - Ấn vượt qua mùa Đông khắc nghiệt.

The Economic Times chỉ ra rằng các hoạt động chuẩn bị của quân đội Ấn Độ cho mùa đông bao gồm trồng trọt, tiếp nhận sự ủng hộ của dân chúng, cung cấp quần áo ấm và đảm bảo chỗ ở.

Quần áo, trang phục dùng cho mùa Đông của quân đội Ấn Độ hoạt động trên vùng biên giới có độ cao lớn (Ảnh: India Today).
Quần áo, trang phục dùng cho mùa Đông của quân đội Ấn Độ hoạt động trên vùng biên giới có độ cao lớn (Ảnh: India Today).

Theo bản tin, để tồn tại qua mùa đông khắc nghiệt, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ đang khắc phục điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở địa phương, sử dụng công nghệ nhà kính, công nghệ trồng trọt ngắn ngày và các công nghệ khác để trồng rau cho quân đội Ấn Độ. Đồng thời, Viện Nghiên cứu Độ cao Quốc phòng (DIHAR) thuộc DRDO cũng đang đẩy nhanh nghiên cứu các công nghệ liên quan. DIHAR cũng đang trồng một số loại cây thực phẩm, chẳng hạn như hạt quinoa, hạt chia, hắc mai biển và quả goji.

Bản tin cũng cho biết, dân làng ở khu vực Ladakh đang gấp rút tiếp tế cho quân đội ở tuyến trước. Theo tin của The Guardian, Anh, hơn 100 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em gùi ba lô, bao gạo, thùng nhiên liệu và gậy tre, trèo đèo tới các lều là điểm chốt quân sự của Ấn Độ.

Ngoài ra, Quân đội Ấn Độ cũng cung cấp quần áo nhiều lớp cho các binh sĩ triển khai ở vùng có độ cao lớn. Theo các quan chức quân đội Ấn Độ, những bộ quần áo này không chỉ giúp binh sĩ giữ ấm trong thời tiết khắc nghiệt mà còn giúp họ ngụy trang trước kẻ thù.

Tờ The Economic Times cũng đề cập rằng về chỗ ở, quân đội Ấn Độ có đủ dự trữ lều trại. Những căn lều này được trang bị thiết bị sưởi để đảm bảo sự ấm áp và an toàn cho binh lính ngay cả khi ở âm 50 độ C.

Vật tư, hàng hóa đang được Ấn Độ tập kết tới tuyến trước chuẩn bị cho mùa Đông khắc nghiệt (Ảnh: Reuters).
Vật tư, hàng hóa đang được Ấn Độ tập kết tới tuyến trước chuẩn bị cho mùa Đông khắc nghiệt (Ảnh: Reuters).

Vòng đàm phán cấp quân đoàn lần 6 bế tắc

Ngày 21/9, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng hội đàm cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ 6. Trang tin Ấn Độ News18 dẫn một nguồn tin cho biết phái đoàn Ấn Độ nhấn mạnh rằng PLA phải cách ly tiếp xúc hoàn toàn và càng sớm càng tốt để chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài 4 tháng rưỡi; đồng thời cho biết thêm chương trình hội đàm là đề ra thời gian biểu cụ thể để thực hiện 5 điểm thỏa thuận mà ngoại trưởng hai nước đã đạt được.  

Tuy nhiên, tờ Hindustan Times chỉ ra rằng cuộc đàm phán marathon vào ngày 21/9 đã không bao quát được tất cả các tranh chấp và khác biệt giữa hai nước trong cuộc đối đầu ở biên giới.

Mặt khác, hai bên đã đưa ra những thông báo khác hẳn nhau về kết quả vòng đàm phán thứ 6 này. Theo Đa Chiều ngày 23/9, phía Trung Quốc thông báo, vòng thứ 6 của cuộc đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn Trung - Ấn đã đạt được nhất trí về việc “dừng việc đưa thêm binh sĩ ra tuyến một”. Tuy nhiên, truyền thông Ấn Độ dẫn các nguồn tin quân đội cho biết, vòng đàm phán này đã “kết thúc trong bế tắc”; hai bên không chịu nhượng bộ nhau. Ấn Độ đưa ra yêu cầu mạnh mẽ về việc “PLA phải hoàn toàn rút khỏi mọi điểm xích mích và lui khỏi Tuyến kiểm soát thực tế (LAC)”.

Tờ The Hindu ngày 22/9 đưa tin, nguồn tin cho biết, vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ 6 giữa Trung Quốc và Ấn Độ kéo dài trong 14 giờ, mặc dù chưa có kết quả rõ ràng nhưng cũng khá khả quan. Cuộc hội đàm được tiến hành theo “Thỏa thuận 5 điểm” mà hai ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ đạt được tại Moscow ngày 10/9.

Máy bay vận tải CH-47 Chinook của quân đội Ấn Độ vận chuyển hàng ra biên giới (Ảnh: Rauters).
Máy bay vận tải CH-47 Chinook của quân đội Ấn Độ vận chuyển hàng ra biên giới (Ảnh: Rauters).

Nguồn tin cũng tiết lộ rằng Ấn Độ yêu cầu hoạch định một bản đồ đường đi để PLA hoàn toàn rời khỏi tất cả các điểm va chạm và LAC cũng như giảm bớt quân số tập kết.

Một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói, mặc dù hai bên chưa đạt được thỏa thuận về việc cách ly tiếp xúc nhưng các cuộc đàm phán gần đây đã đảm bảo rằng không có thêm cơ sở quân sự nào được thiết lập dọc theo ranh giới LAC nữa.

Nguồn tin thứ hai nói thêm, các quan chức Ấn Độ đã tuyên bố rằng đối với Ấn Độ, việc hai bên cùng rút quân là không thể chấp nhận được và Trung Quốc phải rút quân ra khỏi khu vực đối đầu mà họ đã chiếm trước đó.

Cơ quan truyền thông Ấn Độ PRINT đưa tin “Thỏa thuận 5 điểm” mà ngoại trưởng hai nước đạt được là cơ sở cho cuộc đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn hôm 21/9, nhưng các nguồn tin trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh Ấn Độ cho biết không có bất cứ tiến triển nào trong hành động thực tế. Một nguồn tin ngày 22/9 nói với báo này, cuộc đàm phán đã “kết thúc trong bế tắc”. Hai bên đều nhất quyết kiên trì lập trường của mình về tình hình tại chỗ.

Theo nguồn tin, phái đoàn Ấn Độ đã từ chối tuân theo yêu cầu của PLA về quân đội Ấn Độ phải rút khỏi bờ nam của Hồ Pangong, trong khi Trung Quốc từ chối yêu cầu của Ấn Độ rút lực lượng PLA khỏi tất cả các điểm va chạm dọc theo LAC ở Ladakh.

Tờ India Express dẫn nguồn tin cho biết, mặc dù hai bên không đạt được thỏa thuận về việc cách ly tiếp xúc tại điểm va chạm nhưng hai bên đã đạt được đồng thuận, ngăn chặn tình hình leo thang khi xem xét đến việc quân đội hai nước nằm trong tầm bắn của nhau.

Máy bay vận tải C-17 vận chuyển hàng hóa ra biên giới Ladakh (Ảnh: Reuters).
Máy bay vận tải C-17 vận chuyển hàng hóa ra biên giới Ladakh (Ảnh: Reuters).

Nguồn tin nói rằng đây là bước đầu tiên hướng tới việc giảm căng thẳng sau “Thỏa thuận 5 điểm” mà ngoại trưởng hai nước đạt được tại Moscow hôm 10/9.

Nguồn tin này nói, “không leo thang” có thể là chìa khóa để “xây dựng lòng tin” giữa hai bên, trước khi tiến tới cách ly tiếp xúc rồi hạ thấp cuộc đối đầu. Nếu “hành vi không leo thang” có thể được duy trì trong một khoảng thời gian hợp lý, nó sẽ tạo được lòng tin để thực hiện bước tiếp theo.

Ấn Độ sẽ mua 30 máy bay không người lái của Mỹ

Bộ Quốc phòng Ấn Độ chuẩn bị mua 30 máy bay không người lái MQ-9A Reaper của hãng General Atomics, Mỹ với giá trị giao dịch khoảng 3 tỷ USD. Một loạt các cuộc họp gần đây được tổ chức đã mở đường cho việc mua lô đầu tiên gồm 6 UAV MQ-9A Reaper.

India Today ngày 23/9 đưa tin các nguồn tin cho biết tại cuộc họp sắp tới của Ủy ban Mua sắm Quốc phòng do Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đứng đầu, 30 máy bay không người lái sẽ được “chấp nhận với tính cần thiết” ( AON).

Hợp đồng được chia làm hai phần, do việc mua sắm gấp rút, 6 chiếc UAV MQ-9s Reaper trị giá khoảng 600 triệu USD sẽ được mua trực tiếp và được giao trong vài tháng tới, mỗi quân chủng Lục quân, Hải quân và Không quân nhận 2 chiếc. 24 chiếc còn lại sẽ được mua trong 3 năm tới theo một điều khoản tùy chọn trong hợp đồng.

Ấn Độ gấp rút triển khai kế hoạch mua 30 máy bay không người lái chiến đấu MQ-9A Reaper của Mỹ (Ảnh: Đa Chiều).
Ấn Độ gấp rút triển khai kế hoạch mua 30 máy bay không người lái chiến đấu MQ-9A Reaper của Mỹ (Ảnh: Đa Chiều).

Thỏa thuận này đã được chuẩn bị trong 3 năm qua. Đầu tiên, vào năm 2017, Mỹ đã bán 22 chiếc Seaguardian (một phiên bản hàng hải không vũ trang của MQ-9) cho Hải quân Ấn Độ. Năm 2018, khi phiên bản vũ trang của MQ-9 được Hoa Kỳ chấp thuận bán cho Ấn Độ, thỏa thuận này đã được chính phủ chuyển đổi thành một gói mua sắm cho 3 quân chủng.

Về mặt chính thức, AON là bước đầu tiên để Bộ Quốc phòng mua phần cứng và thường mất vài năm để chuyển AON thành hợp đồng. Có thông tin cho rằng việc mua UAV Reaper sẽ được hoàn thành trong thời gian ngắn hơn. Thỏa thuận đang được tiến hành nhanh chóng giữa hai chính phủ và sẽ sớm được Bộ Quốc phòng hoàn tất.

Hiện vẫn chưa rõ liệu lô 6 chiếc Reaper đầu tiên có được trang bị tên lửa Hellfire và các loại vũ khí không đối đất khác hay không. Bộ Quốc phòng thậm chí có thể triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Ủy ban Mua sắm Quốc phòng để phê duyệt vụ giao dịch.

Ngoài ra, Hindustan Times ngày 22/9 nêu rõ sau xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Ladakh, Hải quân Ấn Độ đã đặt trong tình trạng báo động ở Ấn Độ Dương và hàng chục tàu chiến sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ. Theo phương án triển khai theo nhiệm vụ, quân đội Ấn Độ đã bố trí các tàu chiến dọc theo các tuyến đường biển và các điểm chốt chặn quan trọng và có thể được huy động thực thi bất kỳ nhiệm vụ nào.

Đồng thời, trong bối cảnh tình hình biên giới Trung-Ấn đang bế tắc, người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ ngày 22/9 tuyên bố, hải quân Ấn Độ và Australia sẽ tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 2 ngày ở Đông Ấn Độ Dương từ ngày 23/9 để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.