Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển bị các đảng chính trị nước này yêu cầu chính phủ trục xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhà báo Thụy Điển Jojje Olson liên tiếp bị Đại sứ quán Trung Quốc đe dọa vì đăng bài viết về Trung Quốc tẩy chay hãng H&M. Các đảng đối lập của Thụy Điển đã yêu cầu chính phủ trục xuất Đại sứ Quế Tùng Hữu.
Đại sứ Trung Quốc Quế Tùng Hữu, người bị các đảng đối lập Thụy Điển yêu cầu chính phủ trục xuất (Ảnh: CNA).
Đại sứ Trung Quốc Quế Tùng Hữu, người bị các đảng đối lập Thụy Điển yêu cầu chính phủ trục xuất (Ảnh: CNA).

Theo RFI dẫn hãng nguồn thông tấn CNA ngày 10/4, ông Jojje Olson một lần nữa bị Đại sứ quán Trung Quốc đe dọa vì đưa tin Trung Quốc tẩy chay H&M. Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (Christian Democratic Party) và đảng Dân chủ Thụy Điển (Sweden Democrats) đã yêu cầu trục xuất Đại sứ Trung Quốc Quế Tùng Hữu (Gui Congyou). Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde nói cơ quan này đã nhiều lần triệu tập đại sứ Trung Quốc tới nói với ông ta rằng quyền tự do ngôn luận được hiến pháp Thụy Điển bảo đảm và các nhà báo được tự do đưa tin. Bộ Ngoại giao Thụy Điển cũng đã nhiều lần yêu cầu đại sứ Trung Quốc tôn trọng luật pháp nước này và tuyên bố rằng hành vi đe dọa nhà báo như thế là không thể chấp nhận được.

Theo CNA, đây không phải là lần đầu tiên Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển cố gắng gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận ở Thụy Điển bằng cách đe dọa các phóng viên. Các đảng đối lập là Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và Đảng Dân chủ Thụy Điển từng đề nghị trục xuất ông Quế Tùng Hữu, ngay sau khi sự việc lần này lại xảy ra, hai đảng này càng quyết tâm và hy vọng sẽ thực hiện bằng được việc trục xuất. Người phát ngôn của Đảng Dân chủ Thụy Điển, ông Markus Wiechel, cũng tuyên bố rằng Đại sứ Trung Quốc trong nhiều năm qua đã đe dọa các nhà báo và chính trị gia Thụy Điển; hành vi này là không thể chấp nhận.

Nhà báo Thụy Điển Jojje Olson, người nhiều lần bị Đại sứ quán Trung Quốc đe dọa (Ảnh: RFI).

Nhà báo Thụy Điển Jojje Olson, người nhiều lần bị Đại sứ quán Trung Quốc đe dọa (Ảnh: RFI).

Đảng Dân chủ Thụy Điển ngay từ năm 2019 đã đề nghị coi Đại sứ Trung Quốc Quế Tùng Hữu là “nhân vật không được hoan nghênh ở Thụy Điển”. Ông cho rằng Quế Tùng Hữu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước và khiến tình trạng của người Trung Quốc ở Thụy Điển ngày càng trở nên tồi tệ.

Người phát ngôn của Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Thụy Điển, ông Lars Adaktusson cũng cho rằng mặc dù đại sứ Trung Quốc đã bị triệu tập, nhưng điều đó không làm thay đổi phong cách của sứ quán Trung Quốc. Thụy Điển nên liệt ông Quế Tùng Hữu vào danh sách những nhân vật không được hoan nghênh.

Ngoài việc hai đảng này yêu cầu trục xuất Quế Tùng Hữu, các đảng đối lập khác cũng bày tỏ sự bất bình với hành vi của Đại sứ quán Trung Quốc nhằm ảnh hưởng đến tự do ngôn luận ở Thụy Điển.

Đảng Cánh tả (Left Party) cũng đề nghị trục xuất đại sứ Trung Quốc. Ông Ulf Kristersson, Chủ tịch Đảng Ôn hòa (Moderates) đã nhiều lần kêu gọi đảng cầm quyền cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ông nói rằng việc triệu tập đại sứ không có kết quả, nên áp dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn, thậm chí liên kết với các nước châu Âu khác để trừng phạt Trung Quốc. Ông Kerstin Lundgren, đại diện của Đảng Trung tâm thì cho rằng, nếu Trung Quốc muốn gia nhập thị trường thế giới thì phải hiểu rằng điều này phải trả giá. Ông nói EU luôn tỏ ra quá yếu thế trước Trung Quốc.

Theo CNA, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde cho biết bà đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc nhiều lần và nói với ông ta rằng quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp Thụy Điển bảo đảm và các nhà báo được tự do đưa tin; phía Thụy Điển cũng nhiều lần yêu cầu Đại sứ Trung Quốc tôn trọng luật pháp Thụy Điển và nói rằng hành vi đe dọa là không thể chấp nhận được.

Bà Ann Linde, Ngoại trưởng Thụy Điển (Ảnh: FBCN).

Bà Ann Linde, Ngoại trưởng Thụy Điển (Ảnh: FBCN).

Những lời đe dọa của Đại sứ quán Trung Quốc đối với các nhà báo Thụy Điển đã trở nên khá thường xuyên. Nhà báo Jojje Olson thường trú tại Đài Loan lâu năm cho biết trên trang Tin tức Trung Quốc (Kinamedia) rằng đây không phải là lần đầu tiên ông nhận được những lời đe dọa từ Đại sứ quán Trung Quốc, nhưng lần này những lời đe dọa trong e-mail mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Biên tập viên chính trị Lars Ströman của tờ Nerikes Allehanda (Nhật báo Nerikes) cũng đã nhận được ít nhất ba bức e-mail thù địch từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển do khi phỏng vấn đại diện của Đài Loan tại Thụy Điển Diêu Kim Tường (Yao Jinxiang) đã gọi ông này là “Đại sứ” và bày tỏ quan điểm ủng hộ Đài Loan.

Trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 11/4 khi đưa về vụ việc này đã nhấn mạnh, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde ngày 10/4 cho biết Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Tùng Hữu bị cáo buộc đe dọa các nhà báo địa phương; đây là hành vi không thể chấp nhận được nhưng nói sẽ không trục xuất ông ta. Được biết, bà Ann Linde đã nói như trên trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Expressen (Tin nhanh) của Thụy Điển.