Đại hội cổ đông ngân hàng “nóng rẫy” vì chuyện kiểm soát cổ tức

Có những ngân hàng làm ăn khấm khá lên, cổ đông háo hức vào cổ tức rốt cục lại "chưng hửng" dưới quyết định "cắt gọt cổ tức" của Ngân hàng Nhà nước.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2015 có thêm một điểm mới. Đó là kể từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát tỷ lệ chi trả cổ tức trong ngành ngân hàng.

Tỷ lệ cổ tức của mỗi ngân hàng sẽ được NHNN thông qua cuối cùng dựa trên sự đánh giá của NHNN đối với tình hình tài chính của từng ngân hàng.

Thậm chí các ngân hàng yếu kém với tỷ lệ nợ xấu cao hoặc những ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc sẽ không được phép trả cổ tức.

Tính đến thời điểm này, đã có 7 ngân hàng tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2015. Trong đó việc chi trả cổ tức đã trở thành vấn đề nổi cộm nhất, gây nhiều tranh cãi nhất tại mỗi ngân hàng.

Đầu tiên là ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Hội đồng quản trị cho biết ban đầu họ dự định tỷ lệ chia cổ tức là 11% bằng tiền mặt. Tuy nhiên, NHNN đã đưa ra một văn bản chấp thuận tỷ lệ chi trả cổ tức tối đa trong trường hợp này là 9% mệnh giá, và 2% còn lại được đưa vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Tương tự như trường hợp của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), NHNN chấp thuận cho ngân hàng này trả cổ tức 6% thay vì 10% như đã thông qua trong ĐHĐCĐ của năm trước.

Gần đây là Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), thành viên Hội đồng quản trị Nam A Bank cho biết, ban lãnh đạo muốn chia cổ tức 9% cho cổ đông nhỏ lẻ và 4% cho cổ đông lớn, nhưng không được chấp thuận và NHNN chỉ cho chia cổ tức thống nhất ở mức 4%.

Trước ý kiến cho rằng NHNN đang can thiệp quá sâu vào mức chia cổ tức của ngân hàng, theo Điều 59 luật TCTD quy định việc chia cổ tức là quyền của cổ đông, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng TPHCM cho biết: Theo khoản 2, điều 59 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, NHNN có thể áp dụng một số số biện pháp xử lý với ngân hàng, trong đó có việc hạn chế chia cổ tức.

Đại diện NHNN khẳng định, NHNN không vượt quyền trong việc can thiệp nói trên.

Số liệu: HSC. Đồ thị: BizLIVE. 

Với trường hợp của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), ngân hàng quyết định chia cổ tức năm 2014 là 5% bằng cổ phiếu.

Cổ đông cho rằng mức cổ tức 5% là hợp lý, tuy nhiên phương thức chia bằng cổ phiếu thì cần xem lại vì ngân hàng đã có lợi nhuận, đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ thì nên chia cổ tức cho cổ đông.

Với quy mô hiện tại, HDBank chưa cần thiết phải giữ lại lợi nhuận để tăng vốn mà nên chia sẻ với các cổ đông đã gắn bó với ngân hàng từ trước tới nay. Cổ đông kiến nghị thay đổi chia cổ tức bằng cổ phiếu bằng tiền. Lãnh đạo HDBank cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của cổ đông và sẽ ghi lại vào biên bản đại hội.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) đã “khất” cổ tức trong 4 năm qua và vẫn chưa có kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông.

Dù thế nào đi nữa, dễ dàng nhận thấy cổ đông ngân hàng đang chẳng khác nào chịu cảnh "trên đe, dưới búa". Ngân hàng làm ăn khó khăn, cổ đông không được nhận lấy một xu cổ tức trong nhiều năm liền, thậm chí lãnh đạo ngân hàng còn xin khất thêm 3-5 năm nữa vẫn không chia cổ tức. Ngân hàng làm ăn khấm khá hơn, cổ đông háo hức vào cổ tức thì lại "chưng hửng" dưới quyết định "cắt gọt cổ tức" của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Bizlive