Song Hùng thăng tiến!
Dấu ấn đậm nét năm 2014 của ngành viễn thông Việt Nam là sự thay đổi hàng loạt lãnh đạo cấp cao nhất của Viettel, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), MobiFone, VinaPhone (đều thuộc VNPT). Mới đây nhất, chiều ngày 16/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho ông Trần Mạnh Hùng, đương nhiệm Tổng giám đốc VNPT.
VNPT đã có nhiều quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao mới, cả ở VNPT lẫn VinaPhone và MobiFone |
Theo Quyết định 2184/QĐ-TTg ngày 5/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT sẽ chính thức nghỉ hưu từ ngày 1/3/2015. Từ nay đến ngày 1/3/2015, ông Trận vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động quản lý, điều hành, hợp tác quốc tế của VNPT, đồng thời cũng tiến hành bàn giao từng phần các nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho ông Hùng.
Ông Trần Mạnh Hùng được coi là một người đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tái cấu trúc mà VNPT đang triển khai. Tháng 8/2013, ông Hùng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc VNPT, sau khi trải qua nhiều cương vị công tác tại Tập đoàn này. Với sự thay đổi nhân sự này, có thể thấy rõ ông Hùng được lựa chọn để tiếp tục chèo lái con thuyền VNPT với nhiệm vụ nặng nề trước mắt là đẩy nhanh tái cấu trúc VNPT trong năm 2015 và cạnh tranh, đuổi kịp đối thủ chính là Viettel thời gian tới.
Vào tháng 3/2014, Viettel cũng diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực, khi ông Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp nhận vị trí Tổng giám đốc thay ông Hoàng Anh Xuân. Đồng thời, ông Dương Văn Tính, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Viettel cũng nhận quyết định nghỉ hưu.
Sau khi tiếp nhận vị trí mới, ông Hùng đã ban hành nhiều quyết định quan trọng. Nổi bật nhất trong đó là việc thay đổi một loạt giám đốc, trưởng ban của Viettel. Phát ngôn gây chú ý nhất của ông Hùng trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập
Viettel và 10 năm mạng di động 098 là: “Thông thường, khi đã thành công, người ta sẽ nghĩ phải duy trì thành công, nhưng Viettel không nghĩ thế. Chỉ có những người dám vứt đi thành công, thì mới có thể thành công tiếp. Cách của Viettel để duy trì thành công là vứt cái thành công cũ đi”.
Một trong những mục tiêu mà ông Hùng đặt ra trong nhiệm kỳ của mình là Viettel phải trở thành công ty toàn cầu. Tại tất cả thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư, thì Viettel phải là 1 trong 3 công ty lớn nhất ở thị trường đó. Viettel cũng đang đặt mục tiêu đầu tư ở 25 nước khác nhau, trong đó tạo dựng thị trường nước ngoài có số dân từ 600 đến 800 triệu vào năm 2020 và lọt vào Top 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới.
MobiFone và VinaPhone cũng thay tướng
Liên quan đến nhân sự cấp cao của các “đại gia” viễn thông, vào buổi chiều 16/12, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng đã chính thức trao quyết định giao ông Mai Văn Bình (sinh năm 1954) đảm trách chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng công ty Viễn thông MobiFone và quyết định bổ nhiệm ông Lê Nam Trà làm Tổng giám đốc từ ngày 11/12/2014.
Trước đó, ngày 26/6/2014, VNPT đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Mai Văn Bình, Giám đốc MobiFone đảm trách chức vụ Chủ tịch MobiFone (thời điểm đó MobiFone chưa có Quyết định tách khỏi VNPT). Trước lúc bổ nhiệm vị trí mới, ông Bình đã có 4 năm giữ chức vụ Giám đốc MobiFone.
Hai tháng sau, ngày 13/8/2014, Bộ TT&TT đã công bố quyết định bổ nhiệm chức vụ Giám đốc MobiFone cho ông Lê Nam Trà, Phó giám đốc MobiFone, kiêm Giám đốc Trung tâm MobiFone khu vực II.
Ông Trà được xác định là nhân vật quan trọng trong tiến trình cổ phần hóa MobiFone đang được triển khai. Ông Trà là Ủy viên, Tổ phó Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone. Theo quy định, Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc sẽ triển khai các nội dung công việc chuyển MobiFone 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Ban Chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone thành lập vào tháng 10/2014 do Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son làm Trưởng ban.
Trong khi đó, ngày 4/7/2014 tại VinaPhone cũng có sự thay đổi nhân sự cao cấp. Một “người cũ” của MobiFone là ông Cao Duy Hải, Phó giám đốc MobiFone mới được điều chuyển sang làm Phó giám đốc VinaPhone, nắm chức vụ Giám đốc VinaPhone thay ông Lâm Hoàng Vinh nghỉ hưu theo chế độ.
Ông Hải được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc VinaPhone trong bối cảnh VinaPhone sẽ chỉ tập trung vào kinh doanh các dịch vụ của VNPT, sau khi Tập đoàn này tiến hành tái cơ cấu. VNPT đang đề nghị sẽ thành lập Tổng công ty VNPT - VinaPhone để làm nhiệm vụ kinh doanh các dịch vụ của VNPT và không quản lý mạng lưới như hiện nay.
Sau khi MobiFone rời khỏi VNPT lập Tổng công ty mới, VinaPhone được xác định là đơn vị chủ lực, là “con gà đẻ trứng vàng” mới cho VNPT.
Những sự thay đổi lãnh đạo cao cấp tại VNPT, Viettel, MobiFone, VinaPhone diễn ra trong bối cảnh khá phức tạp. Tất cả các doanh nghiệp trên đều đang trong quá trình tái cấu trúc, cổ phần hóa quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ. Song hành cùng nhiệm vụ đó là áp lực của thị trường. Họ sẽ phải gánh một nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh mà doanh thu từ di động giảm mạnh (năm 2013, tổng doanh thu dịch vụ di động chỉ đạt trên 5 tỷ USD, giảm 21,3% so với năm 2012), sự bùng nổ của các dịch vụ OTT… Lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty viễn thông đang đứng trước áp lực rất lớn là phải hoàn thành việc tái cấu trúc và tăng doanh thu, lợi nhuận.