Đã rõ người thắng, kẻ bại trong sự kiện biểu tình, bạo loạn ở Kazakhstan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với việc tình hình Kazakhstan ngày càng ổn định, Lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể chuẩn bị rút đi. Vấn đề người thắng, kẻ thua đã dần hiện rõ.
Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO đến Kazakhstan hôm 6/1 (Ảnh: AP).
Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO đến Kazakhstan hôm 6/1 (Ảnh: AP).

Theo Hãng thông tấn Nga RIA Novosti, ông Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kazakhstan, ngày 10/1 theo giờ địa phương đã nói trong bài phát biểu tại Quốc hội nước này: các lực lượng liên quân của CSTO tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kazakhstan sẽ bắt đầu rút quân sau hai ngày nữa và việc rút đi sẽ hoàn tất trong vòng 10 ngày.

Tổng thống Tokayev nói: "Nhìn chung, hoạt động chống khủng bố trong nước đã bước vào giai đoạn then chốt. Tình hình các khu vực đều rất ổn định. Vì vậy, tôi tuyên bố nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO đã hoàn thành xuất sắc. Hai ngày nữa, Lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được rút theo từng giai đoạn. Việc triệt thoái sẽ kết thúc trong vòng 10 ngày."

Tổng thống Kazakhstan Tokayev tuyên bố: Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO sẽ bắt đầu rút về sau 2 ngày nữa (Ảnh: TASS).

Tổng thống Kazakhstan Tokayev tuyên bố: Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO sẽ bắt đầu rút về sau 2 ngày nữa (Ảnh: TASS).

Trước đó, Ngoại trưởng Kazakhstan Erlan Karin ngày 10/1 viết trên mạng xã hội rằng vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO là giải phóng các nguồn lực cần thiết để các lực lượng đặc biệt ở Kazakhstan có thể hoạt động chống khủng bố tại Almaty và khu vực xung quanh. Ông nhấn mạnh rằng các hoạt động chống khủng bố chỉ được thực hiện bởi các lực lượng đặc biệt và của Bộ Quốc phòng Kazakhstan.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tokayev cũng nói về hàng loạt vấn đề mà Kazakhstan đang phải đối mặt. Ông đã chỉ thị cho chính phủ Kazakhstan trước hết phải thiết lập trật tự ở biên giới Kazakhstan – Trung Quốc để tăng thu ngân sách.

Ông Tokayev nói: "Tiềm năng to lớn của khoản thu ngân sách bổ sung nằm ở trật tự của hải quan, đặc biệt là ở biên giới với Trung Quốc, tại đó rất hỗn loạn. Hải quan không kiểm tra ô tô và không nộp thuế". Số liệu của thống kê hải quan Kazakhstan và số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc chênh lệch hàng tỷ USD. Một bộ phận nhân viên hải quan tham nhũng, khiến Kazakhstan thất thu hàng chục tỷ USD tiền thuế.”

Người biểu tình kéo đến trụ sở chính quyền Almaty hôm 5/1 (Ảnh: Sina).

Người biểu tình kéo đến trụ sở chính quyền Almaty hôm 5/1 (Ảnh: Sina).

Trước đó, các nhà lãnh đạo của CSTO đã tổ chức một hội nghị dưới hình thức trực tuyến vào ngày 10/1, các nhà lãnh đạo của Kazakhstan, Nga, Armenia, Belarus, Kyrgyzstan, Tajikistan và Ban Thư ký CSTO đã tham gia cuộc họp.

Tại hội nghị này, Tổng thống Tokayev đã thông báo tóm tắt về tình hình trong nước hiện nay ở Kazakhstan và các biện pháp thực hiện để ổn định tình hình. Tất cả các bên tại cuộc họp đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các hành động của phía Kazakhstan nhằm khôi phục sự ổn định trong nước và trật tự hiến pháp. Nhưng ông Tokayev cũng nói rằng hoạt động chống khủng bố trong nước ở Kazakhstan sắp kết thúc, và nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của liên quân CSTO cũng sẽ kết thúc cùng với hoạt động chống khủng bố.

Do tình hình biểu tình ở Kazakhstan diễn biến thành bạo loạn từ ngày 4/1, Tổng thống Kazakhstan Tokayev sáng sớm ngày 6/1 thông báo ông đã yêu cầu các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể Cộng đồng các quốc gia độc lập (CSTO) giúp Kazakhstan đối phó với "mối đe dọa của những kẻ khủng bố”. Ngay trong ngày 6/1, chiếc máy bay vận tải đầu tiên chở quân dù của Nga đã đến Kazakhstan.

Người biểu tình đốt phá ô tô và trụ sở chính quyền ở Almaty hôm 5/1 (Ảnh: AP)

Người biểu tình đốt phá ô tô và trụ sở chính quyền ở Almaty hôm 5/1 (Ảnh: AP)

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, từ ngày 7 đến ngày 10/1, Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã điều tổng cộng 150 lượt chiếc máy bay vận tải quân sự Il-76 và An-124 để vận chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình và trang thiết bị tới Kazakhstan.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga bao gồm các quân nhân thuộc Lữ đoàn đặc nhiệm số 45 của Lực lượng đổ bộ đường không, Sư đoàn Dù Ivanovo số 98 và Lữ đoàn lính dù độc lập Ulyanov số 31. Tất cả các sĩ quan và binh sĩ đều có kinh nghiệm chiến đấu phong phú.

Ngoài quân đội Nga, các nước CSTO khác là Armenia, Belarus và Tajikistan cũng đã cử quân nhân và thiết bị tới Kazakhstan tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Khi tình hình bạo loạn ở Kazakhstan lắng xuống và Tổng thống Tokayev xác định đây là một âm mưu đảo chính không thành, giờ đây mọi người đã nhìn ra bản chất của cuộc bạo loạn. Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 11/1, đây là một cuộc “đảo chính cung đình”, một cuộc tranh giành quyền lực giữa gia tộc Tổng thống cũ Nazarbayev và tổng thống mới Tokayev nhân việc giá dầu tăng.

Các máy bay vận tải của Không quân Nga lập cầu không vận đưa lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO tới Kazakhstan (Ảnh: Zvezda).

Các máy bay vận tải của Không quân Nga lập cầu không vận đưa lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO tới Kazakhstan (Ảnh: Zvezda).

Nhìn vào hiện tại, gia tộc Nazarbayev đã kích động cuộc đảo chính, là kẻ thất bại lớn nhất trong cuộc tranh giành quyền lực này. Nazarbayev đã cẩn thận lựa chọn Tokayev làm người kế nhiệm trước khi rời nhiệm sở. Vốn dĩ, Nazarbayev muốn ông Tokayev chỉ kiểm soát thời kỳ chuyển tiếp, sau đó trao quyền lực lại cho người của gia đình mình. Để ngăn ông Tokayev nắm quyền, Nazarbayev cũng đã sửa đổi hiến pháp và các luật liên quan trước khi rời ghế Tổng thống, đồng thời tự mình đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia suốt đời, nắm giữ quyền lực quân đội và cảnh sát trong tay mình.

Tuy nhiên, những dàn xếp có chủ ý này đã bị ông Tokayev lật nhào hoàn toàn sau cuộc đảo chính để bảo vệ tính hợp pháp của mình. Bản thân ông Nazarbayev bị buộc giao lại chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia suốt đời. Thân tín của ông là Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Karim Massimov bị bắt vì "tội phản quốc" và hai Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia là Marat Osipov và Daulet Ergozhin cũng bị bãi chức. Với sự phát triển của tình hình, tin rằng tới đây sẽ có thêm nhiều người vốn thuộc hệ thống quyền lực của Nazarbayev bị cách chức hoặc bị bắt, thời đại mà gia tộc Nazarbayev cai trị Kazakhstan sẽ trở thành lịch sử.

Nhà lãnh đạo Kazakhstan Nursultan Nazarbayev thăm Trung Quốc năm 2019 (Ảnh: Sina).

Nhà lãnh đạo Kazakhstan Nursultan Nazarbayev thăm Trung Quốc năm 2019 (Ảnh: Sina).

Trái với thất bại của Tổng thống cũ Nursultan Nazarbayev, tân Tổng thống Tokayev là người chiến thắng lớn nhất trong cuộc bạo loạn này. Ông Tokayev ban đầu làm việc trong Bộ Ngoại giao Liên Xô, năm 1983, ông đến Học viện Ngôn ngữ Bắc Kinh để học tiếng Trung Quốc trong 10 tháng, sau đó làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô tại Trung Quốc. Sau khi Liên Xô giải thể và Kazakhstan độc lập, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Thượng viện rồi Tổng thống Kazakhstan.

Vào ngày 10/1, giờ địa phương, chỉ 4 ngày sau khi cuộc đảo chính bị dẹp yên, khi khói lửa còn chưa tan hết, Tokayev đã bày tỏ ông sẽ tới tham dự Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Động thái này cho thấy quyền lực trong nước của ông đã nhanh chóng được củng cố, người ta cũng có thể thấy được sức mạnh của ông như thế nào!

Ngoài tổng thống mới Tokayev, có một người chiến thắng lớn khác không thể bị bỏ qua là Tổng thống Putin của Nga. Kazakhstan vốn luôn chơi trò ngoại giao “cân bằng quyền lực" giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga. Sau khi Kazakhstan độc lập, Nazarbayev tập trung xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga, trở thành thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập cùng với Nga, kết làm đồng minh quân sự và chính trị, tham gia CSTO do Nga đứng đầu. Mặt khác, ông chú trọng xây dựng quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, thu hút đầu tư của Trung Quốc, được chính phủ Trung Quốc tặng Huân chương Hữu nghị. Đồng thời, Nazarbayev cũng tích cực thu hút lực lượng của Mỹ ngoài khu vực, cho phép số lượng lớn các tổ chức phi chính phủ do Mỹ chủ đạo vào hoạt động và mở cửa hoạt động khai thác mỏ dầu trong nước cho Mỹ, muốn thông qua Mỹ để cân bằng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc, tránh phụ thuộc quá mức vào bất kỳ bên nào và tập trung quyền kiểm soát, củng cố địa vị chính trị của mình ở Kazakhstan.

Tổng thống Nga Putin sử dụng khuôn khổ Tổ chức Hợp tác An ninh Tập thể để củng cố vị thế lãnh đạo trong khu vực (Ảnh: Sina).

Tổng thống Nga Putin sử dụng khuôn khổ Tổ chức Hợp tác An ninh Tập thể để củng cố vị thế lãnh đạo trong khu vực (Ảnh: Sina).

Tuy nhiên, sau khi xảy ra đảo chính, ông Putin, trong khuôn khổ của CSTO, theo yêu cầu của chính phủ Tokayev đã nhanh chóng điều quân tới dẹp loạn, nhanh chóng ổn định tình hình trong nước Kazakhstan, giúp Tokayev loại bỏ nguy cơ đảo chính và củng cố vị thế quyền lực ở Kazakhstan. Tới đây, ông Tokayev sẽ giải quyết mối quan hệ Kazakhstan - Nga như thế nào là điều không khó để biết. Kazakhstan chắc chắn sẽ có xu hướng tiếp cận Nga và dành cho Nga nhiều lợi ích hơn trong tương lai.

Hơn nữa, đối với Tổng thống Nga Putin, việc cử quân đội tới hỗ trợ Kazakhstan dẹp loạn cũng thể hiện vai trò lãnh đạo của Nga trong khu vực, và đó là một minh chứng tốt cho sức mạnh cứng rắn và tiếng nói quốc tế của Nga. Sau khi Nga đưa quân sang Kazakhstan dẹp loạn, Mỹ hết sức tức giận, Ngoại trưởng Antony Blinken đầu tiên khích bác Kazakhstan “mời thần đến dễ, tiễn thần đi khó”, nói rằng “một khi đã để người Nga vào nhà, đôi khi rất khó đuổi họ đi", sau đó chỉ trích ông Putin muốn “tái lập Liên Xô", nói điều đó là "không thể chấp nhận được". Qua đó, đủ biết rằng động thái của Putin đã giáng cho Mỹ một đòn đau thế nào.