Đa Chiều ngày 20/6 dẫn nguồn tin từ Hải quân Mỹ cho hay, hai biên đội tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan ngày 18/6 đã tổ chức thành hạm đội 2 tàu sân bay và triển khai diễn tập tác chiến ở vùng biển Philippines.
Các tàu chiến và máy bay của 2 cụm tấn công tàu sân bay này đã bắt đầu triển khai hành động liên hợp ở vùng biển quốc tế, phô diễn sức mạnh của hạm đội tấn công liên hợp nhiều tàu sân bay độc nhất thiên hạ của Hải quân Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ triển khai hành động nhằm vào bãi cạn Scarborough. Ngày 22/4/2016, sau khi kết thúc cuộc diễn tập liên hợp Balikatan giữa Mỹ và Philippines, 6 máy bay chiến đấu của Quân đội Mỹ để lại Philippines đã bay đến bầu trời khu vực bãi cạn Scarborough.
Đây là lần đầu tiên chúng tiến hành bay nhận biết tình hình trên biển, trên không ở khu vực Trung Quốc nhảy vào tranh chấp ở Biển Đông.
Ngày 28/4, tại phiên điều trần ở Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cho rằng bãi cạn Scarborough giống như các tranh chấp lãnh thổ khác ở khu vực Biển Đông, có thể nổ ra xung đột quân sự, Mỹ đặc biệt quan ngại đối với vấn đề này.
Thượng tuần tháng 5/2016, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ chỉ mỉm cười khi báo chí hỏi về khả năng nổ ra chiến tranh ở bãi cạn Scarborough.
Tờ Thời báo New York dẫn lời Đô đốc Harry Harris cho hay: "Quân nhân quan sát tình hình phải "âm u một chút". Đây là chức trách". Lực lượng của ông phải làm tốt việc sẵn sàng "khai chiến ngày đêm".
Đầu tháng 6/2016, tại hội nghị an ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh cáo, nếu Trung Quốc mở rộng bãi cạn Scarborough thì họ sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng.
Ông Ashton B. Carter nói: "Hy vọng sẽ không xảy ra việc này. Bởi vì điều này sẽ dẫn tới Mỹ và các nước khác trong khu vực triển khai hành động".
Đa Chiều cho rằng Mỹ đồng thời triển khai hai tàu sân bay trên Biển Đông là điều hiếm thấy, đã thể hiện quyết tâm "không mềm tay" của Mỹ.
Những năm gần đây, dư luận có ấn tượng rõ nét về việc Trung Quốc dùng sức mạnh “nước lớn bắt nạt nước nhỏ” để cưỡng đoạt bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012.
Tháng 5/2016, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough năm 2012, nguyên nhân cuối cùng Philippines rút đi là do Mỹ muốn làm giảm xung đột, giữ lại “thể diện” cho hai bên. Khi đó, Mỹ đã giữ kiềm chế.
Nhưng hiện nay trong vấn đề bãi cạn Scarborough, Mỹ đưa ra lời cảnh báo tương tự như tối hậu thư có ý vị sâu xa. Điều này gợi lại những sự việc xảy ra trong 2 năm qua.
Mỹ ngày càng liên tiếp đến gần trinh sát một cách nguy hiểm và triển khai hành động ở vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo (do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông).
Qua đó có thể phát hiện, nếu chiến lược Biển Đông trước đây của Mỹ là thúc đẩy đồng minh ra mặt, thì hiện nay hành động của Mỹ ở Biển Đông thực sự đã đích thân ra mặt. Đây là sự chuyển biến quan trọng trong sách lược của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông.
Nếu nói năm 2008 Mỹ can thiệp điểm nóng Biển Đông là để tạo thế quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương thì đến nay Mỹ đích thân hành động không chỉ là để sắp đặt cho việc quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương.
Một mặt, việc bồi lấp và xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc đã làm thay đổi cân bằng sức mạnh khu vực, Trung Quốc từng bước có khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, bãi cạn Scarborough có tầm quan trọng không thể thay thế. Đối với Mỹ và Philippines, vị trí bãi cạn này nằm ở khu vực giao thông quan trọng để tàu chiến ra vào vịnh Subic.
Nếu Trung Quốc triển khai các hoạt động xây dựng ở bãi cạn Scarborough thì đây sẽ hoàn toàn không phải là tin tốt đối với Mỹ và Philippines.
90% thương mại của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đi qua Biển Đông, chỉ có 10% đi qua tuyến đường hàng hải phía nam gần Australia.
Mỹ cho rằng, Trung Quốc có khả năng kiềm chế, gây thiệt hại cho lợi ích của Mỹ và đồng minh. Trung Quốc đòi các đảo đá ở Biển Đông thuộc về họ và tuyên bố tự do đi lại ở Biển Đông không có vấn đề gì. Nhưng, đây là do Trung Quốc vẫn chưa kiểm soát đối với Biển Đông.
Dân tộc Anglo Saxon là dân tộc rất thực tế, họ không nhìn vào Trung Quốc hiện nay đang nói gì, mà nhìn vào sự tăng trưởng năng lực của Trung Quốc.
Mỹ cho rằng, nếu Biển Đông bị Trung Quốc kiểm soát thì sự liên hệ giữa Guam - cứ điểm quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và Diego Garcia - cứ điểm quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương sẽ bị cắt đứt, Diego Garcia sẽ bị cô lập ở bên ngoài. Nếu làm không tốt, Mỹ có thể phải rút khỏi Ấn Độ Dương, cục diện chiến lược toàn cầu của Mỹ sẽ bị phá vỡ.
Trước năm 2014 trọng điểm của Mỹ là thúc đẩy các đồng minh đối kháng với Trung Quốc, lấy can dự Biển Đông làm điều kiện để quay trở lại khu vực này.
Từ khi Trung Quốc tiến hành bồi lấp, xây đảo nhân tạo quy mô lớn vào năm 2014 đến nay, Mỹ đối mặt với nguy cơ sinh tồn trực tiếp và vai trò chủ đạo ngày càng suy giảm ở Biển Đông. Đích thân hành động là để Mỹ ngăn chặn tình trạng này.
Mặt khác, Mỹ vốn cho rằng Trung Quốc từ xưa luôn ở chiếu dưới, đang trỗi dậy trong hệ thống của Mỹ. Hiện nay bất kể bồi lấp xây đảo nhân tạo hay triển khai xây dựng "một vành đai, một con đường", Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB), Ngân hàng BRICS và quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Trung Quốc bắt đầu tự xây dựng mạng lưới bạn bè về kinh tế.
Các đồng minh phương Tây như Anh, Pháp, Đức hoan nghênh và phối hợp với chủ trương kinh tế của Trung Quốc khiến cho Mỹ nhận thức được Trung Quốc trỗi dậy ngày càng mạnh, tác động trực tiếp đến vai trò ảnh hưởng của Mỹ.
Sự nhẫn nại của Mỹ đối với sự trỗi dậy chiến lược của Trung Quốc đang mất đi. Ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông đã có giá trị chiến lược lớn hơn, vừa chứng minh khả năng Trung Quốc tuân thủ trật tự Mỹ, vừa được cho là điểm mấu chốt phân định thắng thua giữa Trung Quốc và Mỹ.