"Chạy" giấy phép hàng trăm nghìn USD
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 15 bị can vụ Xuyên Việt Oil về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Trong số này có 5 bị can là các cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Tất cả đều bị truy tố về tội "Nhận hối lộ".
Theo cáo trạng, tháng 6/2021 giấy phép kinh doanh xăng dầu của Công ty Xuyên Việt Oil chuẩn bị hết hạn. Do không đủ điều kiện cấp lại giấy, Mai Thị Hồng Hạnh đã "chạy " gia hạn giấy phép bằng cách tác động, đưa hối lộ cho nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ Bộ Công thương.
Cụ thể, tháng 6/2021, bà Hạnh chỉ đạo Nguyễn Văn Thắng (Phó giám đốc Xuyên Việt Oil Chi nhánh Hà Nội) liên hệ, đưa hối lộ cho cán bộ, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước và Bộ Công thương để được tạo điều kiện cấp lại giấy phép.
Tiếp đó, Hạnh thông qua ông Nguyễn Lộc An (Vụ phó Vụ Thị trường trong nước) để nhờ cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải giúp đỡ. Sau khi đồng ý, ông Hải giới thiệu Hạnh đến gặp Hoàng Anh Tuấn (Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) và chỉ đạo ông Tuấn sớm xem xét, giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp này.
Nắm bắt nguyện vọng xin cấp lại giấy phép của Công ty Xuyên Việt Oil, ông Tuấn báo cáo lại việc này cho Vụ trưởng Trần Duy Đông. Từ đó, họ thống nhất tạo điều kiện cho công ty Mai Thị Hồng Hạnh theo chỉ đạo của ông Đỗ Thắng Hải. Đông nhắc Tuấn phải chú ý đảm bảo về hình thức, thành phần hồ sơ.
Thực hiện chỉ đạo của Hạnh, ngày 17/6/2021, Đồng Xuân Dũng (lái xe cho Hạnh) đưa 10.000 USD cho Nguyễn Văn Thắng đi gặp gỡ, đưa "quà" cho Hoàng Anh Tuấn và được Tuấn đồng ý giúp đỡ, số tiền 5.000 USD còn lại được Thắng đưa vào quỹ công ty Chi nhánh tại Hà Nội.
Một tuần sau đó, bị can Thắng nộp hồ sơ song ông Hoàng Anh Tuấn chưa chấp thuận cấp lại giấy phép, lý do là doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện về cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận xăng dầu và hệ thống phân phối. Lúc này, bà Hạnh liên lạc lại với ông Tuấn để nhờ giúp đỡ thì được tư vấn, hướng dẫn thủ tục sao cho hoàn thiện hồ sơ. Vì thế, Công ty Xuyên Việt Oil mua thêm doanh nghiệp khác để đủ số lượng về đại lý bán lẻ theo điều kiện cấp phép rồi nộp lại hồ sơ.
Ngày 30/9/2021, để đạt được mục đích xin cấp lại giấy phép, Mai Thị Hồng Hạnh liên hệ Nguyễn Như Nguyệt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Anh Quang Hà Trung ở Hà Nội mua 300.000 USD để đi hối lộ. Sau đó, bà Hạnh chỉ đạo ông Dũng đến nhận tiền và đưa cho bị can Thắng 300.000 USD (hơn 6,7 tỷ đồng) để đi hối lộ Hoàng Anh Tuấn và Trần Duy Đông nhằm giúp hồ sơ được thông qua nhanh chóng.
Sau khi nhận tiền từ Dũng, bị can Thắng kiểm tra túi thấy 300.000 USD. Lúc này Thắng "bỏ túi" 50.000 USD, chỉ mang 250.000 USD đến Bộ Công thương.
Khi đến nơi, Thắng gặp ông Hoàng Anh Tuấn và được đưa vào phòng làm việc của Trần Duy Đông. Tại đây, Thắng nói: "Do dịch Covid-19 nên chị Hạnh không ra được Hà Nội, chị Hạnh có quà cho các anh" rồi để lại tiền. Sau khi Thắng ra về, hai cựu lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước là Đông và Tuấn chia nhau số tiền, trong đó ông Đông cầm 120.000 USD và đưa 130.000 USD cho đồng nghiệp.
Tháng 11/2021, Bộ Công thương có đoàn công tác do ông Hoàng Anh Tuấn làm trưởng đoàn đến kiểm tra điều kiện cấp phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. Khi ngồi trên xe ô tô đến một cây xăng, Thắng đưa tiếp cho ông Tuấn 10.000 USD theo chỉ đạo của Hạnh.
Dù không kiểm tra thực tế đầy đủ các đại lý bán lẻ, cầu cảng, kho tiếp nhận xăng dầu mà Công ty Xuyên Việt Oil kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhưng Hoàng Anh Tuấn vẫn ký vào biên bản xác nhận "công ty cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp lại giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu".
Trên cơ sở đề xuất của Hoàng Anh Tuấn, bị can Đỗ Thắng Hải đã ký ban hành giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil, có giá trị hết ngày 19/11/2026.
Sau khi được cấp giấy phép, bà Hạnh cùng nhân viên và Nguyễn Văn Thắng đến Bộ Công Thương gặp bị can Đỗ Thắng Hải. Tại đây, Hạnh đưa cho ông Hải túi quà đựng 50.000 USD.
Quá trình lo cho Công ty Xuyên Việt Oil đủ điều kiện cấp lại giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, Mai Thị Hồng Hạnh đã chi tổng cộng 365.000 USD để hối lộ cho nhiều cựu lãnh đạo Bộ Công Thương và Vụ Thị trường trong nước.
Bị can Đỗ Thắng Hải, Trần Duy Đông, Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Văn Thắng đã có đơn xin khắc phục hậu quả. Đại diện gia đình bị can Đỗ Thắng Hải nộp 730 triệu đồng; bị can Trần Duy Đông nộp 120.000 USD; bị can Hoàng Anh Tuấn nộp 105.000 USD; bị can Nguyễn Văn Thắng nộp 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
4 lần nhận hối lộ của cựu phó vụ trưởng Bộ Công Thương
Một cuộc “ngã giá” nữa giữa bà Mai Thị Hồng Hạnh với ông Nguyễn Lộc An, cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương được diễn ra vào năm 2016.
Cụ thể, đầu năm 2016, khi gặp nhau tại TP.HCM, bà Hạnh có nhờ ông An giúp đỡ việc cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu dù lúc đó, Xuyên Việt Oil chưa đủ điều kiện.
Ông Nguyễn Lộc An đã lợi dụng chức vụ được giao, "tạo điều kiện" cho Công ty Xuyên Việt Oil được cấp phép kinh doanh. Qua đó, bị can Nguyễn Lộc An đã nhận hối lộ 4 lần của Mai Thị Hồng Hạnh, với tổng số tiền hơn 921 triệu đồng (400 triệu đồng và 1 đồng hồ Patek Philippe). Ông An khai đã bán chiếc đồng hồ với giá 23.000 USD (hơn 521 triệu đồng).
Lần 1, vào khoảng tháng 3/2016, thông qua quan hệ xã hội, Mai Thị Hồng Hạnh được giới thiệu gặp gỡ, làm quen Nguyễn Lộc An.
Do có nhu cầu làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong cuộc gặp Nguyễn Lộc An tại Khách sạn Victory (số 14 Võ Văn Tần, Quận 3, TP HCM), bà Mai Thị Hồng Hạnh đề nghị An giúp đỡ cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu do Công ty Xuyên Việt Oil còn thiếu một số điều kiện để được cấp phép (chưa đủ điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu).
Nguyễn Lộc An đồng ý giúp đỡ việc cấp Giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil và cho biết chi phí phải chi theo mặt bằng chung là từ 5 đến 7 tỷ đồng, đồng thời cựu vụ phó Vụ thị trường trong nước yêu cầu Mai Thị Hồng Hạnh phải hợp thức hóa các điều kiện cấp phép còn thiếu và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép vào bộ phận một cửa của Bộ Công Thương để An xử lý.
Tại lần gặp mặt này, Nguyễn Lộc An đã nhận 50 triệu đồng của Hạnh.
Lần 2, vào vào khoảng từ ngày 5 đến 20/5/2016, tại Nhà khách Bộ Công Thương phía Nam (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM), Nguyễn Lộc An khai có gặp gỡ và nhận 100 triệu đồng từ Mai Thị Hồng Hạnh. Sau khi đã đưa tiền cho An và hợp thức đủ các điều kiện, thủ tục theo hướng dẫn, Hạnh làm đơn đề nghị gửi Bộ Công Thương.
Lần 3, đến ngày 18/8/2016, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương do Nguyễn Lộc An làm Trưởng đoàn đến làm việc tại trụ sở Công ty Xuyên Việt Oil để kiểm tra thực tế điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh xăng dầu. Mặc dù không kiểm tra đầy đủ các Đại lý bán lẻ, cầu cảng, kho tiếp nhận xăng dầu mà Công ty Xuyên Việt Oil kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp phép, nhưng Nguyễn Lộc An vẫn ký Biên bản, kết luận "Cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận xăng dầu…hồ sơ, điều kiện kinh doanh đều đáp ứng đủ điều kiện".
Tại lần đi kiểm tra này, ông An đã 2 lần nhận tiền của Mai Thị Hồng Hạnh, với tổng số tiền là 250 triệu đồng (trước buổi kiểm tra là 50 triệu đồng; sau buổi kiểm tra là 200 triệu đồng).
Ngày 19/8/2016, Nguyễn Lộc An ký Công văn và Biên bản kiểm tra gửi Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải báo cáo kết quả kiểm tra thực tế điều kiện cấp phép, trong đó đề xuất ký ban hành Giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil.
3 ngày sau, trên cơ sở đề xuất của Nguyễn Lộc An, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký ban hành Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil, có giá trị đến hết ngày 22/8/2021.
Lần 4, sau khi Công ty Xuyên Việt Oil được cấp Giấy phép, ngày 29/7/2017, nhân dịp Nguyễn Lộc An vào công tác tại TP.HCM, để trả công, lấy lý do chúc mừng sinh nhật muộn, Hạnh mời An đến nhà ăn tối và đã đưa 1 đồng hồ hiệu Patek Philippe.
Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra, bị can Nguyễn Lộc An đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực với cơ quan điều tra trong việc điều tra phát hiện, làm rõ tội phạm; bị can có đơn xin khắc phục hậu quả, gia đình đã nộp lại số tiền 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu