Cựu Ngoại trưởng Kissinger kêu gọi ông Biden đối thoại với Trung Quốc, tránh bất đồng thành xung đột

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger cho rằng mối quan hệ Mỹ - Trung hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua và kêu gọi ông Joe Biden sau khi nhậm chức hãy lập tức thay đổi ngay tình trạng này.

Ông Henry Kissinger tham gia Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg 2020 trực tuyến hôm 16/11 (Ảnh: Guancha).
Ông Henry Kissinger tham gia Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg 2020 trực tuyến hôm 16/11 (Ảnh: Guancha).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 17/11, hôm 16/11, ông Henry Kissinger, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng dưới thời Richard Nixon được mời tham dự và phát biểu tại buổi lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg 2020 - một diễn đàn kinh tế trực tuyến. Trong bài phát biểu, khi đề cập về quan hệ Mỹ - Trung, ông Kissinger chỉ ra rằng mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua và kêu gọi ông Joe Biden, người mà ông gọi là tổng thống Mỹ khóa tới, hãy đối thoại với Trung Quốc, quản lý sự khác biệt thông qua giao tiếp và thúc đẩy hợp tác, nếu không thế giới sẽ đi tới một thảm họa giống như hồi Thế chiến thứ Nhất.

Ông Kissinger và ông Joe Biden (Ảnh: AP).

Ông Kissinger và ông Joe Biden (Ảnh: AP).

Theo hãng tin Bloomberg ngày 16/11, ông Kissinger tuyên bố rằng chính phủ Joe Biden sắp tới cần nhanh chóng hành động khôi phục kênh liên lạc Mỹ - Trung vốn đã rạn nứt dưới thời chính quyền Donald Trump, nếu không Mỹ và Trung Quốc có thể xảy ra nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột quân sự.

Ông tuyên bố, công nghệ quân sự hiện nay sẽ khiến cuộc khủng hoảng như vậy trở nên khó kiểm soát hơn những cuộc khủng hoảng trước đây.

Khi trả lời phỏng vấn, cựu Ngoại trưởng Kissinger, năm nay 97 tuổi, người từng đến Trung Quốc hơn 80 lần kể từ năm 1972, nói: "Hai nước Trung Quốc và Mỹ hiện đang ngày càng có xu hướng đối đầu và họ cũng đang tiến hành ngoại giao theo phương thức đối đầu. Điều nguy hiểm là có thể xảy ra những cuộc khủng hoảng nhất định, những cuộc khủng hoảng như vậy sẽ vượt qua những va chạm bằng ngôn từ và phát triển thành xung đột quân sự thực tế”.

Henry Kissinger chỉ ra rằng phương thức đàm phán của ông Donald Trump mang tính đối đầu nhiều hơn, nhưng “không thể sử dụng nó vô thời hạn”.

Tại Trung Quốc, ông Kissinger được coi là "người bạn lớn thân thiết". Tử sau khi giúp bình thường hóa quan hệ Trung - Mỹ năm 1972 đến nay, ông đã tới thăm Trung Quốc hơn 80 lần. Trong ảnh: ông Tập Cận Bình tiếp Kissinger ngày 22/11/2019 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Tại Trung Quốc, ông Kissinger được coi là "người bạn lớn thân thiết". Tử sau khi giúp bình thường hóa quan hệ Trung - Mỹ năm 1972 đến nay, ông đã tới thăm Trung Quốc hơn 80 lần. Trong ảnh: ông Tập Cận Bình tiếp Kissinger ngày 22/11/2019 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Kissinger cho rằng quan hệ Trung - Mỹ xấu đi nhanh chóng trong năm nay đồng nghĩa với việc Trung Quốc và Mỹ đang tiến dần tới một cuộc chiến tranh lạnh mới. Ông nói thêm rằng Trung Quốc và Mỹ nên "đạt được sự đồng thuận rằng bất kể có xung đột nào khác, họ đều không thể để nó phát triển thành xung đột quân sự”.

Kissinger nói rằng để đạt được mục tiêu này, Mỹ và Trung Quốc nên cùng nhau tạo ra một hệ thống cơ chế hóa, trong đó một người lãnh đạo được Tổng thống Mỹ tin cậy cùng một nhà lãnh đạo do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủy nhiệm sẽ duy trì liên lạc thay mặt các nguyên thủ quốc gia của mình.

Ông Kissinger thừa nhận rằng: “Giữa Trung Quốc và Mỹ có sự khác biệt về các vấn đề nhân quyền, nhưng điều quan trọng là cả hai bên phải hiểu rõ các vấn đề nhạy cảm của nhau. Không nhất thiết phải giải quyết vấn đề, nhưng phải giảm bớt vấn đề”.

Kissinger nói: "Mỹ và Trung Quốc trước nay chưa bao giờ đối mặt với một quốc gia có quy mô tương đương. Đây là sự thể nghiệm đầu tiên. Chúng ta phải tránh bất đồng diễn biến thành xung đột và hy vọng sẽ đạt được một số hợp tác”.

Ông Joe Biden và phu nhân vẫy chào người ủng hộ sau khi tuyên bố thắng cử tại quê nhà Delawe hôm 7/11 (Ảnh: AP).

Ông Joe Biden và phu nhân vẫy chào người ủng hộ sau khi tuyên bố thắng cử tại quê nhà Delawe hôm 7/11 (Ảnh: AP).

Khi xem xét lại một số đề xuất của ông Joe Biden đối với Trung Quốc, chẳng hạn như việc ông tìm cách thành lập một liên minh dân chủ để thách thức Bắc Kinh, Henry Kissinger kêu gọi ông Biden nên thận trọng.

Ông Kissinger cho rằng việc thành lập liên minh chống lại một quốc gia cụ thể là không khôn ngoan, nhưng trong tình hình cần thiết, lập liên minh để ngăn chặn nguy cơ là cần thiết.

Kissinger nói rằng Trung Quốc và Mỹ có quan điểm rất khác nhau về cùng một vấn đề, điều này đã ảnh hưởng đến cách thức họ đàm phán. Người Mỹ có một lịch sử thành công tương đối không bị gián đoạn, trong khi Trung Quốc đã liên tục trải qua các cuộc khủng hoảng trong một thời gian dài.

Kissinger chỉ ra rằng hai nước Mỹ và Trung Quốc có lịch sử khác nhau, vì vậy cả hai bên cần phải hiểu rõ quan điểm cơ bản của nhau, hiểu các nguyên tắc cơ bản và định nghĩa của nhau về lợi ích quốc gia, có như vậy đối thoại mới có thể diễn ra thuận lợi được.

Ông Kissinger chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 là mối đe dọa chung mà cả Trung Quốc và Mỹ phải đối mặt và hy vọng ông Biden sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm sau có thể nhân cơ hội này để bắt đầu đối thoại chính trị với Trung Quốc và thảo luận về hợp tác giữa hai nước. Ông nói: "Nếu coi dịch bệnh COVID-19 là một cảnh báo, ở một mức độ nào đó, hầu hết các quốc gia đang tự mình chiến đấu. Nhưng xét về góc độ lâu dài, phương án giải quyết cần dựa trên sự đồng thuận nhất định của quốc tế. Đây là bài học chúng ta cần ghi nhớ trong đại dịch".

Kissinger từng mô tả rằng đại dịch COVID-19 sẽ "thay đổi trật tự quốc tế mãi mãi". Ông Joe Biden cũng cam kết trong bài phát biểu tuyên bố thắng cử rằng, ông sẽ đặt việc kiềm chế dịch bệnh trong nước trở thành ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức.

Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry thăm Trung Quốc tháng 9/2015, gặp Phó chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Tân Hoa xã).

Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry thăm Trung Quốc tháng 9/2015, gặp Phó chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ngoài ra, Kissinger cũng đưa ra một số gợi ý về cách xử lý quan hệ với Trung Quốc của ông Biden sau khi nhậm chức. Ví dụ, bất kể tồn tại sự khác biệt giữa hai bên, điều quan trọng nhất là Trung Quốc và Mỹ phải hiểu rõ mối quan tâm của nhau...

Cũng tại diễn đàn này, Phó Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã đọc bài phát biểu nhan đề “Đồng tâm hiệp lực, thực dụng sáng tạo, xây dựng tương lai”, trong đó nêu rõ các quốc gia cần đề cao tinh thần khoa học và quan niệm đặt cuộc sống lên trên hết, kiên quyết kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19, từ bỏ tư duy “trò chơi tổng bằng không” và giảm thiểu các rào cản di động cho các nhân tố sáng tạo. Ông kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới hãy cùng hành động để thiết lập cơ chế hợp tác phòng chống SARS-CoV-2 và kiên quyết kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.