Cuộc sống địa ngục của trẻ em Syria

Khi một đứa trẻ ở Aleppo (Syria) được yêu cầu vẽ một bức tranh lúc ở trường, cậu bé đã vẽ ra một thế giới đầy khói lửa: Máy bay trực thăng ném bom, một ngôi nhà đổ sập thành đống gạch vụn.
Cuộc sống địa ngục của trẻ em Syria

Rồi cậu bé vẽ chính mình đang úp mặt vào đầu gối khóc, xung quanh là bạn bè: Đã chết, bị chặt đứt chân tay, bị chặt đầu và máu me lênh láng.

Thực tế bi thảm

Đó là thực tế mà chúng ta thấy diễn ra quá thường xuyên, đặc biệt trong các bệnh viện dã chiến trên khắp Syria. Trẻ em Syria đang sống trong địa ngục!

Tiến sĩ Samer Attar - một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Đại học Northwestern - đi thực thi nhiệm vụ ở Aleppo và tiến sĩ Zaher Sahloul - cựu Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ-Syria - hằng ngày phải chứng kiến người dân vô tội đau khổ, đang chết dần trong các điều kiện tồi tệ ở Syria. Vào những ngày bị không kích dữ dội nhất, giường bệnh không đủ cho số người bị thương. Đôi khi, bệnh nhân nằm la liệt trên sàn nhà đến mức không còn chỗ để đặt bước chân.

Trẻ em bị súng bắn tỉa bắn vào đầu. Trẻ em bị bỏng, tật nguyền, bị cụt tay chân vì bom đạn, súng cối. Hai vị bác sĩ này, đại diện cho hơn 5.000 bác sĩ Mỹ-Syria thuộc tổ chức phi lợi nhuận trên, vẫn còn nhớ các vết thương toang hoác trên đầu những đứa trẻ. Ngay cả những phụ nữ mang thai cũng bị bắn thẳng vào bụng. 

Một đêm, các nhân viên cứu hộ kéo hai đứa trẻ ra từ đống đổ nát sau một trận không kích. Một đứa bê bết máu và bụi. Nước mắt nó nhòe nhoẹt khi khóc thương mẹ mình. Các bác sĩ phải nong một cái ống vào ngực để giúp lá phổi bẹp rúm của nó có thể thở do bị kẹp giữa đống đổ nát và cố gắng cứu sống nó.

Cậu bé chết khi vết thương hở vẫn còn rỉ máu, và người ta phải phủ tấm vải liệm trắng để che đi cơ thể thủng lỗ chỗ của cậu. Không ai biết tên cậu bé và cũng không có người thân nào tìm đến. Khi tấm vải liệm trở nên đẫm máu, nhuộm đỏ cả chiếc giường, người ta phải chôn cất cậu bé - một đứa trẻ vô danh và bị lãng quên. Đội ngũ y tá, bác sĩ làm việc cho Syria phải quen dần với tất cả những nỗi kinh hoàng này.

Các cuộc không kích gần đây nhất vào Douma, một thị trấn ở vùng nông thôn Damascus, cũng như trên khắp Syria, đều đặt trọng tâm mục tiêu nhắm vào các khu dân cư, trường học và chợ. Ngày không kích ác liệt ở Douma khiến hơn 100 người chết, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Hàng trăm người khác bị thương.

Sống là một cuộc đấu tranh

Theo UNICEF, hơn 5,6 triệu trẻ em Syria chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột leo thang ở Syria. Trong đó, hơn 2 triệu trẻ em đang sinh sống ở những khu vực bị cắt hỗ trợ nhân đạo do chiến sự hoặc nhiều nguyên nhân khác. Rất nhiều trẻ em trong số 2,6 triệu trẻ em Syria thất học. Còn gần 2 triệu trẻ em Syria hiện sống như những người tị nạn ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và các nước khác.

“Từ lúc chào đời, tất cả những gì con bé nghe được là âm thanh của bắn phá và chiến tranh” - Umm Azzam bế cô bé Fatima 2 tuổi đang sợ hãi vì làn gió đông gào thét trên mái nhà tôn tạm bợ ở miền bắc Lebanon. Cơn gió càng giận dữ trên mái nhà, cô bé Fatima càng sợ hãi. “Khi nghe tiếng gió, con bé tưởng tiếng đạn pháo, hay tiếng bánh xe tăng trên con đường vào ban đêm và nó nghĩ là có người nào đó đến đưa chúng tôi đi” - Umm Azzam nói. 

Nỗi sợ hãi như vậy đối với trẻ con không phải là hiếm khi chúng phải sống trong chiến tranh. Các chuyên gia nói rằng những chấn thương tinh thần như vậy sẽ còn ám ảnh cả một thế hệ trẻ em Syria.

Trong một căn phòng khác, cô con gái 6 tháng tuổi Kareema của Umm Azzam ngủ trong chiếc cũi đi mượn. Chăn gối chất đống quanh cô bé trong một nỗ lực tránh rét. Cả hai cô con gái của Umm Azzam đều bị hở tim bẩm sinh.

 Nhưng sau hơn 3 năm sống trong chiến tranh ở đất nước Syria của họ, và hơn 1 năm làm người tị nạn ở Lebanon, Umm Azzam và chồng còn không đủ tiền để mua thức ăn cho gia đình chứ đừng nói đến tiền để phẫu thuật tim cho các cô con gái bé bỏng. “Hai con gái tôi bị bệnh, và như vậy thật khó để chăm sóc chúng trong điều kiện như thế này, khi bạn đang tồn tại ngày qua ngày, cố gắng đắp đổi cho đủ ngày hôm nay, không thể nói tới ngày mai” - bà mẹ 30 tuổi nói.

Và khó khăn càng chất chồng khi Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc mới đây công bố ngừng viện trợ lương thực cho gia đình Umm Azzam cùng 1,7 triệu người tị nạn Syria khác vì hết tiền. “Khi chúng tôi kết hôn, chồng tôi và gia đình chồng có đất nông nghiệp rộng lớn. Khi sinh Fatima, chúng tôi đã nghĩ con bé sẽ có một tương lai tươi sáng. Nhưng giờ đây, chúng tôi đã mất tất cả” - Umm Azzam cho hay.

Ở phía bắc Lebanon, hơn 1,15 triệu người tị nạn Syria đang sinh sống, đó là chưa kể một số lượng người Syria di cư ngày càng tăng mà không đăng ký với cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc. Không có trại tị nạn chính thức của Liên Hợp Quốc. Gần 750.000 người trú ẩn trong những lều lán với các điều kiện không đạt tiêu chuẩn, hay sống trong các tòa nhà chưa xây dựng xong, nhà kho, cửa hàng, trường học bị bỏ trống, hay phải thuê chỗ ở với giá cao dù các ngôi nhà đó hầu như không thể sinh sống.

“Cháu có thích Lebanon không?”, “Mou ktir” (Không thực sự) - đó là câu trả lời của rất nhiều trẻ em đang sinh sống ở Lebanon, kèm theo đó là nụ cười ngượng ngùng hay cái nhún vai. “Cháu đã ở Lebanon 3 năm rưỡi. Cháu không có một người bạn Lebanon nào. Nếu kết bạn được với ai đó, chỉ hai hoặc ba ngày sau, cậu ta liền bắt đầu chế giễu cháu vì là người Syria” - Ahmed - một cậu bé 12 tuổi gốc Rif Dimashq, hiện sống tại một trại tị nạn ở thung lũng Bekaa - cho hay.

Hãng thông tấn quốc gia Lebanon thường xuyên đưa tin về các trường hợp trẻ em Syria bị công dân Lebanon hãm hiếp hoặc đánh đập, hay được tìm thấy đã chết trong những hoàn cảnh không rõ nguyên nhân. Ghadi, 9 tuổi rưỡi, luôn mơ một giấc mơ duy nhất: Trở về nhà ở Zabadani - nơi cậu bé đã rời đi hơn 3 năm trước, trong một chiến dịch ném bom của quân đội Syria. Khi được hỏi muốn gì trong tương lai, cậu bé chỉ trả lời đơn giản: “Sống sót, và bánh mì cho ông của cháu”.

Giải pháp nào?

“Chúng tôi có thể thấy hai loại hậu quả đối với sức khỏe trẻ em. Thứ nhất là hậu quả về tinh thần: Thực tế, trẻ em Syria không thể ra ngoài chơi thường xuyên với bạn bè sẽ ảnh hưởng đến hành vi và các mối quan hệ với người khác. Thứ hai, trong điều kiện y tế thiếu thốn, trẻ em có thể mắc một số bệnh mãn tính hoặc suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất” - Youssef - một bác sĩ tại phòng khám Bác sĩ không biên giới (MSF) ở Shatilla - cho hay.

Một số bệnh lý nghiêm trọng có thể phát triển thường xuyên hơn so với trung bình ở trẻ em Syria, đặc biệt là bệnh động kinh và bại não, khi phụ nữ sinh con trong điều kiện tồi tệ hoặc không được khám thai.

Giáo dục vẫn là vấn đề lớn nhất đối với trẻ em Syria. Ít nhất 312.000 trẻ em Syria ở Lebanon đang ở độ tuổi đến trường (từ 5-16 tuổi), nhiều hơn số trẻ em Lebanon hiện đang theo học ở các trường công lập, theo Suha Tutunji - người đứng đầu chương trình giáo dục của hiệp hội có tên Jusoor của Syria. Kết quả là các trường công lập Syria quá tải và không thể chăm sóc được hết những đứa trẻ này.

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề nhân đạo - ông Stephen O’Brien - ở cách Douma chỉ 16km, để thực hiện nhiệm vụ điều tra vấn đề nhân đạo khi các cuộc tấn công diễn ra. Những tội ác đang diễn ra ngay trước mắt các quan chức quốc tế, nhưng họ không chịu trách nhiệm thực sự, không giúp chấm dứt ngay cả các cuộc tấn công tàn phá cuộc sống của người dân Syria. Trong mấy tuần qua, Châu Âu và Mỹ cũng đang tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di dân này và mở cửa cho người tị nạn Syria. 

Tuy nhiên, tương lai của Syria sẽ được định hình bởi những con người đau khổ này, với những chấn thương tâm lý nghiêm trọng và thiếu trầm trọng sự tiếp cận với giáo dục. Trong khi đó, với tất cả những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, việc xem xét sức khỏe tâm thần là một điều chẳng mấy được quan tâm trong các gia đình Syria ở Lebanon, theo ông Michel Maragel - một nhà nghiên cứu và chuyên gia tâm lý học cho tổ chức phi chính phủ Himaya.

Đây là thời gian để hành động nếu chúng ta muốn ngăn chặn những cảnh đau lòng như một trò chơi không có cái kết cho tương lai. Và giải pháp tối ưu nhất, bền vững nhất vẫn là theo lời một cậu bé Syria 13 tuổi thổn thức chia sẻ tại sân ga Budapest khi cậu và hàng trăm người xin tị nạn bị cảnh sát Hungary chặn lại trên chuyến tàu sang Đức: “Hãy chấm dứt cuộc chiến ở Syria”.

Theo Lao Động