Nhìn từ góc độ lịch sử, cuộc chiến năm 1980 thực ra chỉ là một giai đoạn khác của cuộc xung đột Arab-Ba Tư cổ đại và được thổi bùng lên bởi các tranh chấp biên giới trong thế kỷ 20.
CĂN NGUYÊN CUỘC CHIẾN
Nhiều nhà quan sát cho rằng quyết định đưa quân vào Iran của nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein là một tính toán cá nhân sai lầm. Ông Saddam Hussein lo sợ rằng lãnh đạo phong trào cách mạng mới của Iran sẽ đe dọa sự cân bằng mong manh giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite ở Iraq, đồng thời lợi dụng những điểm yếu địa chiến lược của nước này.
Nguyên nhân dẫn đến chiến tranh Iran-Iraq tương đối rộng, bao gồm cả chia rẽ tôn giáo, tranh chấp biên giới và khác biệt về chính trị, nhưng trên hết Iraq đã phát động cuộc chiến nhằm củng cố quyền lực đang lên của mình trong thế giới Arab và để thay thế Iran trở thành nước thống trị vịnh Ba Tư.
Iraq và Iran đã đụng độ ở khu vực biên giới trong nhiều năm, làm sống lại cuộc tranh chấp con sông Shatt al Arab (người Iran gọi là Arvand Rud) năm 1979. Đây là một con sông quan trọng với ngành xuất khẩu dầu mỏ của cả hai nước. Iraq tuyên bố con sông dài 200 km và kéo dài tới bờ biển Iran là lãnh thổ của mình, trong khi Iran khẳng định rằng theo Thỏa thuận Algiers năm 1975, Iraq đã công nhận biên giới trên Shatt al-Arab chạy dọc theo toàn bộ đường nước lớn là biên giới chính thức của họ.
Trong khi đó, người Iraq coi cuộc cách mạng Hồi giáo Iran là mối đe dọa với họ. Ông Ayatollah Khomeini, người lãnh đạo cuộc Cách mạng Iran 1979, vốn “ngậm trái đắng” sau khi bị trục xuất khỏi Iraq năm 1977 sau 15 năm sống ở An Najaf, đã thề trả thù cho các nạn nhân người Shiite sống dưới chế độ đàn áp của đảng Baath cầm quyền ở Iraq.
Tuy nhiên, Iraq tự tin hơn trước chiến dịch quân sự chống Iran khi Iran gặp nhiều vấn đề: quân đội tan rã, phần lớn quan chức cấp cao nhất đều bị hành quyết; bạo loạn do tranh chấp lao động do chính tình báo Iraq kích động, phong trào nổi dậy ở khu vực người Kurd. Iran thời điểm đó không chỉ thiếu sự lãnh đạo mà lực lượng vũ trang Iran còn thiếu phụ tùng thay thế cho các trang thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất. Các vấn đề này khiến chính phủ của ông Khomeini lâm vào thách thức nghiêm trọng.
Trái lại, lúc đó, người Iraq có thể huy động tới 12 sư đoàn vũ trang đầy đủ những vũ khí tân tiến nhất của Liên Xô. Quân đội Iraq có 190.000 binh sĩ, 2.200 xe tăng và 450 máy bay. Thêm nữa, khu vực bên kia sông Arvand-Roud cũng không gây trở ngại gì lớn cho Iran. Quân đội Iraq lại còn có trang thiết bị vượt sông của Liên Xô.
Các tướng lĩnh Iraq cho rằng khu vực Iran ở bên kia sông Kharkheh và Karoun chỉ được phòng thủ mỏng, không thể đối chọi với các sư đoàn thiết giáp vũ trang tận răng của Iraq. Tình báo Iraq cũng cho biết lực lượng Iran ở Khoizestan trước đây gồm hai sư đoàn nằm ở Ahvaz và Abadan giờ chỉ còn là những đội hình nhỏ cỡ tiểu đoàn, trang bị mỏng. Điều duy nhất người Iraq không chắc chắn là khả năng chiến đấu của không quân Iran vốn có những máy bay tinh vi nhất do Mỹ chế tạo.
Về phần mình, lãnh đạo Ayatollah Ruhollah Khomeini cho rằng người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq, Saudi Arabia và Kuwait có thể đi theo con đường của người Iran là nổi dậy lật đổ chính phủ và cùng lập ra một quốc gia Hồi giáo thống nhất. Ông Khomeini và những nhà cách mạng Hồi giáo Iran khác coi chủ nghĩa thế tục của ông Saddam là "phi Hồi giáo”, là "con rối của quỷ Satan", đồng thời kêu gọi người Iraq lật đổ chế độ của ông Saddam Hussein.
Từ tháng 3/1980, quan hệ giữa hai nước đi xuống nghiêm trọng. Iran đơn phương giáng cấp quan hệ ngoại giao xuống mức đại biện, rút đại sứ về nước và yêu cầu phía Iraq có hành động tương ứng. Căng thẳng dâng cao vào tháng 4/1980, khi xảy ra vụ ám sát hụt Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Iraq Tariq Aziz và 3 ngày sau là vụ đánh bom nhằm vào đoàn tang lễ trên đường đến nghĩa trang mai táng những sinh viên thiệt mạng trong vụ tấn công trước đó.
Iraq đổ lỗi cho Iran đứng sau các vụ việc trên. Ngày 17/9/1980, trong một bài phát biểu trước quốc hội, ông Saddam Hussein nói: "Những hành động thường xuyên và rõ ràng của Iran vi phạm chủ quyền của Iraq... đã khiến cho Hiệp định Algiers 1975 không còn giá trị... Dòng sông Shatt al-Arab phải được trả lại cái tên Arab mà nó đã mang suốt chiều dài lịch sử và Iraq phải được trả lại toàn bộ các quyền chủ quyền đối với dòng sông”.
Ngày 22/9/1980, Iraq đã mở cuộc tấn công toàn diện vào Iran.
Theo: Báo Tin Tức