Cuộc chiến mới về vấn đề Triều Tiên trong quan hệ Trung - Mỹ

VietTimes -- Chính sách Triều Tiên của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump nghiêng hẳn về trừng phạt Triều Tiên và gây sức ép với Trung Quốc. Dự báo, giữa hai bên sẽ diễn ra một cuộc chiến mới xung quanh vấn đề Triều Tiên cũng như các vấn đề an ninh khu vực khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Independent
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Independent

Donald Trump: Trung Quốc không hỗ trợ thì Mỹ tự hành động
Tờ Người quan sát (Trung Quốc) ngày 4/4 cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 trả lời phỏng vấn tờ Financial Times (Anh), tuyên bố: "Trung Quốc có ảnh hưởng to lớn đối với Triều Tiên. Nếu Trung Quốc giúp chúng tôi, đây sẽ là việc tốt đối với  họ. Nhưng nếu họ không giúp chúng tôi thì không ai được lợi gì".
Khi được hỏi về phản ứng của Mỹ về việc Trung Quốc gây sức ép lên Triều Tiên, ông Donald Trump cho biết: "Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên thì chúng tôi sẽ tự giải quyết. Đây là toàn bộ những gì tôi có thể nói với bạn".
Ông Donald Trump cho biết, vấn đề thương mại  là một trong những yếu tố thúc đẩy Trung Quốc và Mỹ hợp tác. Nhưng, trong trường hợp không có sự hỗ trợ của Trung Quốc, Mỹ có thể "hoàn toàn" xử lý vấn đề Triều Tiên.
Khi được hỏi về cách thức xử lý vấn đề Triều Tiên, ông Donald Trump nói: "Tôi không có ý định cho bạn biết. Bạn biết rằng, Mỹ hiện nay không phải là Mỹ trước đây. Trước đây, hành động của chúng tôi ở Trung Đông như thế nào đều nói hết cho báo chí".
Được biết, từ ngày 6 - 7/4/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến một khu nghỉ dưỡng ở bang Florida để gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Cố vấn an ninh quốc gia của ông Donald Trump đã hoàn thành đánh giá tình hình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và đưa ra các biện pháp ứng phó của Mỹ, bao gồm kinh tế và quân sự. Quan chức này cho hay chính sách Triều Tiên của Mỹ nghiêng hẳn về trừng phạt Triều Tiên và gây sức ép với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Washington Times
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Washington Times

Mặc dù hành động quân sự "đánh đòn phủ đầu" đối với Triều Tiên vẫn nằm trong phạm vi xem xét của Mỹ, nhưng bản đánh giá đặt phương án có rủi ro tương đối thấp lên vị trí ưu tiên, đồng thời "không nhấn mạnh hành động quân sự trực tiếp" - quan chức này nói.
Tờ Washington Post ngày 2/4 cho rằng, mặc dù Trung Quốc cung cấp hỗ trợ ngoại giao và kinh tế cho Triều Tiên, nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với ông Kim Jong-ul và Triều Tiên là có hạn.
Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, quan hệ Mỹ - Trung đối mặt với tính không xác định. Trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump chỉ trích cạnh tranh "không công bằng" của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, đồng thời đe dọa sẽ đánh thuế nặng lên hàng hóa Trung Quốc.
Nhưng, trong cuộc phỏng vấn của tờ Financial Times Anh, ông Donald Trump cho biết: "Tôi tạm thời còn chưa muốn nói về vấn đề thuế, có thể nói đến khi chúng ta gặp nhau lần tiếp theo".
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cũng gây sức ép với Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc có lập trường kiên định hơn trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. "Họ cần thể hiện rốt cuộc họ quan tâm đến việc này ở mức nào. Họ phải gây sức ép với Triều Tiên. Trung Quốc là nước duy nhất có thể ngăn chặn Triều Tiên. Người Trung Quốc cũng biết điểm này" - bà Nikki Haley nói trong chương trình "Tuần này" của hãng tin ABC Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc sẽ có giao dịch lớn?
Đài VOA Mỹ ngày 4/4 cho hay trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra phát biểu cứng rắn nhưng mơ hồ về vấn đề Triều Tiên, gây ra nhiều phỏng đoán cho dư luận.
Có người cảm thấy ông Donald Trump đang tìm cách thay đổi to lớn về chính sách hoặc thúc đẩy đạt được một giao dịch lớn với Bắc Kinh, hoặc phát động một cuộc chiến tranh "đánh đòn phủ đầu".
Dự tính, trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình sắp tới, một vấn đề thảo luận trọng điểm là làm thế nào để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên và ngăn chặn chính quyền Kim Jong-ul nghiên cứu chế tạo ra tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lắp đầu đạn hạt nhân và có thể bắn tới Mỹ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul. Ảnh: Mirror
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul. Ảnh: Mirror

Gần đây, phía Mỹ cho biết Mỹ sẽ tiếp tục coi trừng phạt kinh tế là sự lựa chọn hàng đầu để gây sức ép với Bình Nhưỡng, làm cho họ thay đổi hành vi, từ bỏ tham vọng hạt nhân, đổi lấy viện trợ kinh tế và bảo đảm an ninh.
Một hội nghị gần đây về an ninh quốc gia của Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của trừng phạt và gây sức ép lên Bắc Kinh, cách làm là tấn công nhiều hơn các ngân hàng và công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên.
Trong cuộc gặp sắp tới, lãnh đạo hai nước sẽ còn thảo luận các vấn đề khác như các hành động quân sự "hung hăng" của Trung Quốc ở Biển Đông và vấn đề giảm mất cân bằng thương mại Trung - Mỹ. Vấn đề mất cân bằng thương mại luôn là vấn đề quan trọng trong thời gian tranh cử của ông Donald Trump.
Có người dự đoán, ông Donald Trump sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận với ông Tập Cận Bình trên nhiều phương diện, bao gồm thương mại và an ninh khu vực.
Vấn đề là Washington có đưa ra nhượng bộ đủ lớn với Bắc Kinh hay không, từ đó làm thay đổi căn bản trong quan hệ với tầng lớp lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Điều đáng lưu ý là, Washington có thể "bày tỏ lập trường ủng hộ ở mức độ nào đó đối với yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở Biển Đông và lập trường Đài Loan của Trung Quốc", không tiếp tục phê phán nhân quyền Trung Quốc, từ đó khuyến khích Trung Quốc áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên.
Ngoài ra, ông Donald Trump có thể ủng hộ dùng vũ lực để giải quyết "mối đe dọa" Triều Tiên. Một chuyên gia phân tích cho rằng, để duy trì an ninh của Mỹ, phát động tấn công quân sự đánh đòn phủ đầu đối với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên là rủi ro có thể chấp nhận được.
Bởi vì, hành động này không giống như chiến tranh, mà giống như sự đáp trả tương đối hợp lý đối với một mối đe dọa. Nhưng, điều này lại gây ra "thách thức rất lớn" cho Triều Tiên.
Ở Hàn Quốc và Nhật Bản có rất nhiều người cho rằng triển khai hành động quân sự đánh đòn phủ đầu đối với Triều Tiên sẽ không thể xóa bỏ được mối đe dọa hạt nhân, bởi vì rất nhiều cơ sở vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên được đặt dưới lòng đất.

Ngày 23/6/2016, Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Ảnh: Sina
Ngày 23/6/2016, Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Ảnh: Sina

Cuộc chiến mới
Nhà nghiên cứu Thời Ân Hoằng, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, ông Donald Trump đưa ra những phát biểu cứng rắn trước cuộc gặp ông Tập Cận Bình là nhằm đạt được hai mục đích: Một là răn đe Triều Tiên. Hai là gây sức ép đối với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh hoàn toàn cắt đứt quan hệ cung ứng (kinh tế) với Bình Nhưỡng.
Theo Thời Ân Hoằng, nếu Bắc Kinh cắt đứt quan hệ cung ứng với Bình Nhưỡng thì sẽ “được không bằng mất”. Bởi vì điều này không chỉ làm cho Trung Quốc hoàn toàn mất đi vai trò ảnh hưởng đối với Triều Tiên, mà còn làm cho Triều Tiên coi Trung Quốc là kẻ thù.
Đây sẽ là một sai lầm quan trọng mang tính lịch sử. Bắc Kinh rất ít có khả năng phạm phải sai lầm này – Thời Ân Hoằng nói.
Đối với Triều Tiên, Bắc Kinh có khả năng sẽ không có hành động “thiếu suy nghĩ” sau lời cảnh cáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính sách Triều Tiên của Bắc Kinh vẫn kết hợp giữa cứng rắn và mềm mỏng.
Đối với ông Donald Trump, Triều Tiên có thể không nằm trong danh sách “di sản chính trị” của ông, nhưng làm thế nào để ứng phó “mối đe dọa” Triều Tiên sẽ trở thành cuộc đấu mới giữa Trung Quốc và Mỹ.