Mặc dù sau đó hải quân Trung Quốc sau đó đã trao trả lại tàu lặn không người lái (UUV) cho Mỹ, nhưng vụ này vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Với hành động bị xem là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), The Diplomat cho rằng Bắc Kinh muốn áp đặt những giới hạn lên các hoạt động giám sát của Mỹ ở Biển Đông, khu vực Trung Quốc muốn biến hoàn toàn thành "ao nhà" của họ.
Nhân vụ thu giữ tàu lặn không người lái, phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ ngừng các hoạt động do thám ở vùng Biển Đông, mặc dù UNCLOS cho phép những hoạt động này. Ngoài việc biện minh cho việc thu giữ tàu lặn không người lái của Mỹ, báo chí chính thống Trung Quốc đã nêu lên nguy cơ các tàu lặn này thu thập không chỉ tin tình báo về các tàu ngầm Trung Quốc, mà cả những thông tin đáng giá hơn, bởi vì các tàu lặn không người lái của Mỹ tối tân hơn.
Vụ nói trên xảy ra vào lúc cả quân đội Mỹ lẫn quân đội Trung Quốc đang sử dụng ngày càng nhiều các phương tiện không người lái ở Biển Đông cũng như ở vùng Biển Hoa Đông.
Theo The Diplomat, quân đội Mỹ vẫn thường sử dụng các tàu lặn không người lái để thu thập các dữ liệu về đại dương. Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng, Mỹ tiến hành ngày càng nhiều chuyến bay do thám với các máy bay không người lái (UAV), như Global Hawk trên vùng biển này. Đã có thông tin là Trung Quốc nhiều lần tìm cách gây nhiễu sóng điện tử các máy bay Global Hawk của Mỹ.
Về phần mình, quân đội Trung Quốc cũng đã mở rộng việc sử dụng các hệ thống không người lái, không chỉ nhằm do thám mà còn nhằm thiết lập một sự hiện diện thường trực ở các vùng biển đang có tranh chấp với các nước láng giềng. Ngoài việc đưa máy bay không người lái vào cơ cấu lực lượng, quân đội Trung Quốc còn triển khai một số tàu lặn không người lái và đang nỗ lực phát triển tàu mặt nước không người lái (USV)
Hạm đội Nam Hải và Hạm đội Đông Hải của hải quân Trung Quốc hiện nay có nhiều đơn vị với máy bay không người lái, và dường như đã nhiều lần tham gia tuần tra ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Cũng theo The Diplomat, gần đây Trung Quốc đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc phát triển các máy bay không người lái tối tân hơn, kể cả với khả năng tàng hình khó bị radar phát hiện.