Cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ phô diễn uy lực ở Biển Đông

Cụm tàu mà Mỹ điều đến Biển Đông gồm các tàu sân bay, khu trục và tuần dương có uy lực mạnh mẽ, được cho là nhằm gửi thông điệp về tự do hàng hải đến Trung Quốc và khu vực.
Cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ phô diễn uy lực ở Biển Đông

Theo thông cáo của Hạm đội 7 hải quân Mỹ, tàu sân bay John S. Stennis, cùng các tàu khu trục Chung-Hoon và Stockdale, tàu tuần dương Mobile Bay và tàu hậu cần Rainier đã hoạt động ở khu vực phía đông Biển Đông kể từ ngày 1/3, sau khi đi qua eo biển Luzon giữa Philippines và Đài Loan. Động thái của Mỹ diễn ra sau khi Trung Quốc bị tố triển khai tên lửa, chiến đấu cơ và radar ra Biển Đông. Ảnh: US Navy

USS John C. Stennis là tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz, được đưa vào hoạt động từ năm 1995. Tàu có thể đạt tốc độ hơn 30 hải lý, sức chứa 90 máy bay và trực thăng. Stennis có hệ thống tên lửa phòng không của NATO RIM-7 Sea Sparrow và Rolling Air, hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx, và hệ thống tác chiến điện tử SLQ-32. Ảnh: US Navy

Nhiệm vụ của Stennis và không đoàn (CVW-9) là duy trì hoạt động không chiến khi triển khai trên toàn cầu. Không đoàn gồm 8-9 phi đội, với máy bay hải quân và thủy quân lục chiến F/A-18 Hornet, EA-6B Prowler, MH-60R, MH-60S, và E-2C Hawkeye. Không đoàn có thể tấn công máy bay, tàu ngầm, mục tiêu mặt đất của địch, hoặc đặt mìn ở khoảng cách cách tàu hàng trăm km. Máy bay của Stennis được sử dụng để tấn công, hỗ trợ mặt đất, bảo vệ hoặc vận chuyển nhóm tác chiến và hàng hóa, phong tỏa đường biển hoặc đường hàng không. Ảnh: US Navy

USS Chung-Hoon (DDG-93) là tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, biên chế năm 2004. Tàu có lượng giãn nước khoảng 9.200 tấn, tốc độ 30 hải lý. Ảnh: US Navy

USS Chung-Hoon được trang bị tên lửa đất đối không tiêu chuẩn tầm trung (SM-2MR), giàn phóng tên lửa thẳng đứng Mk41, tên lửa Tomahawk, ngư lôi Mk-46, tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC và hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx CIWS. Ảnh: US Navy

 

USS Stockdale cũng là tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, được biên chế từ năm 2009 với trang bị tương đối giống tàu Chung-Hoon. Tàu này từng cập cảng Subic, Philippines vào năm 2013, trong hành trình kéo dài 9 tháng đến Tây Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy

USS Mobile Bay là tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga, được biên chế năm 1987, lượng giãn nước 9.700 tấn, tốc độ 32,5 hải lý. Với tên lửa và pháo bắn nhanh, Mobile Bay có khả năng đánh bại mối đe dọa trên không, trên biển, trên bờ và dưới biển. Ảnh: US Navy

Mobile Bay mang tên lửa tấn công đất liền Tomahawk và từng tấn công vào các mục tiêu Iraq khi Mỹ can thiệp quân sự vào nước này năm 2003. Mobile Bay cũng mang hai trực thăng đa năng Seahawk LAMPS, chủ yếu để tác chiến chống ngầm. Ảnh: Navy Source

Tàu hậu cần USNS Rainier có lượng giãn nước 48.800 tấn và tốc độ 26 hải lý, đủ để theo kịp với cụm tàu sân bay chiến đấu. Tàu chở nhiên liệu, đạn dược và đồ dự trữ để phân phối số hàng này cho cụm tàu. Ảnh: US Navy

Trong ảnh, tàu USNS Rainier (giữa) đồng thời tiếp liệu cho một tàu sân bay lớp Nimitz và một tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Ảnh: US Navy 

Theo Navy Times, giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ điều cụm tàu đến Biển Đông là một tín hiệu rõ ràng cho Trung Quốc và khu vực. "Rõ ràng là hải quân và Bộ Quốc phòng Mỹ đang thể hiện cam kết đầy đủ với sự hiện diện và tự do hàng hải trong khu vực", Jerry Hendrix, một quan chức hải quân đã nghỉ hưu và hiện là nhà phân tích thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ ở Washington, DC, bình luận. "Với cụm tàu sân bay tấn công, hải quân đang cho thấy phạm vi quan tâm và khả năng hiện diện, phô diễn quyền lực trên thế giới".

Theo VnExpress