Coca-Cola Việt Nam có xứng với “deal” tỉ đô?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thương vụ đầu tư vào Coca-Cola Việt Nam có thể xem như là lời khẳng định cho chiến lược ‘xoay trục’ của Swire Pacific với 3 lĩnh vực cốt lõi: bất động sản, đồ uống và hàng không.

“Swire Pacific returns to profitability in 2021”, tạm dịch là: “Swire Pacific đã có lãi trở lại trong năm 2021”, thành viên của Swire Group nhấn mạnh như vậy trong thông cáo phát đi vào tháng 3/2022.

Năm 2021, Swire Pacific báo lãi 5,3 tỉ HKD, trong khi cùng kỳ năm 2020, công ty này lỗ tới 3,9 tỉ HKD do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

‘Gượng dậy’ sau đại dịch, ban lãnh đạo Swire Pacific – đứng đầu là Chủ tịch HĐQT Guy Bradley - cũng vạch ra chiến lược phát triển mới, thoái vốn khỏi lĩnh vực hàng hải để tập trung vào 3 mảng cốt lõi, bao gồm: Bất động sản, Đồ uống và Hàng không.

Bên cạnh Trung Quốc, đáng chú ý, Swire Pacific cũng nhắm tới Đông Nam Á – nơi mà Việt Nam đang nổi lên là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh bậc nhất, với cơ cấu dân số trẻ cùng tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng.

Khá thú vị nếu biết rằng, Việt Nam đã và đang trở thành ‘cứ điểm’ của nhiều khoản đầu tư của Swire Pacific.

Như VietTimes từng đề cập, liên tiếp trong các năm 2020 và 2021, Swire Properties – công ty mà Swire Pacific là cổ đông lớn nhất – đã có những khoản đầu tư đáng chú ý vào The River và Empire City - các dự án bất động sản phân khúc cao cấp tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Tp. HCM).

Gần nhất, Swire Coca-Cola Limited – công ty con của Swire Pacific – đã đạt được thoả thuận mua lại các công ty con của Coca-Cola ở Việt Nam và Campuchia, trong một thương vụ có giá trị lên tới 1,015 tỉ USD.

Coca-cola Việt Nam làm ăn thế nào?

Dữ liệu mà Swire Pacific trích dẫn trong bản công bố thông tin gửi Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông thể hiện, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam) có quy mô tài sản ròng và kết quả kinh doanh vượt trội so với thành viên của Coca-Cola ở Campuchia.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, tài sản ròng của Coca-Cola Việt Nam đạt mức 381,5 triệu USD (8.774 tỉ đồng) trong khi chỉ tiêu này của Coca-Cola Campuchia chỉ ở mức 64,4 triệu USD (1.481,2 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, Coca-Cola Việt Nam báo lãi sau thuế năm 2021 lên tới 32 triệu USD (736 tỉ đồng), cao gấp 8,4 lần so với doanh nghiệp bên Campuchia, dù có chiều hướng giảm so với kết quả kinh doanh ghi nhận năm 2020.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, Coca-Cola hiện có 3 nhà máy tại Việt Nam, đặt tại Tp. HCM, Đà Nẵng và Hà Nội.

Dù là một trong những thương hiệu nước ngoài lập nhà máy ở Việt Nam từ khá sớm, song phải sau 20 năm lỗ ròng triền miên, Coca-Cola Việt Nam mới lần đầu tiên báo lãi. Cụ thể là khoản lãi 150 tỉ đồng được ghi nhận vào năm 2013.

Hai năm sau đó, tới năm 2015, Coca-Cola Việt Nam mới lần đầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi ấy, theo dữ liệu của VietTimes, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Coca-Cola Việt Nam lần lượt ở mức 6.821 tỉ đồng và 558 tỉ đồng, tương ứng với tỉ suất lợi nhuận ở mức 8,1%. Tới cuối năm 2015, Coca-Cola Việt Nam vẫn còn lỗ luỹ kế tới 3.178 tỉ đồng.

Tuy vậy, trong giai đoạn 2013 – 2016, Coca-Cola Việt Nam vẫn thực hiện gói đầu tư mở rộng, nâng cấp thiết bị có trị giá 300 triệu USD.

Sau giai đoạn này, doanh thu thuần của Coca-Cola Việt Nam ghi nhận mạch tăng trưởng trong 3 năm liên tiếp, đạt tới 9.297 tỉ đồng vào năm 2019. Công ty này cũng ghi nhận tổng cộng 1.588 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 2017 – 2019.

Dữ liệu của Viet Times cho thấy, mạch tăng trưởng doanh thu thuần của Coca-Cola Việt Nam dừng lại vào năm 2020, khi chỉ tiêu này chỉ đạt 7.998 tỉ đồng, giảm 1.299 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, 2020 cũng là năm Coca-Cola Việt Nam báo lãi cao nhất kể từ năm 2013, với khoản lợi nhuận sau thuế lên tới 839 tỉ đồng.

Nếu cộng dồn với khoản lỗ luỹ kế tại thời điểm cuối năm 2019 (âm 1.090 tỉ đồng), tính đến cuối năm 2020, Coca-Cola Việt Nam khả năng chỉ còn lỗ luỹ kế hơn 251 tỉ đồng.

Và với khoản lãi 736 tỉ đồng trong năm 2021 mà Swire Pacific cho biết, Coca-Cola Việt Nam có thể đã không còn lỗ luỹ kế.

Nên biết, Coca-Cola Việt Nam từng bị Tổng cục Thuế phạt và truy thu thuế với tổng số tiền lên tới 821 tỉ đồng. Hồi tháng 12/2015, Cục thuế TP. HCM cũng từng đề xuất Tổng cục thuế tiến hành thanh tra hoạt động chuyển giá đối với Coca-Cola Việt Nam.

Vừa hết lỗ luỹ kế, Coca-Cola Việt Nam được Coca-Cola đem bán cho đối tác thân thiết Swire Pacific?

Vừa hết lỗ luỹ kế, Coca-Cola Việt Nam được Coca-Cola đem bán cho đối tác thân thiết Swire Pacific?

Lãi mỏng như Coca-Cola Việt Nam

So với các đối thủ cùng ngành, kết quả kinh doanh của Coca-Cola Việt Nam có phần khiêm tốn so với sự vươn lên của các doanh nghiệp nội như Tân Hiệp Phát, Masan, đặc biệt là so với Suntory PepsiCo – một trong những doanh nghiệp FDI được cho là đang thống lĩnh thị trường đồ uống tại Việt Nam.

Xét riêng năm 2020, khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đồ uống đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Suntory PepsiCo vẫn ghi nhận doanh thu hơn 17.250 tỉ đồng, bằng doanh thu của cả Coca-Cola Việt Nam và Tân Hiệp Phát cộng lại.

Lưu ý rằng, sau nhiều năm hoạt động, lợi nhuận của Coca-Cola Việt Nam chưa từng cán mốc nghìn tỉ đồng, trong khi Suntory PepsiCo và Tân Hiệp Phát đều vượt mốc này. Thậm chí, trong năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Tân Hiệp Phát còn đạt gần 3.000 tỉ đồng, vượt xa mức lợi nhuận 812 tỉ đồng của Coca-Cola Việt Nam, dù cả hai doanh nghiệp này có quy mô doanh thu tương đương nhau.

Theo dữ liệu của VietTimes, tính đến tháng 12/2021, Coca-Cola Việt Nam vẫn do Coca-Cola Indochina Pte. Ltd sở hữu 100% cổ phần. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này là ông Peeyush Sharma (SN 1978)./.