Báo chí Trung Quốc dẫn lời thị trưởng cái gọi là "thành phố Tam Sa" của Trung Quốc nói hồi tuần trước rằng chính quyền Trung Quốc sẽ bắt đầu chuẩn bị lập một trạm quan trắc môi trường tại bãi cạn Scarborough, cách đảo Luzon của Philipplines 230 km.
Ông Euan Graham, giám đốc an ninh quốc tế của Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney (Úc) nói: "Nếu Trung Quốc trắng trợn bắt đầu tiến hành bồi đắp, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ rất khó khăn cho ông Duterte. Và tôi nghĩ công luận sẽ bắt đầu xoay chiều ở Philippines".
Ông Duterte hôm 21/3 thừa nhận qua trang web của văn phòng tổng thống rằng ông "không thể chặn đứng Trung Quốc" tại bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Tư pháp Philippines cho biết họ sẽ phản đối Trung Quốc về ý định của nước này liên quan tới việc xây dựng tại bãi cạn Scarborough.
Ông Carl Baker, giám đốc về các chương trình thuộc tổ chức tư vấn Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS ở Honolulu nói: “Dường như những người chỉ trích đang gia tăng áp lực đòi ông Duterte phải mạnh mẽ khi phản ứng với Trung Quốc".
Một số nhà phân tích nói việc Trung Quốc bật đèn xanh đối với công trình hoặc làn sóng phản đối ông Duterte ở Philippine có thể thúc đẩy nước này quay lại tìm kiếm sự trợ giúp từ Mỹ, vốn là đồng minh quân sự lâu đời của Philippines.
Người tiền nhiệm của ông Duterte là Benigno Aquino đã dựa vào Mỹ về trợ giúp quân sự, kể cả các cuộc tuần tra hàng hải chung sau năm 2014. Ông Duterte, người lớn tiếng chống các ảnh hưởng của Mỹ ở Philippines, đã hủy bỏ những cuộc tuần tra đó, nhưng ông lại tỏ ra hòa hoãn với tổng thống Donald Trump kể từ ông Trump nhậm chức.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng tuyên bố trước khi ông được chính thức phê chuẩn rằng Trung Quốc cần phải bị ngăn chặn tiếp cận các đảo nhân tạo đã xây dựng phi pháp ở Biển Đông Bắc Kinh rất bất bình.