Nguyễn Ngọc Thanh Tâm, cô tân cử nhân ngành Thiết kế (Truyền thống số), chia sẻ rằng ban đầu cô định làm một quyển sách thiếu nhi để tri ân văn hóa Việt, nhưng lại chuyển ý tưởng ấy thành một bộ trò chơi, và sau 13 tuần lên ý tưởng, sắp xếp và thiết kế, bộ trò chơi Tết Ta Mua đã ra đời.
Cô bạn chia sẻ: “Ban đầu tôi định làm một dự án ý nghĩa liên quan đến văn hóa Việt, rồi nghĩ đến một cuốn sách cho thiếu nhi nhân dịp Tết, nhưng cuối cùng tôi nhận thấy trò chơi là thứ có thể giúp cả gia đình quây quần bên nhau”.
Sau khi tìm hiểu, Tâm không chỉ học được cách thiết kế bộ trò chơi cả nhà đều có thể tham gia, mà còn hiểu về lịch sử của Tết cổ truyền nhằm bảo đảm rằng trò chơi sẽ có ý nghĩa và hợp với mọi người. Sau đó, Tâm đã đưa những kiến thức từng học, từ thiết kế nhận dạng thương hiệu, thiết kế đồ họa và bố trí màu sắc, vào quá trình sáng tạo ra trò chơi.
“Tết truyền thống của người Việt hiện nay không còn những giá trị văn hóa như trước đây. Do đó, tôi hy vọng cả người lớn và trẻ em có thể học hỏi về những giá trị văn hóa Việt Nam qua trò chơi, và trẻ nhỏ sẽ có thể học hỏi từ những người lớn hơn”, Tâm chia sẻ thêm.
Được thiết kế từ những bức tranh tô màu nước tinh tế, trò chơi cho những người chơi cảm giác thích thú khi tìm hiểu về danh mục những đồ vật, thức ăn, câu chúc và việc cần làm trước cũng như trong dịp Tết tại Việt Nam, như mua bánh chưng và bánh tét, nhận tiền mừng tuổi và thưởng thức không khí gia đình đoàn viên.
Trò chơi mang người chơi đến gần nhau hơn qua việc vui đón và trân quý nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam, đồng thời dạy cho trẻ em biết về Tết nhiều hơn.
Bộ trò chơi Tết Ta Mua được thiết kế bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, nhắm đến những người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam cũng như những gia đình Việt đang cư ngụ ở nước ngoài.
Hiện tại, cô cử nhân RMIT muốn nhân bản trò chơi và hy vọng các gia đình sẽ xem đây là “món ăn tinh thần” trong những ngày đoàn tụ.