Ủy ban đánh giá về Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung của Quốc hội Mỹ điểm lại các diễn biến kể từ khi Mỹ thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á, khẳng định Trung Quốc liên tục có các hoạt động bồi đắp trái phép nhiều đảo nhân tạo, và xây dựng các công trình kiên cố như sân bay, tại khu vực đang có tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia láng giềng.
Trong vòng 18 tháng, kể từ tháng 12/2013, chính quyền Trung Quốc tuyên bố đã mở rộng trái phép diện tích các đảo nhân tạo tại Biển Đông thêm 3.200 mẫu Anh (tương đương gần 13 km²). Báo cáo của Ủy ban Quốc hội Mỹ dẫn lời giáo sư John McManus, Đại học Miami, theo đó các hoạt động xây dựng đã tàn phá khoảng 40 km² san hô tại khu vực này.
Tại nhiều khu vực chiếm đóng tại Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố lập các đặc khu, mà Ủy ban Quốc hội Mỹ đánh giá là «một qui chế hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế», và thường xuyên ngăn cản các hoạt động của tàu chiến và máy bay Mỹ. Báo cáo của Ủy ban cũng nhắc đến việc Trung Quốc «tổ chức nhiều cuộc tập trận tại khu vực tranh chấp, được truyền thông quảng bá rầm rộ», đặc biệt là cuộc tập trận vào tháng 6/2016.
Theo Ủy ban đánh giá về Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung của Quốc hội Mỹ, Trung Quốc đã vi phạm nhiều cam kết DOC - Tuyên bố về Ứng sử của các Bên ở Biển Đông, mà Bắc Kinh và các nước ASEAN ký kết năm 2002, «yêu cầu các bên kiềm chế» trong các đòi hỏi chủ quyền tại các vùng lãnh thổ tranh chấp. Bắc Kinh cũng đồng thời không chấp nhận phán quyết về Biển Đông mới đây của Tòa Trọng tài Thường trực, thuộc Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), một định chế quốc tế có thẩm quyền trong lĩnh vực này.
Ủy ban Quốc hội Mỹ cũng nhắc lại việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa hẹn công khai sẽ không ‘quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông» , lời hứa được đưa ra tại Washington vào tháng 9/2015. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc lại ráo riết đẩy nhanh việc bồi lấp, xây dựng trái phép đảo nhân tạo và triển khai các cơ sở phục vụ quân sự tại khu vực này.