Theo văn bản số 29/QĐ-SGDHCM (ngày 6/2), cổ phiếu của VietJet Air được chấp thuận niêm yết tại HOSE với số lượng 300 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000đ/cp, tổng giá trị cổ phiếu là 3 nghìn tỷ đồng với mã chứng khoán là VJC. Mức giá và thời gian chào sàn hiện chưa được công bố.
Trước đó, như VietTimes đã đưa tin, ĐHĐCĐ của VietJet Air đã thông qua phương án phát hành hơn 22,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương với 7,46% cổ phần lưu hành) cho nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (Hướng Dương Sunny - MST: 0314092837) với mức giá 84.600/cổ phiếu. Dự kiến số tiền VietJet Air thu về từ thương vụ này là hơn 1.894 tỷ đồng. Toàn bộ cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất phát hành. Đáng chú ý, Hướng Dương Sunny là một doanh nghiệp khá “non trẻ”, công ty này chỉ vừa mới thành lập tháng 11/2016 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Đặc biệt, chủ sở hữu của Hướng Dương Sunny, không phải ai khác, chính là “nữ tướng” của VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo.
Bên cạnh đó, tuy VietJet Air đã được HOSE chấp thuận hồ sơ đăng là công ty đại chúng từ 20/1/2017 nhưng việc tìm kiếm thông tin liên quan đến công ty này là tương đối khó khăn. Truy cập vào website chính thức của VietJet Air, báo cáo kết quả kinh doanh của công ty chỉ được cập nhật năm 2015 và không hề có các báo cáo tài chính các năm để các NĐT tham khảo. Mọi thông tin liên quan đến từ công ty này đều được “rò rỉ” từ các trang tin, báo nước ngoài. Mới đây nhất, theo Reuters, VietJet Air vừa bán 44,8 triệu cổ phiếu cho các NĐT tổ chức với giá 84.600 đồng và 3,5 triệu cổ phiếu cho các NĐT cá nhân với giá 86.500 đồng/cổ phiếu.
Với mức giá phát hành và chuyển nhượng cổ phần như vậy, có thể thấy, mức giá chào sàn của VietJet Air khi lên sàn nhiều khả năng ở ở mức 60.000-80.000đ/cổ phiếu.
Trao đổi với VietTimes, anh T.A , một NĐT lâu năm trên TTCK cho rằng, quá trình IPO và lên sàn của VietJet khá chuyên nghiệp. Giá cổ phiếu mà công ty này bán cho các NĐT,“đối tác” cũng như các NĐT được là “khá hời”. Đây là mức giá cao hơn so với giá trị thực của VietJet Air. Nên nhớ, một cổ phiếu hàng đầu trong ngành hàng không là VietNam Airline cũng đang được thị trường đánh giá khoảng 30.000đ – 40.000đ/cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch ngày 7/2/2017, giá cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giao dịch trên UPCOM ở mức 38.500đ/cổ phiếu.
Cách đây gần một năm, tháng 3/2016, giới tài chính từng xôn xao trước thông tin Việt Nam sắp có nữ tỷ phú USD tự thân đầu tiên. Theo Bloomber, sau khi hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam (VietJet Air) thực hiện IPO, bà chủ Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ có tài sản ròng vượt 1 tỷ USD, để sẵn sàng trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của không chỉ của Việt Nam mà còn là cả Đông Nam Á. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là "chiêu trò" PR cho kế hoạch IPO road show của VietJet Air.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng từng chứng kiến có những ông chủ trở thành tỷ phú USD nhờ cổ phiếu tăng giá. Chào sàn 1/9/2016, cổ phiếu ROS (Công ty CP Xây dựng FLC Faros) có những bước tăng trưởng thần kỳ từ 12.500đ/cp (giá chào sàn ) lên mức 134.100đ/cp (ngày 8/2/2017), đưa ông Trịnh Văn Quyết thành tỷ phú USD thứ hai của Việt Nam.
Nhưng theo công bố mới nhất trong năm 2017 của Tạp chí Forbes, Việt Nam vẫn chỉ có duy nhất 1 tỷ phú USD duy nhất là ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.