Cô gái nhảy cửa sổ xe tử vong, tại sao ngành chuyển nhà tại Trung Quốc lại hỗn loạn như vậy?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đối với những người trẻ tuổi, việc lập nghiệp ở một thành phố lớn không hề dễ dàng, đừng để nỗi lo chuyển nhà chở thành ác mộng của họ.
Ảnh: Sohu
Ảnh: Sohu

1. Cô gái trẻ nhảy khỏi cửa sổ xe tải dịch vụ chuyển nhà và qua đời

Tối 21/2, thông tin một cô gái đã nhảy khỏi cửa sổ xe tải Huolala và tử vong lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.

Theo thông tin được biết, cô gái này tên Xa Sa Sa, 23 tuổi, đang nộp đơn xin việc vào một công ty ở Hồ Nam. Sự việc xảy ra vào 9 giờ tối ngày 6/2, Xa Sa Sa đã đặt dịch vụ chuyển nhà trọn gói thông qua công ty vận chuyển Huolala. Sau khi cô lên xe tải cùng với tài xế đến nơi cần dọn đến 6 phút, thì tài xế bất ngờ gọi về cho công ty báo rằng, khách hàng trên xe đã nhảy ra ngoài cửa sổ tự tử. Xa Sa Sa lúc đó cũng được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị thương rất nghiêm trọng. Sau 4 ngày chữa trị, cô gái cuối cùng không may qua đời vào ngày 10/2.

Dựa theo thông tin mà cảnh sát có được từ gia đình của cô Xa, họ cho rằng trước khi xảy ra bi kịch, tài xế đã không đi đúng đường như trên bản đồ. Tại đồn cảnh sát, tài xế cũng nghi ngờ rằng cô gái kích động vì tài xế đã đi sai đường, mặc dù anh vẫn không hiểu lý do tại sao cô Xa lại như thế.

Như chúng ta đều biết, cửa sổ xe không lớn, rất khó đẩy người ra, hơn nữa tự mình nhảy ra ngoài là chuyện đặc biệt kỳ lạ, hiện cảnh sát vẫn chưa công bố kết quả điều tra.

Dịch vụ chuyển nhà không còn xa lạ đối với người lao động ở các thành phố lớn, dân số tập trung ở các thành phố đã làm phát sinh nhiều nhu cầu khác nhau về ăn, mặc, nhà ở và phương tiện đi lại.

Trong ký ức của mỗi người công nhân, việc thuê nhà và chuyển nhà chưa bao giờ là một việc dễ dàng, từ một, hai chiếc vali ban đầu cho đến việc chuyển đủ thứ đồ lỉnh kỉnh và bốc lên xe tốn rất nhiều công sức. Chi phí vận chuyển cao ngất trời, và tình trạng quấy rối tình dục không phải là hiện tượng xa lạ.

Rõ ràng, ngành công nghiệp chuyển nhà đã cản trở nghiêm trọng sự phát triển lành mạnh của thị trường do nguồn cung hỗn loạn, giá cả không ổn định, dây chuyền bất thường và thái độ phục vụ kém.

2. Dịch vụ vận chuyển dọn nhà với quy mô thị trường 100 tỉ

Vào tháng 8/2020, ca sĩ kiêm nhà văn Wu Hongfei bị cuốn vào một sự việc liên quan đến chi phí chuyển nhà cao ngất ngưởng.

Nguyên nhân là do Wu Hongfei đã liên hệ với công ty vận chuyển Beijing Sifang Brothers, ngoài thỏa thuận miệng qua điện thoại, hai bên còn xác nhận thông tin thu phí trên WeChat.

Wu Hongfei cho biết quãng đường cần di chuyển khoảng 30 km, theo thỏa thuận mọi chi phí phải cộng lại từ 1.500 đến 2.000 tệ (~5.4 - 7.1 triệu VND), nhưng trong đêm di chuyển, tổng hóa đơn mà Sifang Brothers xuất ra lên tới hơn 18.000 tệ (~64 triệu VND).

Mức giá này khiến phần lớn cư dân mạng bức xúc. Tại Quảng Châu, một cư dân mạng cũng đã xác nhận trước các điều kiện khác nhau với công ty chuyển nhà, không ngờ sau đó, họ lại đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau. Giá cả trên trời, điều kiện vô lý và các khoản phụ phí bất cập.

Sau khi hàng được bốc lên xe, người này mới biết công ty vận chuyển chỉ trả hàng đến điểm cách tòa nhà mới 100 mét và mức giá tăng gấp gấp đôi. Anh này đã liên hệ với công ty chuyển nhà nhiều lần. Bên kia tuyên bố rằng công ty không có quy định này và người tài xế đã tự đưa ra yêu cầu riêng. Sau hồi gọi điện qua lại, người lái xe đã ném hết hành lý xuống xe và không thu một xu nào. Tuy nhiên, ngày hôm đó, Quảng Châu đổ mưa bão, toàn bộ đồ đạc bị ướt hết.

Bất chấp sự hỗn loạn trong ngành vận chuyển dọn nhà, chi phí bỏ ra thấp đã thu hút nhiều công ty tham gia. Trong 10 năm gần đây, số lượng đăng ký của các công ty chuyển nhà có xu hướng ngày càng tăng, từ năm 2010 đến năm 2013, số lượng đăng ký mỗi năm là 2.929 và mức tăng lớn nhất vào năm 2014, tăng dần theo năm là 64%.

Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều có mô hình quản lý tương đối đơn giản, với chi phí thành lập doanh nghiệp thấp, thủ tục đơn giản, chi phí hoạt động thấp và rủi ro hoạt động thấp. Các doanh nghiệp nhỏ và phân tán này hiện đang là trụ cột trên thị trường dịch vụ hậu cần của Trung Quốc.

Năm 2018, quy mô thị trường hậu cần của Trung Quốc đã đạt 120,45 tỉ nhân dân tệ, và tốc độ tăng trưởng của thị trường này luôn duy trì trên 10% trong cả năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP.

Sau khi bước vào kỷ nguyên của Internet di động, một loạt các ngành công nghiệp được kết nối với Internet đã hình thành và dịch vụ hậu cần dựa trên công nghệ là một trong số đó.

Nền tảng vận chuyển hàng hóa nội thành đầu tiên ở Trung Quốc là Shanfache. Công ty được thành lập vào tháng 11/2011. Dựa trên vị trí địa lý, tài xế và xe tải được kết nối trực tuyến thông qua ứng dụng điện thoại thông minh và hệ thống trung tâm cuộc gọi.

Năm 2013, với sự phổ biến dần của Internet di động, một hình thức vận chuyển hàng hóa nội thành mới kết hợp công nghệ bắt đầu mọc lên. Trong hai năm qua, các nền tảng như Huolala và Kuaigou (trước đây là 58 Express) lần lượt ra đời và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong quá trình nghiên cứu liên tục, đặt nền móng cho việc hình thành thị trường trong tương lai.

Sau khi ứng dụng mô hình công nghệ O2O (Online – To – Offline), thị trường dọn nhà mở ra một cuộc cách mạng công nghệ, lao động nhàn rỗi trong xã hội và năng lực vận chuyển hậu cần được giải phóng, hạ thấp ngưỡng giao dịch của nhu cầu dịch vụ di chuyển, thúc đẩy đáng kể tần suất của các hoạt động hậu cần và tăng nhanh cầu của thị trường.

Sự xuất hiện của các nền tảng vận chuyển qua O2O như Kuaigou, Huolala đã giúp đáp ứng nhu cầu chuyển nhà dễ dàng hơn và thị trường đã bắt đầu hoàn toàn bước vào kỷ nguyên mới.

3. Vấn đề dịch vụ dọn nhà

Ngành công nghiệp hậu cần đã bước vào thời đại công nghệ nhưng vẫn chưa giải quyết được những điểm khó khăn của ngành. Có bốn loại vấn đề chính sau đây:

Thứ nhất, nguồn cung của ngành đang hỗn loạn

Trong ngành hậu cần, người hành nghề cơ bản chỉ có trình độ phổ thông trung học trở xuống, học vấn chung không cao, thị trường cạnh tranh gay gắt, dịch vụ cung cấp của người hành nghề không đồng đều, vấn đề tranh chấp vô cùng dễ xảy ra.

Trong trường hợp không có các tiêu chuẩn ngành, tất cả những người hành nghề có thể chủ quan đưa ra các điều kiện giao dịch và giá cả, dịch vụ, phương tiện, trình độ và thông tin khác nhau, khiến khách hàng khó lựa chọn.

Hơn nữa, các phương tiện xử lý không đủ điều kiện hoạt động, có tài xế thu phí bừa bãi, vi phạm pháp luật, không thực hiện thỏa thuận,… và người sử dụng dịch vụ không thể được hoàn trả hoặc đòi bồi thường.

Thứ hai, giá cả không minh bạch

Giá xe do các công ty chuyển nhà và tư nhân cung cấp khác nhau, cước phí thiếu hợp lý, cùng một quãng đường 10 km, giá thị trường dao động từ 50-150 tệ (~170.000 - 530.000 VND)

Theo phương pháp báo giá của hầu hết những người hành nghề, nói chung để chiến thắng các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, trước tiên họ có thể báo giá thấp, sau đó khi hàng lên xe tải, khách sẽ bị tính phí bốc xếp, phí ngoài giờ, phí sàn, phí tháo, lắp ráp, chở quá trọng lượng, phí vất vả,… và một số khoản phạt quá tải đối với xe chở nặng quá quy định đều do khách hàng phải trả.

Nếu khách hàng không chấp nhận phí tăng, tài xế thậm chí không bốc, dỡ hàng hóa.

Ngoài ra, không gian chở hàng do công ty cung cấp cũng có thể xuất hiện "ngớ ngẩn". Chẳng hạn, sau khi khách hàng gọi xe của công ty chuyển nhà, xe có thể được kê sẵn các thùng tải để làm giảm không gian chở hàng, khiến khách hàng phải tăng nhu cầu đặt thêm xe tải, từ đó tính thêm phí vận chuyển lần thứ hai.

Thứ ba, chuỗi dịch vụ không được tiêu chuẩn hóa

Ngành dịch vụ chuyển nhà chủ yếu bao gồm trưởng nhóm, lái xe, phụ xe, công nhân tháo lắp, lắp ráp,… Trong giao dịch đặt hàng vận chuyển, do mỗi mắt xích của dịch vụ do những người khác nhau cung cấp nên chất lượng dịch vụ chung có thể không đáp ứng mong đợi.

Cụ thể là, công ty chuyển nhà thuê ngoài các liên kết kinh doanh với các công ty hoặc công nhân khác. Các điều kiện thuê ngoài không phù hợp với nhu cầu của người thuê và tiêu chuẩn dịch vụ không thể đáp ứng hợp đồng trước. Do đó, liên kết di chuyển không thể hoàn thành các đơn đặt hàng, thậm chí bên vận chuyển sẽ tạm thời ngồi yên, nâng giá, ép khách phải tự bỏ tiền túi.

Trong số đó, một trong những lý do chính dẫn đến chuỗi dịch vụ bất thường là không có hợp đồng giao dịch và hóa đơn. Bởi vì hầu hết các công ty chuyển nhà và cá nhân chuyển nhà đều thực hiện đàm phán dịch vụ thông qua điện thoại, nói miệng, phần mềm xã hội. Nếu không có bằng chứng đối chất, một khi thanh toán xong, người mua sẽ rơi vào thế bị động khó cung cấp bằng chứng và bảo vệ quyền lợi.

Cuối cùng là thái độ phục vụ kém

Như đã đề cập trước đó, hầu hết những người hành nghề vận chuyển có trình độ học vấn thấp, mức thu nhập chung thấp, thiếu khái niệm về sự hài lòng của dịch vụ và thiếu thông tin liên lạc giữa khách hàng, vì vậy họ chỉ làm việc với quan niệm "chỉ mua bán một lần".

Trong quá trình vận chuyển, việc làm hỏng đồ đạc, thiết bị điện là điều thường xảy ra. Một khi người mua và người bán có tranh chấp, người lao động chân tay nhiều năm sẽ có lợi thế, thậm chí có thể đe dọa người mua bằng vũ lực.

4. Cuộc chiến giá cả thị trường dịch vụ hậu cần

Giống như thị trường chia sẻ xe, thị trường hậu cần cũng trải qua các cuộc chiến về giá.

Taxi Huolala và Kuaigou, được biết đến với cái tên "Didi" phiên bản anh em, liên tiếp gia nhập thị trường vào năm 2013. Bắt đầu từ việc trực tiếp phục vụ người dùng, họ khởi động kế hoạch "Internet + vận chuyển hàng hóa".

Để mở rộng thị phần, hai nền tảng vận tải hàng hóa lớn với đà phát triển tốt và được hỗ trợ từ nguồn vốn bên ngoài đã bóp nghẹt các đối thủ vừa và nhỏ trên thị trường, sử dụng nhiều hình thức mở rộng kinh doanh như trợ giá, giảm giá để mở rộng thị phần.

Khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, một số nền tảng vận chuyển hàng hóa công nghệ quy mô vừa và nhỏ đã lần lượt giảm xuống. Đến nửa cuối năm 2018, chỉ có hai nền tảng là Huolala và Kuaigou vẫn duy trì vị thế trên thị trường vận chuyển hàng hóa trong thành phố.

Thống kê cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 4/2019, thị phần của Huolala và Kuaigou lần lượt là 53,6% và 24,6%, hai nền tảng này cùng nhau gần như “độc chiếm” thị trường vận chuyển hàng hóa nội thành dựa trên nền tảng Internet.

Do sự cạnh tranh gay gắt, một số nền tảng vận chuyển hàng hóa đã sử dụng “cuộc chiến giá rẻ” để thu hút khách hàng. Nhìn bề ngoài, đây là điều tốt cho khách hàng, nhưng thu nhập của tài xế bị giữ ở mức thấp khiến một số tài xế xe tải tăng giá, ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của người tiêu dùng.

Đồng thời, vận chuyển dọn nhà được công nhận là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bảng xếp hạng đấu thầu của các công cụ tìm kiếm. Nhiều công ty phải mua quảng cáo đấu thầu trên các công cụ tìm kiếm và khéo léo sử dụng từ khóa từ các công ty khác.

Điều này cho thấy ngành công nghiệp hậu cần đang rất cần tiêu chuẩn hóa và minh bạch hóa.

Mô hình O2O hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề nan giải chính của thị trường dọn nhà, an toàn vận chuyển, bảo vệ quyền lợi của người dùng.

Đối với nền tảng vận tải hàng hóa, mỗi bên cần thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của lái xe và khách hàng, tăng cường tiêu chuẩn hóa nền tảng.

Ví dụ, tiến hành đánh giá cần thiết về trình độ của người lái xe và tăng cường đào tạo kinh doanh cho người lái xe để thúc đẩy quản lý đạo đức nghề nghiệp và không lừa dối người tiêu dùng bằng các chiêu dụ giá rẻ. Ngoài ra, cần tăng cường chuẩn hóa các loại phí, tăng tính minh bạch về giá.

Đối với các cơ quan quản lý, cần tăng cường giám sát, đôn đốc các nền tảng thực hiện nhiệm vụ, có những hình phạt cần thiết đối với những doanh nghiệp không đáng tin cậy.

Tóm lại, để đạt được sự phát triển lâu dài của dịch vụ đặt lịch hẹn trực tuyến, cần phải thoát ra khỏi vũng lầy của "cuộc chiến giá rẻ", đạt được sự phát triển tiêu chuẩn hóa và bắt tay vào con đường đúng đắn cùng có lợi cho tài xế, khách hàng, và nền tảng để ngành có thể phát triển ổn định và xa hơn.

Mặc dù nền kinh tế nền tảng có thể giải quyết một số hỗn loạn và tranh chấp trong dịch vụ hậu cần, nhưng xét cho cùng, nền tảng không phải là cơ quan quản lý công và không có quyền lực và nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp dân sự.

Vẫn cần quan tâm đến các tranh chấp dân sự trong thị trường hậu cần, có cái nhìn dài hạn, suy nghĩ trước về các tranh chấp giữa bên di chuyển và nền tảng, thực hiện chia sẻ thông tin và hợp tác, phát triển giám sát minh bạch và cải thiện môi trường thị trường hậu cần.

Đối với những người trẻ tuổi, việc lập nghiệp ở một thành phố lớn không phải là điều dễ dàng, đừng để nỗi lo chuyển nhà chở thành ác mộng của họ.

Theo Sohu