“Do lãnh đạo đương nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình cùng giới cố vấn ngoại giao Trung Quốc thiếu hiểu biết nên đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong đối ngoại, nếu Trung Quốc biết sửa chữa những sai lầm này thì sẽ gặt hái được những thành công lớn”, Tiến sĩ khoa học chính trị Vương Quân Đào thuộc Đại học Columbia (Mỹ) nhận định.
Ngày 22/9 vừa qua, tạp chí Tranh Minh (Hong Kong) có bài “Ngoại giao Tập Cận Bình: Con đường, vấn đề và triển vọng” của Tiến sĩ Vương Quân Đào thuộc khoa Chính trị học Đại học Columbia (Mỹ), theo đó tác giả cho rằng: từ hành xử hung hăng tại Biển Đông, đảo Điếu Ngư cho đến những vấn đề gây xung đột với Đài Loan, Hồng Kông… cho thấy ngoại giao Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình có vấn đề nghiêm trọng.
Bài viết nhận định, những vấn đề này không có trong truyền thống ngoại giao của đảng cộng sản Trung Quốc trước đây: Trung Quốc hiện nay muốn tranh giành vị thế bá quyền, tài nguyên, vị trí địa chính trị và tầm ảnh hưởng quốc tế bằng thủ đoạn bạo lực; nguyên nhân gây ra những vấn đề nghiêm trọng này là do ông Tập Cận Bình cùng giới ngoại giao Trung Quốc thiếu tầm hiểu biết. Nếu Trung Quốc có thể sửa chữa những sai lầm này thì sẽ gặt hái được những thành công lớn.
Ban đầu, đảng cộng sản Trung Quốc muốn làm cuộc cách mạng xây dựng “thế giới đại đồng”, nhưng trong quá trình thực hiện với tình trạng các nước tranh quyền đoạt lợi khiến lại trở thành theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng dù sao họ cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng ngoại giao của chủ nghĩa cộng sản quốc tế, và ngoại giao thế hệ đầu của Trung Quốc nằm trong tình trạng mâu thuẫn giữa hai trường phái chủ yếu này. Phe kiên định con đường cộng sản và chống chủ nghĩa đế quốc đã tham chiến tại Triều Tiên để chống lại chủ nghĩa tư bản.
Đầu thập niên 1970 Trung Quốc điều chỉnh chính sách ngoại giao, theo đó đưa ra lý luận “ba thế giới và chống bá quyền” (theo lý luận này thì Trung Quốc không còn nằm trong phe xã hội chủ nghĩa nữa mà thuộc thế giới thứ ba). Cùng với việc vào vai người phát ngôn cho thế giới thứ ba tại Liên Hợp Quốc, Trung Quốc kết đồng minh với Mỹ chống lại Liên Xô.
Sau khi ông Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền đã đặt nhiệm vụ trọng tâm đặt vào phát triển kinh tế, và tư duy ngoại giao của Trung Quốc lại được điều chỉnh. Trong cục diện quốc tế đặt nền tảng trên quan điểm hòa bình và phát triển, Trung Quốc đưa ra tư duy mở cửa để phát triển kinh tế. Tư duy này gạt bỏ hoàn toàn con đường đối đầu chủ nghĩa tư bản, chuyển sang hội nhập vào hệ thống chủ nghĩa tư bản toàn cầu và học tập kiến thức chuyên môn kinh tế cùng kinh nghiệm hoạch định chính sách quốc gia để tìm kiếm phát triển thị trường, công nghệ, thiết bị, quản lý doanh nghiệp. Mặt khác, Trung Quốc cũng từ bỏ thái độ làm thủ lĩnh thế giới, giảm mạnh hoạt động chi viện cho bên ngoài mà tập trung vào xây dựng sức mạnh trong nước.
Sau sự kiện Thiên An Môn 1989 và Chiến tranh Lạnh kết thúc, phương Tây bắt đầu gây sức ép với Trung Quốc vì vấn đề nhân quyền, kinh tế và chính sách địa chính trị, hai bên lại rơi vào trạng thái căng thẳng, tuy nhiên Trung Quốc không thay đổi con đường hội nhập vào hệ thống tư bản toàn cầu mà dùng kế sách “giấu mình” để tích cực tham gia vào cơ chế hợp tác quốc tế, xây dựng quan hệ bạn bè chiến lược với những nước quan trọng, tích cực hợp tác chống khủng bố, nêu cao tinh thần trỗi dậy trong hòa bình, nỗ lực làm hòa với phương Tây.
Nhưng từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền đến nay đã có những thay đổi quan trọng trong đối nội: xây dựng hình ảnh cá nhân và thực hiện thay đổi mang tính cách mạng trong hệ thống quản lý kinh tế - xã hội và thể chế chính trị quốc gia. Còn về đối ngoại, ông Tập Cận Bình chú trọng “ngoại giao cứng rắn” với các nước. Thực tế là muốn muốn thực hiện hợp tác theo chiều sâu với các nước nhằm tạo sức ảnh hưởng quốc tế lâu dài cho Trung Quốc (trên cơ sở Trung Quốc nổi lên thành cường quốc thế giới).
Tư tưởng ngoại giao này kế thừa tư tưởng Đặng Tiểu Bình – Giang Trạch Dân – Hồ Cẩm Đào trên hai phương diện: một, mưu cầu “hợp tác cùng thắng” trong thế giới đa phương; hai, lấy lợi ích vật chất làm nền tảng hợp tác lâu dài. Nhưng ông Tập Cận Bình cũng điều chỉnh hai điểm: Một là trở thành nước nắm vai trò chủ đạo điều chỉnh trật tự khu vực và thế giới, từ bỏ biện pháp ẩn mình. Hai là tích hợp các nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện đầu tư có hệ thống và liên tục đến tất cả các khu vực và trong tất cả các lĩnh vực, từ bỏ cách làm nhỏ lẻ và thay đổi thường xuyên để ứng phó những thách thức bên ngoài.
Tiêu biểu nhất có thể kể là kế hoạch “một vành đai một con đường”, qua đó muốn hợp tác với những nước xung quanh cùng phát triển trên cơ sở bổ khuyết ưu và nhược điểm của nhau với vai trò điều phối của Trung Quốc. Kế hoạch này lấy danh nghĩa là kết nối năng lực sản xuất, công nghệ, vốn, cơ sở hạ tầng và quy hoạch phát triển, nhưng thực tế là Trung Quốc hỗ trợ không hoàn lại hoặc cung cấp tín dụng với lãi suất thấp. Ông Tập Cận Bình yêu cầu quy hoạch và thực hiện một vành đai một con đường dựa trên quy hoạch phát triển của những nước khác.
Tại châu Phi, châu Mỹ Latin và Trung Đông, Trung Quốc cũng ký một loạt hợp đồng với các nước căn cứ theo nhu cầu nguồn lực và thế mạnh của mình, thông qua phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích vật chất để thiết lập mối quan hệ lâu dài. Về quan hệ song phương với Mỹ và châu Âu, Trung Quốc tận dung ưu thế là nước có sức tiêu thụ mạnh cùng thủ đoạn đầu tư tài chính để hóa giải nguy cơ xung đột có thể nổ ra, mặt khác thực hiện hỗ trợ những thế lực lợi ích trong nội bộ những nước này để thông qua họ thúc đẩy chính phủ của họ tích cực hợp tác với Trung Quốc.
Để xây dựng hợp tác lâu dài, tin cậy, có hệ thống, ông Tập Cận Bình muốn tư duy ngoại giao của mình nhận được hưởng ứng của cộng đồng quốc tế, nhưng ấn tượng của cộng đồng quốc tế về ngoại giao Trung Quốc lại là “muốn đi khắp nơi gây sự”.
Nguyên nhân khiến cộng đồng quốc tế hiểu như thế vì tình trạng bất ổn từ khi ông Tập lên cầm quyền đến nay. Trước nhất, kế hoạch “một vành đai một con đường” không mang đến hòa bình cho các bên lợi ích liên quan, tại Biển Đông và Hoa Đông liên tục xảy ra tình trạng đối đầu quân sự, thậm chí là xung đột. Thứ nữa, phong trào chủ nghĩa ly khai quy mô lớn chống Trung Quốc nổ ra từ Tân Cương, Tây Tạng, đến Đài Loan và Hong Kong. Còn trong việc xử lý nguy cơ của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc chỉ biết ỷ vào sức mạnh của mình mà xem thường luật pháp quốc tế, cách làm này khiến người ta không thể không nghĩ ông Tập là người bất kể lý lẽ. Cuối cùng, biện pháp dựa vào đầu tư kinh tế để chen vào các sự vụ quốc tế và muốn làm chủ các sự vụ trong khu vực khiến người ta cảm thấy Trung Quốc đang thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, muốn thay thế Mỹ nắm giữ bá quyền thế giới.
Qua phân tích, tiến sĩ Vương Quân Đào nhận định, lãnh đạo Trung Quốc mắc sai lầm nghiêm trọng về tư duy ngoại giao, cho thấy sự thiếu am hiểu về thực tế chính trị quốc tế.
Chuyên gia Vương chỉ ra ba vấn nạn đặc biệt nghiêm trọng:
- Thứ nhất, ông Tập Cận Bình và ban cố vấn không hiểu lý luận quan hệ quốc tế hiện nay, lý luận này đặt nền tảng trên kinh nghiệm hợp tác và xung đột chính trị quốc tế. Ông Tập và đội ngũ cố vấn chỉ dừng lại ở việc lấy sở thích/nguyện vọng thay cho tình hình thực tế, hệ quả là đánh giá sai lầm, kéo theo biện pháp thực hiện sai lầm. Ví dụ, trong xung đột giữa quốc gia – dân tộc, chiêu bài kinh tế không có hiệu quả mấy; những nhân tố quan trọng hơn thuộc về tôn giáo, ý thức hệ, văn hóa, lịch sử và vị thế chính trị.
- Thứ hai, ông Tập Cận Bình và ban cố vấn ngoại giao thiếu am hiểu diễn biến hệ thống chính trị quốc tế và nền tảng luật pháp quốc tế kể từ Hiệp ước Westphalia năm 1648 đến nay. Khi diễn biến tình hình không được như ông Tập Cận Bình mong muốn thì Trung Quốc lại lạm dụng biện pháp vũ lực cứng rắn, khiến người ta buộc phải nghĩ rằng Trung Quốc xem thường luật pháp quốc tế, chỉ thích dùng bạo lực gây xung đột chính trị, thách thức cộng đồng quốc tế và muốn thay đổi quy tắc quốc tế.
- Cuối cùng, ông Tập Cận Bình và ban cố vấn cũng thiếu am hiểu về lịch sử và chính trị quốc tế. Trong tình hình những quốc gia xảy ra rối ren hoặc biến cố chính trị lớn thì phương án hợp tác kinh tế của ông Tập rất khó thực hiện, và thiệt hại mà Trung Quốc phải chịu sẽ tăng gấp bội.
Vương Quân Đào cho rằng, sau nhiều thất bại cuối cùng ông Tập Cận Bình cũng phải quay về với thực tại. Nhưng có hai khả năng xảy ra: một là lạm dụng vũ lực. Tương tự tư tưởng đối nội của ông Đặng Tiểu Bình trước đây: dựa vào uy quyền để đảm bảo phát triển, hy vọng nhờ phát triển kinh tế để giải quyết tình hình. Nhưng thực tế là bạo quyền thường chỉ gây thêm nhiều vấn đều rắc rối hơn. Một khả năng khác là theo con đường hòa bình qua việc tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhưng điều này thường lại liên quan đến thực hiện hiến pháp dân chủ ở trong nước.