Chuyên gia Trung Quốc: Đừng kỳ vọng quan hệ Mỹ-Trung tốt lên dưới thời Biden

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Bắc Kinh nên ngừng ngay ảo tưởng rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tự động trở nên tốt đẹp hơn dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, theo một cố vấn chính phủ Trung Quốc.

Theo chuyên gia Trung Quốc, quan hệ Mỹ-Trung có thể trở nên tồi tệ hơn dưới thời chính quyền Joe Biden (Ảnh: AFP)
Theo chuyên gia Trung Quốc, quan hệ Mỹ-Trung có thể trở nên tồi tệ hơn dưới thời chính quyền Joe Biden (Ảnh: AFP)

Ông Zheng Yongnian – Hiệu trưởng Viện Nghiên cứu đương đại và Toàn cầu Trung Quốc, trụ sở tại Thâm Quyến – nói rằng Trung Quốc không nên bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để sửa chữa mối quan hệ với nước mỹ, nhưng cũng không nên kỳ vọng rằng mối quan hệ với Mỹ sẽ trở về trạng thái như giai đoạn trước khi ông Donald Trump làm Tổng thống.

“Những ngày xưa cũ tốt đẹp đã qua đi…những người có tư tưởng diều hâu, chiến tranh lạnh ở Mỹ đã chuyển biến trong vài năm qua, và họ sẽ không biến mất chỉ sau một đêm” – ông Zheng nói trong một cuộc phỏng vấn bên lề một hội nghị ở Quảng Châu.

Ông Zheng, người đã tham gia một hội nghị chuyên đề tổ chức bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 8 nhằm đưa ra tham vấn về chiến lược dài hạn của nước này, cho hay giờ đã có sự đồng thuận ở nước Mỹ về vấn đề kìm hãm Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã xuống mức thấp nhất kể từ khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức cách đây hơn 40 năm. Hai quốc gia xung đột về hàng loạt vấn đề bao gồm thương mại, nhân quyền và cả cách đối phó đại dịch COVID-19.

Sự thù địch giữa hai bên đang dần tăng và nghiên cứu mới nhất do hãng Pew thực hiện cho thấy hơn 70% người dân Mỹ có ấn tượng xấu về Trung Quốc.

Ông Zheng cho rẳng Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể tận dụng sự giận dữ của người dân Mỹ đối với Trung Quốc sau khi ông vào Nhà Trắng. “Xã hội Mỹ đang chia rẽ. Tôi không nghĩ ông Biden có thể làm bất cứ điều gì để hàn gắn nó”; ông Zheng nói.

“Ông ấy chắc chắn là một vị Tổng thống yếu đuối, nếu ông ấy không thể giải quyết các vấn đề trong nước, vậy thì ông ấy sẽ phải làm gì trong mặt trận ngoại giao, làm gì đó chống lại Trung Quốc” – ông Zheng nói thêm – “Nếu chúng ta cho rằng ông Trump không hứng thú gì với việc thúc đẩy nền dân chủ và tự do, thì ông Biden lại có. Trump không hứng thú với một cuộc chiến…nhưng một vị Tổng thống của đảng Dân chủ có thể khởi động các cuộc chiến”.

Ông Zheng còn cảnh báo rằng xung đột về giá trị có thể gia tăng dưới thời chính quyền Biden. “Sự khác biệt ở đây là, ông Trump là một doanh nhân và ứng xử theo rất khó đoán, trong khi ông Biden lại có cách ứng xử thường là dễ đoán” – ông Zheng nói – “Bởi vậy ông Trump cứng rắn với Trung Quốc một cách phi lý trí, còn ông Biden cứng rắn một cách có lý trí”.

Cùng lúc, ông Zheng cũng đổ lỗi cho các vấn đề trong nước của Mỹ đã khiến cho mối quan hệ Mỹ-Trung tồi tệ.

Theo vị chuyên gia, mô hình phát triển kinh tế “tự do kiểu mới” của Mỹ đã khiến nhiều cộng đồng bị chia rẽ và làm tăng khoảng cách giàu nghèo ở phương Tây. Ông chỉ ra tầng lớp trung lưu đang thu hẹp dần ở Mỹ, nói rằng tầng lớp này đã giảm từ mức 70% dân số Mỹ (những năm 1980) xuống chỉ còn hơn 50% ở thời điểm hiện tại.

Một xã hội Mỹ phân cực cũng dẫn tới quan điểm thù địch đối với thế giới bên ngoài, mà trong đó Trung Quốc trở thành “nạn nhân”; theo ông Zheng.

Bởi vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc không nên kỳ vọng vào sự trở lại của giai đoạn hoàng kim của toàn cầu hóa. Nhiều người dân Trung Quốc đã hưởng lợi từ tiến trình này trong các thập kỷ trước, nhờ nhập khẩu các bộ phận từ Mỹ và bán ra các sản phẩm đầu cuối trên thị trường toàn cầu. Nhưng môi trường đó sẽ thay đổi do sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Zheng chỉ ra ví dụ là tập đoàn Huawei Technologies của Trung Quốc, vốn phải dựa vào nguồn cung chip từ mỹ nhưng giờ đã hứng đòn trừng phạt của Washington.

Trung Quốc phản ứng bằng cách tập trung vào sản xuất các mặt hàng công nghệ cao ở trong nước để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Nước này cũng gấp rút tham gia vào các hiệp định thương mại khu vực nhằm đảm bảo vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tích cực xem xét việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau khi nước này ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP).

Ông Zheng còn cho rằng cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn trở nên tồi tệ hơn dưới thời Biden.

“Chúng ta cần phải sở hữu công nghệ riêng, chúng ta phải cải cách hệ thống của chúng ta” – ông nói – “Việc bảo về quyền tài sản trí tuệ là rất quan trọng, không chỉ nhằm đối phó với sức ép từ phương Tây”.

Theo SCMP