Theo chuyên gia Kenhmann, với một bệnh viện, 3 đường băng dài 3.000 mét, 5 ngọn hải đăng, một vùng phủ sóng viễn thông 4G ở mức 100%... thời gian qua, Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỷ nhân dân tệ vào việc xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép tại vùng quần đảo Trường Sa. Mục tiêu của Bắc Kinh rất rõ ràng: củng cố quyền kiểm soát trái phép, ngang ngược trên toàn bộ Biển Đông thông qua các tiền đồn cách xa lục địa Trung Quốc cả ngàn cây số.
Với bài phân tích «Trung Quốc củng cố các vị trí trên Biển Đông», chuyên gia Kenhmann đã vạch rõ dưới vỏ bọc dân sự, đây là những cơ sở được dùng vào mục tiêu quân sự, phục vụ đắc lực cho các lực lượng vũ trang mà Trung Quốc đã triển khai để khống chế Biển Đông.
Ông Kenhmann ghi nhận trước tiên hết sự kiện là kể từ tháng 7/2016, một bệnh viện rộng 16.000m2 với hơn 100 giường đã được khánh thành trên Đá Chữ Thập, thực thể địa lý hiện đã được bồi đắp trái phép thành một hòn đảo có diện tích 2,8km2.
Công việc bồi lấp, xây dựng phi pháp đã bắt đầu vào tháng 10/2015 và được hoàn tất trong vỏn vẹn 8 tháng. Một đội y tế khoảng 50 người, đảm bảo hoạt động của bệnh viện.Tháng 3/2016, một máy bay tuần biển của hải quân Trung Quốc đã phải gián đoạn nhiệm vụ, đáp khẩn cấp xuống Đá Chữ Thập để sơ tán một binh sĩ bị bệnh rất nặng về đất liền.
Theo chuyên gia Kenhmann, bệnh viện trên Đá Chữ Thập sẽ giúp Trung Quốc có thêm hỗ trợ y tế tại khu vực xa xôi hẻo lánh này của thế giới, nhằm mưu đồ phục vụ các đơn vị quân đội đồn trú trên các hòn đảo khác nhau dưới sự kiểm soát trái phép của Trung Quốc, hay hỗ trợ thường dân được cử đến làm việc tại khu vực cách lục địa Trung Quốc hơn 1.000 km.
Một phóng sự của đài truyền hình Trung Quốc CCTV cho thấy bệnh viện này được trang bị khá tốt đối với một cơ sở có quy mô như vậy. Và rõ ràng với sự hiện diện của một cơ sở hạ tầng y tế trong vùng này của Biển Đông, sẽ cung cấp một lợi thế chiến thuật không thể xem thường cho quân đội Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh.
Ngoài bệnh viện, 5 ngọn hải đăng cũng đã được khánh thành trên 5 đảo lớn nhất do Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa bao gồm: Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên, đều là các đảo nhân tạo được bồi lấp một cách phi pháp.
Theo truyền thông Trung Quốc, những ngọn hải đăng này cao hơn 50 mét, có tầm chiếu xa tới 20 hải lý. Tất cả đều được trang bị hệ thống giám sát AIS để theo dõi vị trí tàu thuyền qua lại gần đó. Chuyên gia Pháp vạch rõ ý đồ thâm sâu của Bắc Kinh rằng bên cạnh chức năng phục vụ hàng hải, các hải đăng cũng là một biểu tượng tâm lý quan trọng để nhắc nhở tàu bè qua lại khu vực về sự hiện diện thường trực của Trung Quốc tại tuyến đường biển chiến lược quan trọng này.
Ngoài công việc xây dựng cơ sở y tế và hỗ trợ hàng hải, Bắc Kinh còn quan tâm đến một yếu tố quan trọng hơn là nguồn nước ngọt. Vào đỉnh điểm của công việc bồi đắp trái phép các đảo ở Trường Sa, Trung Quốc huy động đến hơn 20.000 người có mặt tại chỗ. Do đó, nước ngọt luôn luôn là một vấn đề, nhất là khi hầu như không có hòn đảo trong tay Trung Quốc ở Biển Đông có nguồn nước ngầm uống được.
Mưu đồ chiếm cứ lâu dài
Để khắc phục tình trạng đó, Bắc Kinh đã áp dụng nhiều giải pháp. Ngoài việc thường xuyên chở nước từ đất liền ra các đảo, việc hứng nước mưa và tái xử lý nước đã qua sử dụng là nguồn cung cấp chính cho các nhu cầu vệ sinh và lao động.
Theo ông Kenhmann, kể từ năm 2013Trung Quốc đã lần lượt cho vận hành các nhà máy khử muối trên tất cả các đảo, với những công suất khác nhau, từ một vài tấn đến vài ngàn tấn mỗi ngày, tùy thuộc vào kích thước của các hòn đảo và «dân số» tại chỗ... Được nói đến nhiều là nhà máy trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông.
Không còn phải lo về nước ngọt nữa, Trung Quốc hiện muốn đi xa hơn và đang nỗ lực tạo dựng phi pháp một hệ sinh thái xanh trên các đảo ở Biển Đông. Trên Đá Su Bi, đã có hơn một triệu loại cây cỏ khác nhau do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc lựa chọn cẩn thận, được chuyển đến trồng tại chỗ, vừa để chống xói mòn và giảm hàm lượng muối trong cát, vừa để cung cấp thực phẩm tươi cho lực lượng đồn trú trái phép tại chỗ.
Mục tiêu công việc này chính là nhằm cấu tạo một môi trường nơi mà con người có thể sinh sống lâu dài. Ngoài ra còn có những công trình khác như các đường băng dài và mạng lưới viễn thông...
Chuyên gia Kenhmann nhận định, với các công trình có thể coi là «dời non lấp biển» kể trên, Trung Quốc đang từ từ áp đặt ý muốn của Bắc Kinh trên khu vực này của Biển Đông, mà không cần đến việc tấn công quân sự vào các đảo khác thuộc chủ quyền của các nước láng giềng.
Ông Kenhmann nêu rõ, cách làm từ từ nhưng cũng rất tốn kém của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ có ảnh hưởng lâu dài và tai hại đối với các nước láng giềng khác. Bởi vì việc đó không thể bị bắt chước, cũng như không thể bị ngăn chặn, trừ phi dựa vào các hoạt động quân sự ngay từ đầu với những hậu quả khôn lường và không thể gánh chịu được.