Chuyên gia Nga: Trung Quốc chỉ có thể dựa vào số lượng tên lửa trong xung đột quân sự

VietTimes -- Hiện nay, Trung Quốc có không dưới 300 hệ thống tên lửa Đông Phong-11, không dưới 500 hệ thống Đông Phong-15 và 30 - 50 hệ thống tên lửa mới Đông Phong-16.
Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D Trung Quốc. Ảnh: Cankao

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 27/10 dẫn báo chí Nga ngày 25/10 cho hay Trung Quốc sẽ trưng bày sản phẩm tương tự hệ thống tên lửa chiến dịch chiến thuật Iskander Nga ở Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2016. Đây là phiên bản xuất khẩu của hệ thống tên lửa chiến thuật M20.

Tính năng kỹ chiến thuật và ngoại hình của hệ thống này gây liên tưởng đến phiên bản xuất khẩu của tên lửa Iskander Nga, đặc biệt là nó có 2 quả tên lửa chiến thuật tầm bắn 280 km. Nhưng, khác với hệ thống của Nga, tên lửa Trung Quốc được bố trí trong thùng phóng vận chuyển độc lập.

Việc Trung Quốc sao chép rộng rãi vũ khí của nước ngoài đã không còn là điều gì bí mật. Ukraine đã giúp đỡ Trung Quốc không ít trên phương diện này, chẳng hạn tên lửa hành trình X-55 trang bị cho máy bay, được Liên Xô chuyển nhượng cho Trung Quốc vào thập niên 1990.

Cựu tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa chiến lược Nga Victor Yesin cho biết: "Các thông tin liên quan đến hệ thống M20 rất ít. Tôi sẽ không nói họ sao chép trực tiếp. Tính năng kỹ chiến thuật của hệ thống này tương tự hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U phiên bản nâng cấp, chứ không phải là Iskander. Xét tới chế độ giám sát phổ biến công nghệ tên lửa, tầm bắn của phiên bản xuất khẩu hệ thống M20 là 280 km.

Được biết, sai số trượt mục tiêu (CEP) của loại tên lửa này nhỏ hơn 30 m. Như vậy, đây là một loại tên lửa chính xác cao, hầu như năm 2013 đã trang bị với cái tên là Đông Phong-12.

Để làm cho sai số nhỏ hơn 30 m, cần tiến hành kiểm soát bay đối với tên lửa. Dư luận đều biết, người Trung Quốc sở hữu sản phẩm tương tự GPS, đó là hệ thống Bắc Đẩu".

Tên lửa đạn đạo Đông Phong-15B và tên lửa đạn đạo Đông Phong-16 Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Tên lửa đạn đạo Đông Phong-15B và tên lửa đạn đạo Đông Phong-16 Trung Quốc. Ảnh: Cankao

Victor Yesin nói: "Nói chung, kho tên lửa chiến dịch, chiến thuật của Trung Quốc rất lớn, bao gồm các loại phiên bản cải tiến của tên lửa Đông Phong-11 (tầm bắn 300 - 800 km) và tên lửa Đông Phong-15 (tầm bắn 1.000 km), tên lửa Đông Phong-16 mới.

Có nhiều quan điểm khác nhau về số lượng những tên lửa chiến dịch, chiến thuật này. Hiện nay, hệ thống tên lửa Đông Phong-11 không dưới 300, Đông Phong-15 không dưới 500, còn Đông Phong-16 vừa mới triển khai, hiện có khoảng 30 - 50 hệ thống.

Tất cả những tên lửa chiến dịch, chiến thuật này đều lắp 2 loại đầu đạn thông thường và hạt nhân. Căn cứ vào các thông tin hiện có, tên lửa Đông Phong-11 lắp đầu đạn hạt nhân chiếm khoảng 10 - 15%, Đông Phong-15 chiếm khoảng 20 - 25%".

Phó Viện trưởng Alexander Khramchikhin Viện nghiên cứu chính trị, quân sự Nga cho rằng số lượng tên lửa chiến dịch, chiến thuật của Trung Quốc tăng lên rõ rệt. Mặc dù tên lửa chiến dịch của họ không được hoàn thiện, nhưng họ dựa vào ưu thế số lượng.

Cho dù một phần tên lửa bị hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa của đối phương tiêu diệt, nhưng một phần tên lửa khác cũng có thể "bắn trúng" mục tiêu.

Alexander Khramchikhin nói: "Không loại trừ số lượng tên lửa chiến dịch, chiến thuật của Trung Quốc bị đánh giá thấp, Đông Phong-11 và Đông Phong-15 có thể lên tới 1.000 quả. Lực lượng tên lửa và Lục quân đều có những tên lửa này.

Tất cả tên lửa của Trung Quốc đều có thể lắp đầu đạn hạt nhân, ngoài những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng giếng Đông Phong-5 và Đông Phong-4 vốn là vũ khí hạt nhân".

Khối tên lửa hạt nhân Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Khối tên lửa hạt nhân Trung Quốc. Ảnh: Cankao

Công nghiệp tên lửa Trung Quốc là ngành phát triển nhanh nhất, hoàn thiện nhất trong công nghiệp quân sự của họ. Họ đã không còn sao chép sản phẩm của nước ngoài trên lĩnh vực này. Họ coi tên lửa đạn đạo là phương hướng phát triển ưu tiên, bởi vì phát triển tên lửa tầm trung và ngắn có lợi cho khắc phục điểm yếu của máy bay chiến đấu trước Mỹ.

Trung Quốc có tiềm năng xuất khẩu tên lửa chiến dịch, chiến thuật rất lớn. Nhưng họ phải cân nhắc tới chế độ giám sát phổ biến công nghệ tên lửa và tình hình Trung Quốc tích cực xuất khẩu pháo phóng loạt hạng nặng.

Về hiệu quả tấn công, tên lửa chiến dịch, chiến thuật tương tự pháo phóng loạt. Về việc xuất khẩu pháo phóng loạt hạng nặng, Trung Quốc là nước đi đầu thực sự.

Nhà nghiên cứu Vasilii Cashin, Chủ nghiệm Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng phần lên tên lửa chiến dịch, chiến thuật của Trung Quốc trang bị cho Lực lượng tên lửa, chứ không phải Lục quân. Nhiệm vụ của Lực lượng tên lửa không phải là chi viện cho Lục quân, mà là phát huy vai trò thay thế đối với Không quân.

Xét đến khả năng can thiệp của Mỹ và tình hình cung cấp vũ khí phòng không hiện đại và máy bay cho đồng minh, Trung Quốc hy vọng dùng tên lửa đạn đạo để hoàn thành những nhiệm vụ mà không quân các nước phương Tây hoàn thành - tiêu diệt các mục tiêu chiến lược, sân bay, cơ sở phòng không, hậu cần, trung tâm chỉ huy. Tất cả những điều này đều có căn cứ lý luận quan trọng.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Đông Phong-11 Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Đông Phong-11 Trung Quốc (ảnh tư liệu)