Dưới đây là ý kiến của Giáo sư Grigory Lokshin, nhà Việt Nam học thuộc Viện Viễn Đông, một trong những người tổ chức phong trào quốc tế ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống xâm lược vào những năm 1960-1970 thế kỷ trước:
"Theo tôi, các mối quan hệ với Trung Quốc sẽ trở nên phức tạp hơn, tôi chưa nhìn thấy triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai nước. Các mối quan hệ với Hoa Kỳ có thể tiếp tục theo hướng hợp tác kinh tế, cũng như trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa. Nhưng mối quan hệ trong lĩnh vực quân sự, trong các vấn đề quân sự-chính trị sẽ khá thận trọng bởi vì, như câu tục ngữ Việt Nam "con rồng sau cánh cửa cần phải ngủ yên", tức là không nên khiêu khích Trung Quốc.
Nếu nói về chính sách của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, thì đường lối này vẫn giữ nguyên, tuy nhiên, Việt Nam sẽ gia tăng nỗ lực tìm kiếm một sự thỏa hiệp và sự cân bằng các lợi ích. Tôi xin nhấn mạnh, cân bằng các lợi ích chứ không phải cân bằng quyền lực, như các nhà chính trị học của Trung Quốc và Mỹ thường nói. Sự cân bằng quyền lực sẽ không mang lại bất cứ kết quả tốt đẹp nào. Giải pháp duy nhất cho vấn đề là tìm kiếm và đưa vào cuộc sống sự cân bằng các lợi ích".
Theo chuyên gia Nga, có thể tìm được sự cân bằng các lợi ích, mặc dù đây là một nhiệm vụ khá phức tạp. Và hiện có những điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề. Ví dụ, các sáng kiến ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN khác. Ở đây nói về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Việc thông qua văn kiện này sẽ tác động tích cực đến bầu không khí ở khu vực Biển Đông.
Trong tương lai các nước có thể cùng chung sử dụng nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt ở vùng biển này. Nếu có thiện chí thì các bên cũng có thể đạt được thỏa thuận trong vấn đề này. Hiện nay cả Việt Nam và Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trong khu vực đều không có phương tiện để khai thác dầu khí dưới đáy biển, họ phải hướng tới các nước khác với đề xuất ký hợp đồng. Phương án rẻ hơn là thống nhất nỗ lực trong lĩnh vực này, và không chờ đến khi một số quốc gia trong khu vực sở hữu các phương tiện đó.
Có một vấn đề nữa mà các nước cũng phải đạt đến thỏa thuận. Đây là vấn đề lương thực, cụ thể nguồn lợi cá và hải sản. Cần phải đạt thỏa thuận về một bản quy tắc đánh bắt, bảo quản hải sản để bảo đảm an ninh môi trường trong khu vực, bởi vì nguồn hải sản ở Biển Đông trước nguy cơ cạn kiệt. Trong khi đó, hàng trăm triệu người ở các nước trong khu vực dựa vào nguồn hải sản ở khu vực này.
Trong chế độ ăn uống của họ, cá và hải sản là nguồn chất đạm dồi dào nhất. Vì vậy, đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng, các nước trong khu vực sẽ phải thương lượng về nội dung này. Và nếu ai đó vơ lấy tất cả mọi thứ cho riêng mình có dùng đường "lưỡi bò" ngang ngược khét tiếng, và không để lại bất cứ gì cho các nước láng giềng, thì điều đó sẽ có những hậu quả tai hại nhất cho dân số của các nước khác. Các nước khu vực chắc chắn không bao giờ chấp nhận với điều đó. Chuyên gia Nga tin chắc rằng, sớm hay muộn các bên sẽ đạt được một thỏa thuận, chỉ cần có sự kiên nhẫn và thương lượng.
TheoSputnik