Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc đe dọa tiến hành tấn công Guam bằng tên lửa Đông Phong

VietTimes -- Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", tăng cường binh lực ở Guam đã trở thành bộ phận quan trọng của chiến lược của Bắc Kinh. 
Tên lửa đạn đạo Đông Phong-26 Trung Quốc có thể lắp cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa đạn đạo Đông Phong-26 Trung Quốc có thể lắp cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.

Tờ Washington Free Beacon Mỹ ngày 11/5 cho hay, Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung thuộc Quốc hội Mỹ đưa ra báo cáo cho rằng, Trung Quốc đang phát triển vũ khí thông thường có thể tấn công Guam của Quân đội Mỹ, đã có năng lực phát động tấn công đa chiều (từ đáy biển, mặt biển, trên không và trên vũ trụ) đối với Guam. Đây là "hành động quan trọng của Trung Quốc nhằm phá vỡ chuỗi đảo thứ hai của Mỹ".

Báo cáo đánh giá này có tên là "Trung Quốc tăng cường năng lực tấn công Guam bằng tên lửa thông thường". Báo cáo cho rằng, mặc dù hiện nay rủi ro Trung Quốc tấn công Guam tương đối thấp, nhưng Trung Quốc đã có 6 loại tên lửa đưa Guam vào phạm vi tấn công, chúng sắp được triển khai hoặc đã trang bị, sẵn sàng chiến đấu.

Trong đó, điển hình nhất là tên lửa tầm trung Đông Phong-26. Loại tên lửa này được gọi là "sát thủ Guam", có năng lực tấn công hạt nhân kiêm thông thường. Tên lửa Đông Phong-26 đã lần đầu tiên xuất hiện trong lễ duyệt binh ngày 3/9/2015. 

Tên lửa đạn đạo Đông Phong-26 Trung Quốc có thể lắp cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa đạn đạo Đông Phong-26 Trung Quốc có thể lắp cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.

Báo cáo còn đề cập đến các loại tên lửa khác có thể tấn công Guam, bao gồm tên lửa Đông Phong-26 phiên bản chống hạm, nhiều loại tên lửa hành trình bắn từ bờ biển hoặc từ trên không, và tên lửa chống hạm. Tầm bắn của những tên lửa này khoảng 1.800 - 2.500 km.

Điều khiến Mỹ lo ngại là, Guam cách Philippines 1.500 dặm Anh, là căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ, triển khai lực lượng chủ lực hải, không quân Mỹ, bao gồm tàu ngầm hạt nhân tấn công, máy bay ném bom chiến lược, máy bay không người lái tầm xa. 

Đặc biệt là, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", tăng cường binh lực ở Guam đã trở thành bộ phận quan trọng của chiến lược này. 

Vì vậy, báo cáo cho rằng: "Tầm quan trọng của Guam đối với lợi ích chiến lược của Mỹ ngày càng tăng. Tương tự, bất cứ hành động tác chiến tiềm tàng nào của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương cũng ngày càng quan trọng, trong khi đó, năng lực tấn công Guam của Trung Quốc đang tăng lên...

Tàu trinh sát điện tử Hải quân Trung Quốc
Tàu trinh sát điện tử Hải quân Trung Quốc

Các cuộc tấn công như vậy có thể sẽ làm cho các tài sản quan trọng của Mỹ triển khai ở Guam rơi vào nguy hiểm. Đồng thời cũng sẽ làm giảm hiệu quả ứng phó với tình hình khu vực của chúng, kéo dài thời gian triển khai và làm giảm hiệu quả của Quân đội Mỹ ở khu vực tác chiến này".

Báo cáo này cho rằng, Trung Quốc đang tăng cường thu thập tin tức tình báo đối với Guam, chẳng hạn, tàu trinh sát tình báo Hải quân Trung Quốc đã từng xuất hiện ở khu vực lân cận Guam. 

Báo cáo viết: "Những tàu này có thể lắp thiết bị dùng để thu thập tình báo tín hiệu và tiến hành đo vẽ bản đồ đáy biển. Điều này cho thấy Hải quân Trung Quốc có thể tiến hành chuẩn bị cho tuần tra sẵn sàng chiến đấu thường lệ ở vùng biển Guam không lâu sau đó". 

Tàu sân bay Mỹ ở Guam.
Tàu sân bay Mỹ ở Guam.

Chuyên gia Larry Wortzel, thành viên Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung thuộc Quốc hội Mỹ cho rằng, thông qua đe dọa tiến hành tấn công Guam, ban lãnh đạo Trung Quốc có thể sẵn sàng hơn với việc sử dụng thủ đoạn quân sự để giải quyết khủng hoảng, đồng thời điều này cũng có thể hạn chế năng lực răn đe của Mỹ trong các cuộc xung đột. 

Larry Wortzel nhận định: "Quân đội Trung Quốc nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo thông thường mới là để tăng cường khả năng tấn công Guam, điều này có thể kiểm soát quy mô xung đột, tránh lật bài ngửa về hạt nhân".