Chuyên gia Mỹ: Sẽ còn hỗn loạn khi ai cũng muốn lôi kéo 74 triệu fan của ông Trump

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – VietTimes đã có cuộc trao đổi riêng với một số học giả Mỹ nhằm hiểu rõ hơn ý nghĩa của những diễn biến chính trị bất ngờ liên quan tới bầu cử Mỹ.

Ngày bầu cử đã kết thúc cách đây hơn hai tháng nhưng cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ (Ảnh: AFP)
Ngày bầu cử đã kết thúc cách đây hơn hai tháng nhưng cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ (Ảnh: AFP)

Ngày 6/1 (giờ Mỹ), lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ sẽ tổ chức phiên họp chung để chứng nhận ông Joe Biden là Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. 13 Thượng nghị sĩ và 140 Hạ nghị sỹ của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ bác bỏ việc chứng nhận kết quả kiểm phiếu đại cử tri của một số tiểu bang, cho rằng việc chứng nhận này là trái luật chiếu theo Hiến pháp và các quy chế của chính quyền tiểu bang.

VietTimes đã có cuộc trao đổi với một số học giả Mỹ nhằm hiểu rõ hơn ý nghĩa của những diễn biến chính trị bất ngờ này.

Bước đi chưa từng có tiền lệ

PV: 13 Thượng nghị sĩ Cộng hoà mới đây đã tuyên bố kế hoạch xác nhận chiến thắng của ông Biden tại Quốc hội Mỹ ngày 6/1 tới. Vì sao họ lại có động thái bất ngờ này?

Giáo sư Calvin Mackenzie: Các chính trị gia Mỹ luôn bận tâm về khả năng tái tranh cử trong kỳ bầu cử sắp tới. Những Thượng nghị sĩ và nghị sĩ Cộng hoà đang tiến hành những bước đi chưa từng có nhằm phản đối việc chứng nhận chiến thắng của ông Biden thực ra không hề hành động dựa trên bất kỳ niềm tin nào rằng họ có thể thành công.

Thay vì thế, họ làm vậy để cố gắng giành được sự ủng hộ của các cử tri tương lai, những người ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Đó là cái mà chúng ta gọi là “cử tri cốt cán” của Đảng Cộng hoà ngày nay.

Ngày 6/1, cuộc chiến hậu bầu cử giữa ông Trump và ông Biden sẽ kết thúc? (Ảnh: AP)
Ngày 6/1, cuộc chiến hậu bầu cử giữa ông Trump và ông Biden sẽ kết thúc? (Ảnh: AP)

Bất kỳ ứng viên Cộng hoà nào mong muốn giữ ghế thành công ở Quốc hội hay có cơ may chiến thắng trong các cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai đều sẽ phải giành được sự ủng hộ từ nhóm cử tri cốt cán này.

13 Thượng nghị sĩ sẽ thách thức việc chứng nhận chiến thắng của Biden đều đang tìm cách củng cố mối quan hệ của họ với nhóm cử tri nền tảng của Cộng hoà và không muốn gây nên cơn thịnh nộ từ Donald Trump.

Một số trong 13 người này, đặc biệt là Josh Hawley (Thượng nghị sĩ bang Missouri, người đầu tiên tuyên bố sẽ phản đối chiến thắng của ông Biden) và Ted Cruz (Thượng nghị sĩ bang Texas) có thể ra tranh cử tổng thống vào năm 2024.

Họ đang cố gắng lôi kéo những người ủng hộ Trump về phía mình.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz, người đứng đầu nhóm liên minh các thượng nghị sĩ Cộng hoà phản đối chiến thắng của ông Biden có thể là ứng viên Tổng thống 2024 (Ảnh: CBS)
Thượng nghị sĩ Ted Cruz, người đứng đầu nhóm liên minh các thượng nghị sĩ Cộng hoà phản đối chiến thắng của ông Biden có thể là ứng viên Tổng thống 2024 (Ảnh: CBS)

Giáo sư Terry Buss (Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ): Các thành viên Cộng hòa đã chọn phương thức hành động bác bỏ, sau khi hàng chục vụ kiện ở cấp tiểu bang, liên bang và Tòa án Tối cao đã không được toà thụ lý trong nỗ lực đảo ngược kết qủa bầu cử đầy tranh cãi. Đây là phương sách cuối cùng của họ.

Nhóm thành viên đảng Cộng hoà tuyên bố bác bỏ kết quả bầu cử cũng đưa ra yêu cầu thiết lập Uỷ ban Bầu cử để tiến hành”kiểm toán khẩn cấp trong vòng 10 ngày” đối với kết quả bầu cử tại các tiểu bang có tranh chấp. Nếu Ủy ban phát hiện thấy có vi phạm tại tiểu bang nào thì Cơ quan Lập pháp của tiểu bang đó sẽ họp để quyết định có lật ngược kết quả bầu cử của ông Biden hay không.

Trong lịch sử Mỹ, việc thiết lập một Uỷ ban như vậy mới chỉ xảy ra một lần vào năm 1876. Kết quả là ứng cử viên Cộng hòa, Rutherford Hayes, đã đắc cử Tổng thống thứ 19 của nước Mỹ với tỷ lệ phiếu chênh là một phiếu.

Luật yêu cầu ít nhất phải có một Thượng nghị sĩ và một Hạ nghị sĩ phản đối việc chứng nhận. Nếu đủ điều kiện đó, Quốc hội sẽ phải mở phiên tranh luận và biểu quyết để ra quyết định cuối cùng.

Tại sao nhóm nghị sĩ Cộng hoà lại phản đối kết quả bầu cử? Lý do chính là để bảo toàn tính hợp pháp của các cuộc bầu cử. Quan trọng hơn, đảng Cộng hòa muốn…

• Vạch trần hành vi gian lận của phe Dân chủ để đảm bảo việc gian lận như thế này sẽ không lặp lại trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 và bầu cử Tổng thống tiếp theo 2024.

• Đưa ra các vấn đề chủ chốt cho cuộc bầu cử 2022 và 2024

• Và để làm đậm một thông điệp rằng ông Biden là một Tổng thống bất hợp pháp, giống như cách mà phe Dân chủ nói về nhiệm kỳ vừa qua của ông Trump.

PV: Với ít nhất 13 thượng nghị sĩ và 140 hạ nghị sĩ Cộng hoà đã công khai tuyên bố kế hoạch phản đối chiến thắng của ông Biden tại Quốc hội, liệu hành động này có đủ đảo ngược kết quả bầu cử?

Giáo sư Chính trị học Calvin Mackenzie, Đại học Colby
Giáo sư Chính trị học Calvin Mackenzie, Đại học Colby

Giáo sư Calvin Mackenzie (Đại học Colby): Trước hết, chúng ta cần bắt đầu với thực tế khó chấp nhận đối với những người phản đối chiến thắng của Joe Biden. Biden đã giành chiến thắng cả phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri với cách biệt đáng kể.

Đây không phải là một cuộc bầu cử tổng thống với kết quả sít sao.

Những người phản đối ông Biden đến giờ vẫn chưa thể chứng minh bất kỳ gian lận phiếu bầu nào mà họ vẫn luôn cáo buộc. Những nỗ lực liên tiếp nhằm tước đoạt chiến thắng của ông Biden hoàn toàn dựa trên những căn cứ không có thật và bởi vậy họ sẽ không thể thành công.

Tuy nhiên, mức độ phản đối chiến thắng của ông Biden ở giai đoạn này trong tiến trình bầu cử quả thật chưa từng có tiền lệ. Nhưng nỗ lực của nhóm thành viên Quốc hội này cũng sẽ không đảo ngược được kết quả bầu cử bởi 13 thượng nghị sĩ và 140 hạ nghị sĩ chỉ chiếm thiểu số trong Thượng viện và Hạ viện, những nơi sẽ bỏ phiếu xác nhận chiến thắng của ông Biden vào ngày 6/1 này.

Thực chất, đây là một chiêu trò PR nhằm cố gắng bôi đen chiến thắng của Joe Biden và duy trì niềm tin của những cử tri Cộng hoà đã ủng hộ Donald Trump.

Giáo sư Terry Buss (Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ): Đảng Cộng hoà sẽ không thể giành được đa số cả ở Thượng viện và Hạ viện. Lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hoà) và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân chủ) đều chống lại việc bác bỏ kết qủa và yêu cầu các thành viên khác làm tương tự.

Giáo sư Terry Buss, Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ
Giáo sư Terry Buss, Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ

Sẽ tiếp tục có một nền chính trị rối loạn?

PV: Ông bình luận thế nào về những nỗ lực pháp lý của nhóm chiến dịch ông Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử cho đến nay?

Giáo sư Calvin Mackenzie (Đại học Colby): Những nỗ lực pháp lý của nhóm ông Trump nhằm thay đổi phiếu bầu ở một số bang chiến địa đều đã thất bại. Các luật sư đại diện cho chiến dịch Trump đã không đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy nào về gian lận bầu cử. Các thẩm phán toà án tiếp nhận các đơn kiện này vì vậy đã không thụ lý chúng.

Những vụ kiện này là nỗi xấu hổ cho hệ thống luật pháp Hoa Kỳ.

PV: Ông Trump đã kêu gọi người ủng hộ tổ chức cuộc tuần hành và biểu tình lên tới hàng triệu người tại Washington DC vào ngày 6/1. Cuộc tuần hành đó sẽ có tác động như thế nào?

Giáo sư Calvin Mackenzie (Đại học Colby): Cuộc tuần hành của nhóm MAGA (Make American Great Again) ngày 6/1 tới ở Washington DC mang tính chất biểu dương lực lượng hơn là tác động đáng kể nào đối với kết quả cuộc bầu cử. Nếu không có bạo lực xảy ra thì cuộc biểu tình hay tuần hành này cũng sẽ chỉ là một tin tức báo chí trong ngày.

Các nhà chức trách ở Washington đã tăng cường sự hiện diện của cảnh sát và lực lượng Cảnh vệ Quốc gia nhằm ngăn chặn bạo lực nổ ra. Thực tế thì các cuộc biểu tình, phản đối kiểu này là chuyện khá bình thường ở Mỹ và tác động của nó hiếm khi sâu sắc hay lâu dài.

Cuộc tuần hành của nhóm MAGA ủng hộ ông Trump diễn ra tại Washington DC hồi tháng 11 năm 2020 (Ảnh: Reuters)
Cuộc tuần hành của nhóm MAGA ủng hộ ông Trump diễn ra tại Washington DC hồi tháng 11 năm 2020 (Ảnh: Reuters)

Giáo sư Terry Buss (Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ): Những người ủng hộ đảng Cộng hoà có truyền thống phi bạo lực, tuy nhiên người ủng hộ ông Biden và các nhóm cánh tả cấp tiến có thể sẽ kích động bạo lực nếu họ có cơ hội. Cả hai phía đều muốn tô vẽ phe đối lập là chống dân chủ và vô luật pháp.

Cũng cần nhắc lại việc phe Dân chủ đã bắt đầu nỗ lực kéo dài suốt 4 năm để huỷ hoại thanh danh và tô vẽ ông Trump là Tổng thống bất hợp pháp từ trước khi ông chính thức nhậm chức năm 2016.

Cuộc tuần hành của một triệu phụ nữ ủng hộ phe Dân chủ đã được tổ chức tại Washington chỉ một ngày sau lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump. Viêc chuẩn bị cho một sự kiện ở quy mô như vậy chắc chắc phải diễn ra từ nhiều ngày trước đó.

Một số đảng viên Cộng hoà chắc chắn sẽ có màn đáp lễ: nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden sẽ không tránh được các cuộc tấn công liên tục, đặc biệt nếu phe Cộng hoà tiếp tục giữ quyền kiểm soát Thượng viện sau ngày 05 tháng 01.

PV: Kết cuộc của những sự việc này, theo ông, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nước Mỹ thời gian tới?

Giáo sư Calvin Mackenzie (Đại học Colby): Những khác biệt sâu rộng đang chia rẽ Đảng Cộng hoà và Dân chủ hiện nay sẽ không biến mất khi cuộc bầu cử này ngã ngũ. Các căng thẳng và xung đột đảng phái nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong những năm tới.

Điều đó sẽ khiến cho bất kỳ đảng nào lên nắm quyền phải đối mặt với những thách thức và khó khăn vô cùng lớn khi xây dựng và triển khai bất kỳ chính sách công quan trọng nào. Nước Mỹ sẽ tiếp tục có một nền chính trị quốc gia rối loạn và thường đi ngược lại với nhu cầu của người dân.

Giáo sư Terry Buss (Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ): Có vẻ như tình trạng hỗn loạn được bắt đầu từ thời Tổng thống George W. Bush, kéo dài suốt hai nhiệm kỳ của TT Barack Obama và nối tiếp dưới thời TT Donald Trump sẽ còn tiếp tục trong 4 năm tới đây./.