Chuyên gia Mỹ bày mưu “đánh sập” chiến lược Biển Đông của Trung Quốc

VietTimes -- Trung Quốc rêu rao những luận điệu quen thuộc như Mỹ là kẻ xâm lược gây mất ổn định khu vực; Trung Quốc là kẻ bị hại có đạo đức nhưng không may mắn; và nguyên nhân của tất cả những rắc rối trong khu vực đều là từ đồng minh và đối tác của Mỹ  như Philippines, Việt Nam và Malaysia…
Dàn chiến đấu cơ trên tàu sân bay Mỹ
Dàn chiến đấu cơ trên tàu sân bay Mỹ

Trước phán quyết của Tòa án quốc tế về vụ trọng tài do Philippines khởi kiện chống lại tuyên bố chủ quyền trên vùng biển đang tranh chấp trên Biển Đông, các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch PR mạnh mẽ trên toàn khu vực và thế giới để điều hướng dư luận quốc tế hòng bênh vực cho quan điểm sai trái của Bắc Kinh.

Họ muốn làm nổi bật những khía cạnh tích cực của cách ứng xử an ninh hàng hải của Trung Quốc và nhấn mạnh khía cạnh “kiềm chế” của việc tăng cường hiện diện trên Biển Đông, trong khi rêu rao những luận điệu quen thuộc như Mỹ là kẻ xâm lược gây mất ổn định khu vực; Trung Quốc là kẻ bị hại có đạo đức nhưng không may mắn; và nguyên nhân của tất cả những rắc rối trong khu vực đều là từ đồng minh và đối tác của Mỹ  như Philippines, Việt Nam và Malaysia…

Trung Quốc luôn khăng khăng một mực rằng nước này sẽ không công nhận thẩm quyền  của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) trong việc ra phán quyết cho vụ kiện này. Tóm lại, chiêu trò PR này có thể là một phần của sự điều chỉnh rộng lớn hơn, thông qua những hành vi đầy hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, đáp trả sự gia tăng các xu hướng khu vực và điều kiện địa chính trị không thuận lợi đối với nước này. Nếu như vậy, chiến dịch PR này tiết lộ điều gì về chiến lược hàng hải của Trung Quốc, và quan trọng hơn là Mỹ có thể làm gì để định hình và gây ảnh hưởng đến chiến lược trên?

Có thể có ba động cơ cho việc Trung Quốc áp dụng một biện pháp PR mạnh mẽ hơn. Trước hết là dự đoán về một phán quyết không có lợi từ PCA, Trung Quốc muốn có được vị thế cao về mặt đạo đức nhằm  ủng hộ cho lập trường ngoại giao, trong khi vẽ nên hình tượng nước Mỹ là kẻ xâm lược gây mất ổn định khu vực nhằm duy trì các tuyên bố chủ quyền trên biển, duy trì vị trí chiến lược và giảm thiểu tác động đến lợi ích quốc gia.

Thứ hai, Trung Quốc chắc chắn để ý  thấy rằng chủ nghĩa đơn phương của nước này trong những năm gần đây đã cảnh tỉnh các nước láng giềng (và các bên yêu sách trên Biển Đông) và khiến họ xích lại gần hơn với Mỹ ở mức độ nào đó, phá hoại mục tiêu cuối cùng của nước này về sự dẫn đầu khu vực (và có thể là toàn cầu). Do đó, chủ tịch Tập Cận Bình hiện nay đang cố thể hiện một chính sách đối ngoại tử tế, lịch thiệp và khoan dung hơn đối với các nước láng giềng. Hiển nhiên ông Tập muốn quan hệ hợp tác quốc tế, hệ thống các đối tác toàn cầu và viễn cảnh an ninh khu vực được đặc trưng bởi “tham vấn, xây dựng chung, chia sẻ và một mô hình quản trị an ninh với các đặc điểm châu Á” nhằm đối trọng lại với chính sách tái cân bằng của Mỹ đối với khu vực.

Thứ ba, Trung Quốc đã thực hiện các tính toán hợp lí và  nước này đã đạt được những thành quả đáng kể và hiện nay, Trung Quốc chỉ cần thực hiện sự kiên nhẫn chiến lược để củng cố những thành quả này. Việc bồi lấp các đảo và quân sự hóa một vùng biển rộng lớn đã cho phép Bắc Kinh giám sát và kiểm soát phần lớn Biển Đông. Do đó, trong khi Trung Quốc giữ vị thế có lợi trong khu vực, nước này phải đảm bảo không mạo hiểm với những hành vi hung hăng không cần thiết.

Cận cảnh một phần Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, xây dựng thành đảo nhân tạo trái phép
Cận cảnh một phần Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, xây dựng thành đảo nhân tạo trái phép

Nếu không, nó sẽ làm xói mòn thế chiến lược và xa hơn là trì hoãn kế hoạch chiến lược của nước này. Tất cả những điều Trung Quốc cần làm là duy trì sự quyết đoán thông qua lời nói để bảo vệ lợi ích chiến lược mà không phát sinh những hành vi vượt quá tầm kiểm soát có thể kích thích phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ, các đồng minh và  đối tác của nước này  trong khu vực hoặc những hành động tập thể từ các bên yêu sách trên Biển Đông.

Khi căng thẳng ở Biển Đông lúc lên lúc xuống, Trung Quốc đã để mắt tới bức tranh lớn hơn: phát triển sức mạnh hàng hải toàn diện. Đầu tháng 3/2016 vừa qua, Trung Quốc đã phê chuẩn phác thảo kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020). Đây là ảnh hưởng lớn đầu tiên của ông Tập về hướng đi chiến lược quốc gia và các vấn đề hàng hải nổi bật. Đó cũng là một cái nhìn quan trọng  về chiến lược hàng hải của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.

Các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông được định hướng bởi tầm nhìn chiến lược xuyên đại dương về “một không gian kinh tế xanh và lãnh thổ xanh”, đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của Trung Quốc. Biển Đông hiện nay đã trở thành điểm nóng – khủng hoảng nóng bỏng- nhưng sự chú trọng  của Trung Quốc chắc chắn sẽ thay đổi trong tương lai. Tiếp theo có thể là sự trở lại biển Hoa Đông để tìm kiếm cho những mục tiêu mới, thâm nhập vào Ấn Độ Dương hoặc thậm chí là Bắc Cực.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Quả thực, căng thẳng có vẻ như đang gia tăng trở lại trên biển Hoa Đông, dẫn chứng là sự kích động ngày càng tăng của Trung Quốc; sự mất lòng tin của tân tổng thống Đài Loan mới nhậm chức Thái Anh Văn và sự xâm nhập đầy khiêu khích của Trung Quốc vào vùng lãnh hải được Nhật Bản tuyên bố chủ quyền và quản lý quanh quần đảo Senkaku.

(còn tiếp)

* Lược thuật bài viết trên National Interest của tác giả Tuan N. Pham là một sĩ quan hải quân Mỹ với kinh nghiệm vận hành dày dặn trên vùng biển Ấn Độ - Châu Á – Thái Bình Dương.