NVB là một trong những cổ phiếu ngân hàng đang nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Không chỉ hút tiền, cổ phiếu này còn liên tục bứt phá, tăng trưởng bằng lần kể từ đầu năm 2021.
Sự thăng hoa của cổ phiếu NVB đã giúp CTCP Chứng khoán Everest (Mã CK: EVS) hưởng lợi lớn từ khoản đầu tư có 'thâm niên' tới gần 4 năm của mình.
EVS đang lãi bằng lần từ các hoản đầu tư vào NVB và GMA |
Cụ thể, tại ngày 30/6/2021, EVS ghi nhận giá trị thị trường của khoản đầu tư vào cổ phiếu NVB là 244,9 tỉ đồng, chênh lệch tăng 139,4 tỉ đồng so với giá mua trong kỳ.
Khoản chênh lệnh này đóng góp lớn vào nguồn lãi từ đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ của EVS. Từ đó, giúp công ty chứng khoán này báo lãi 178,1 tỉ đồng sau nửa đầu năm 2021, cao gấp 48,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, EVS bắt đầu rót tiền mua mạnh cổ phiếu NVB từ nửa cuối năm 2017. Song song với đó là những chuyển biến trong cơ cấu cổ đông của công ty chứng khoán này.
Cuộc đổi chủ ở EVS
EVS tiền thân là CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS), từng do nhóm Ocean Group nắm cổ phần chi phối, thông qua những pháp nhân và cá nhân có liên quan như: CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương và ông Vũ Hồng Sơn.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhóm nhóm Ocean Group rục rịch thoái lui tại OCS từ nửa cuối năm 2017.
Nổi bật là việc ông Vũ Hồng Sơn giảm mạnh tỉ lệ sở hữu tại OCS từ 23,97% xuống còn 10% vốn điều lệ. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – cổ đông lớn lâu năm của OCS - cũng triệt thoái 8,33% vốn tại công ty này.
Đến tháng 1/2018, OGC cũng tiến hành thoái toàn bộ 37,5% cổ phần tại OCS, với giá trị chuyển nhượng là 292,5 tỉ đồng, cao hơn 16% giá trị sổ sách.
Khá thú vị nếu biết rằng, thương vụ này nhằm giúp OGC xử lý khoản vay tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – Mã CK: NVB).
Ở chiều hướng ngược lại, OCS đón thêm tới 7 cổ đông lớn mới, đều là các nhà đầu tư cá nhân, bao gồm: ông Bùi Việt Anh (9,36% VĐL), ông Trần Đình Lợi (9,17% VĐL) và ông Phạm Ninh Hải (7,5% VĐL), ông Nguyễn Ngọc Khánh (9,5% VĐL), ông Nguyễn Thanh Tùng (9,5% VĐL), bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương (9% VĐL) và ông Phạm Xuân Thành (9,5% VĐL).
Đổi chủ, OCS đổi tên thành CTCP Chứng khoán Everest, các hoạt động sau này mang đậm dấu ấn của nhóm Gami Group. Người sáng lập tập đoàn này – ông Nguyễn Tiến Dũng – hiện là Phó Chủ tịch HĐQT NCB.
Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Phạm Ninh Hải – cổ đông lớn của EVS – cũng là người đại diện của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Gia Tuệ. Pháp nhân này từng sở hữu tới 1,4 triệu cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu Khoáng sản (Minexport) – thành viên của Gami Group.
Như VietTimes từng đề cập, tháng 12/2020, EVS đã thu xếp cho Minexport huy động thành công 300 tỉ đồng trái phiếu với mức lãi suất danh nghĩa tương đối ‘mềm’, chỉ 11%/năm.
Được biết, EVS cũng từng nắm giữ tới 215,7 tỉ đồng trái phiếu của CTCP Gami Hội An. Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của EVS – ông Nguyễn Hải Châu – cũng có nhiều mối liên hệ với nhóm Gami Group.
Khoản đầu tư ít biết của EVS tại GMA và Việt Media
Ông Nguyễn Hải Châu hiện cũng là Chủ tịch HĐQT của CTCP Enteco Việt Nam (Mã CK: GMA) – nơi CTCP Tập đoàn Gami đang là cổ đông lớn, trực tiếp nắm giữ 18% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, một số thành viên có liên quan tới nhóm Gami Group như Công ty TNHH Đầu tư G-Holding (G-Holding) và EVS cũng là cổ đông lớn của GMA, với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 18% và 15% vốn điều lệ.
Tổng cộng, cả 3 pháp nhân kể trên đã chiếm tới quá nửa cổ phần của GMA.
Theo tìm hiểu của VietTimes, EVS đã rót tiền mua cổ phiếu GMA trong năm 2020 với giá trị ghi nhận là 5 tỉ đồng. Với 900.000 cổ phần đang nắm giữ, tính ra, công ty này chỉ phải trả 5.556 đồng cho mỗi cổ phiếu GMA.
Đáng chú ý, tính đến ngày 30/6/2021, khoản đầu tư này có giá trị thị trường lên tới 51,5 tỉ đồng, đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh của EVS.
Ngoài NVB và GMA, EVS còn có khoản đầu tư 55,98 tỉ đồng vào CTCP Thương mại Dịch vụ Giải trí Việt Media (Việt Media). Dù ít gây chú ý, song khoản đầu tư này cũng bắt đầu được ghi nhận cùng với thương vụ đầu tư của EVS vào cổ phiếu NVB.
Theo dữ liệu của VietTimes, Việt Media được thành lập vào tháng 12/2015, với quy mô vốn điều lệ ban đầu là 200 tỉ đồng. Công ty này có 3 cổ đông sáng lập, bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Lotus (70% VĐL), và các bà Đỗ Thị Hoà (20% VĐL) và Thân Thị Thu Huyền (10% VĐL).
Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Lotus và bà Đỗ Thị Hoà đã thoái vốn khỏi Việt Media vào tháng 12/2017. Pháp nhân này sau đó cũng chứng kiến nhiều sự thay đổi nhân sự cấp cao, chức vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật lần lượt do các ông Đỗ Đức An (SN 1977) và Cao Quang Minh (SN 1979) đảm nhiệm.
Keppel Land rút khỏi Hanoi Westgate
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Lotus (Lotus) được thành lập bởi vào tháng 12/2016.
Ông chủ Lotus còn là người đại diện theo pháp luật của nhiều pháp nhân liên quan tới Gami Group như: Công ty TNHH Liên doanh Hanoi Westgate, CTCP Gami Hospitality, CTCP Dịch vụ Du lịch Giao Hưởng Xanh.
Trong đó, Công ty TNHH Liên doanh Hanoi Westgate (Hanoi Westgate) là chủ đầu tư xây dựng Khu đô thị Hanoi Westgate, quy mô 52,5ha tại Hà Nội.
Tính đến tháng 12/2015, công ty này có vốn điều lệ 742,7 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Tài chính Phát triển doanh nghiệp (thành viên của Gami Group) góp 297 tỉ đồng, sở hữu 40% VĐL; Keppel Land Invesment Holding Pte. Ltd góp 445,6 tỉ đồng, sở hữu 60% VĐL.
Cập nhật tới tháng 1/2018, cơ cấu cổ đông của Hanoi Westgate đã được thay mới, với sự góp mặt của Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (35,775% VĐL) và Công ty TNHH Brick & Mortar Dream Homes (64,225% VĐL). Cả hai pháp nhân này – theo tìm hiểu của VietTimes – đều có liên quan tới Gami Group./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu