Các chuyên gia tham dự buổi toạ đàm “Giá nhà có giảm do COVID-19?” (Ảnh chụp màn hình) |
Phát biểu tại toạ đàm, Giám đốc CBRE Việt Nam Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, chủ đầu tư và người mua nhà đã thay đổi hành vi rất nhiều, có sự thích nghi với điều kiện thị trường mới, chấp nhận thực tế rằng dịch bệnh Covid-19 sẽ còn kéo dài.
Thị trường bất động sản ở các đô thị lớn cũng có những chuyển biến đáng chú ý. Thị trường tại Tp. HCM có sự suy giảm nguồn cung, trong khi thị trường Hà Nội tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2021, Hà Nội có 24 dự án chào bán, còn Tp. HCM chỉ có 11 dự án. Nguồn cung chủ yếu đến từ các khu đô thị lớn, có quy mô hơn 70ha.
Số liệu của CBRE Việt Nam cho thấy, doanh số bán nhà tại Hà Nội và Tp. HCM tăng rất mạnh, lần lượt đạt 28% và 20% so với cùng kỳ. Giá nhà cũng có xu hướng tăng, đạt 16% ở Tp. HCM và 7% ở Hà Nội. Đáng chú ý, tỉ lệ hấp thụ cũng rất cao, lên tới 76% cho các dự án chào bán mới tại Tp. HCM
Đối với phân khúc thứ cấp, khảo sát của CBRE cũng cho thấy giá nhà vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng. Tại Tp. HCM, các khu vực như Thủ Thiêm, Thành phố Thủ Đức giá không giảm. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Hà Nội.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc CBRE Việt Nam |
“Có những nhà đầu tư từng chào bán 6,5 tỉ đồng/căn, cao hơn 30% so với chi phí đầu tư nhưng giờ họ chỉ chào bán khoảng 6-6,2 tỉ đồng/căn, tức là chấp nhận giảm từ 5-10%.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư giảm giá bán hoặc chịu lỗ để có thanh khoản nhanh. Tuy nhiên, điều này không xuất hiện như một trào lưu mà chỉ ở một số sản phẩm, một số dự án” – ông Kiệt nói.
‘Để có căn hộ 2 tỉ đồng cực kỳ khó’
Cũng theo chuyên gia từ CBRE Việt Nam, các căn hộ giá rẻ đã ‘tuyệt chủng’ tại trung tâm Tp. HCM. Thị trường này đã vắng bóng các sản phẩm có giá dưới 800 USD/m2 trong 2 năm trở lại đây. Các sản phẩm giá rẻ, dưới 2 tỉ đồng/căn thường nằm ở vùng ven, xa trung tâm.
Tuy nhiên, việc nhiều dự án giao thông tại Tp. HCM chậm tiến độ, chưa hoàn thành khiến nhiều người dân còn ngần ngại. “Họ chịu nhiều áp lực về việc cho con cái đi học ở đâu, thăm khám ở bệnh viện nào, mua sắm ra sao” – ông Kiệt nói.
Trong khi đó, yếu tố giúp thị trường Hà Nội phát triển đồng đều là sự kết nối về hạ tầng giao thông và xã hội. Điều này giúp người dân không ngần ngại mua các sản phẩm ở xa trung tâm nếu có giá phù hợp.
Theo Giám đốc CBRE Việt Nam, việc phát triển căn hộ giá rẻ là bài toán chung của toàn xã hội, không chỉ riêng của các chủ đầu tư và chính phủ. Việc có các cơ chế hỗ trợ, công thêm đầu tư về mặt hạ tầng sẽ giúp người dân an tâm hơn, vì dù xa về mặt khoảng cách nhưng sẽ không xa về mặt tiện ích.
Đi sâu vào phân tích chi phí, ông Ngô Quang Phúc – CEO Phú Đông Group cho rằng “để có căn hộ 2 tỉ đồng cực kỳ khó”.
Để phát triển được phân khúc này, chủ đầu tư phải có quỹ đất giá rẻ, điều ngày càng khan hiếm tại các khu vực phát triển như Tp. HCM. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cũng có tác động rất rõ, làm tăng chi phí cho chủ đầu tư rất nhiều. Thêm nữa, chủ đầu tư còn phải chịu thêm các chi phí khó có thể cắt giảm như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Song, CEO Phú Đông Group cũng chỉ ra xu hướng mới của thị trường, khi khái niệm địa giới hành chính của nhà đầu tư đã thay đổi.
“Khái niệm trung tâm giờ không chỉ gói gọn ở quận 1, mà đã mở rộng ra trung tâm của các siêu đô thị, khu đô thị vệ tinh với đầy đủ tiện nghi và hạ tầng kết nối. Đây là cơ hội để phát triển các bất động sản vùng ven”, ông Phúc nói./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu