Chưa biết nói đã bị nhiều nhóm antifan chĩa mũi dùi, em bé có tội tình gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Em bé chưa biết nói đã có hội nhóm antifan với số lượng thành viên đông đảo, phải nhận những đánh giá không đáng có. Em bé có tội tình gì, có vấn đề gì để bị đánh giá về tư cách, đạo đức?”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD đặt vấn đề.

Tại TikTok Safety Summit 2024, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), cho biết những tài khoản trẻ em đã đóng góp lượt view rất lớn cho các nội dung trực tuyến.

Dẫn chứng những video được xem nhiều nhất Việt Nam hiện nay đa phần có yếu tố trẻ em như: Một con vịt, Bống bống bang bang, hay các video của bé Xuân Mai, bà Phương Linh cho rằng, trẻ em đang trở thành đối tượng tiêu thụ nội dung số, trở thành người dùng nội dung trực tuyến mà người lớn có thể không nhận ra.

PLinh.JPG
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD)

Viện trưởng MSD cho rằng cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về việc các nội dung đó được truyền tải như thế nào tới các em nhỏ.

“Em bé từ khi chưa biết nói đã có hội nhóm antifan với số lượng thành viên đông đảo, phải nhận những đánh giá không đáng có. Em bé có tội tình gì, có vấn đề gì để đánh giá về tư cách, đạo đức của em?”, bà Nguyễn Phương Linh đặt câu hỏi.

Nhắc tới những em bé nổi tiếng trên môi trường mạng từ lúc lọt lòng nhưng đã phải hứng chịu đánh giá không đáng có từ cộng động mạng, bà Linh bày tỏ phẫn nộ vì những tài khoản mạng antifan vô tình với một em bé còn chưa biết nói.

Nhân việc này, nhà nghiên cứu phát triển bền vững cũng lưu ý các phụ huynh về những rủi ro trên môi trường mạng. Theo bà Linh, khi một em bé trở thành nhân vật của nội dung lan toả trên mạng, liệu phụ huynh có lường hết được những nội dung đó sẽ phải chịu sự đánh giá như thế nào, đặc biệt là khi các tài khoản này có thể kết nối khắp mọi nơi, khiến thông tin tiêu cực lan toả không ngừng.

Hiện, nhiều trẻ em đã trở thành “chủ lực” sáng tạo nội dung để tạo ra thu nhập cho gia đình, góp phần tạo ra nhiều nội dung sáng tạo rất tích cực, đáng hoan nghênh. “Nhưng chúng ta cần quan tâm đến bản thân trẻ, liệu những lao động nhí trên môi trường mạng có đủ thời gian để được vui chơi và hưởng các quyền lợi như các trẻ em khác không”, bà Linh nói.

Pam 1.png
Một trong số những hội nhóm Antifan em bé nhỏ tuổi với lượng người tham gia lớn.

Viện trưởng MSD nhắc tên trường hợp của Pam - "em bé quốc dân" điển hình, sinh năm 2022, là con gái của Salim và thiếu gia Hải Long. Thời gian gần đây, Pam đang trở thành hiện tượng khi đạt 1 triệu người theo dõi trên Instagram, hàng triệu lượt like trên TikTok.

Hình ảnh của Pam không chỉ có trên trang riêng do bố mẹ em bé quản lý, mà còn xuất hiện trên khắp các nền tảng do fan đăng lại. Biểu cảm của Pam cũng được dùng làm sticker, làm câu bình luận. Tài khoản mạng xã hội của nhiều người dùng tràn ngập hình ảnh của bé Pam.

Bên cạnh những người yêu quý bé Pam, trên các mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến xuất hiện nhiều hội nhóm của antifan bé Pam. Trong đó có những hội nhóm hiện đã có hơn 4.000 thành viên, với những bài viết và lời lẽ nặng nề dành cho em bé Pam từ khi còn chưa biết nói.

Nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao bé Pam mới chỉ 2 tuổi, mới nổi tiếng hơn 1 năm nhưng group anti đã có rất đông thành viên. Vì sao bé Pam còn chưa nhận thức được về cuộc sống đã phải hứng chịu những bình luận, đánh giá không tốt đẹp từ người lớn.

Điều này dẫn tới nguy cơ Pam và các em bé sớm nổi tiếng khác có thể đánh mất sự riêng tư tuổi ấu thơ, khó có thể lớn lên trong môi trường lành mạnh và vô tư như những em bé đồng trang lứa.

TikTok Safety Summit 2024 nhằm hướng đến phát triển môi trường số an toàn, đáng tin cậy cho các hoạt động sáng tạo trên nền tảng.

Trong Tiêu chuẩn Cộng đồng vừa được cập nhật, TikTok tăng cường sự chủ động của người dùng đối với xử lý các nội dung vi phạm cũng như bổ sung chi tiết cách kiểm duyệt các tính năng Tìm kiếm, TikTok LIVE và Trang "Dành cho bạn."

Các nội dung, dù đăng tải ở chế độ công khai hay riêng tư, khi được phát hiện vi phạm các quy tắc của TikTok đề ra sẽ được gỡ bỏ khỏi nền tảng.

TikTok sẽ giới hạn độ tuổi với nội dung không phù hợp với trẻ vị thành niên. Đội ngũ kiểm duyệt của TikTok sẽ làm việc sát sao để đảm bảo người dùng nhỏ tuổi được tiếp cận với các nội dung phù hợp. Các nội dung xuất hiện trên Trang “Dành cho bạn” phải ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dùng và dựa trên sự đa dạng của cộng đồng cùng các chuẩn mực văn hóa.

TikTok cũng cung cấp cho người dùng bộ công cụ để quản lý trải nghiệm cá nhân và đăng tải nguồn tài nguyên này trên Trung tâm An toàn. Một vài tính năng nổi bật được TikTok trang bị có thể kể đến như: Vô hiệu hoá tin nhắn, Kiểm soát tin nhắn, Kiểm soát nội dung, Kiểm soát bình luận, Bộ lọc bình luận hoặc Báo cáo,...

Các phương án kiểm duyệt nội dung của TikTok đều sẽ dựa trên cơ sở của những nguyên tắc chung, qua đó hướng tới tính công bằng trong các hoạt động của nền tảng, bảo vệ phẩm giá con người, đồng thời cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận và ngăn chặn các hành vi gây hại.

Việc phát triển các nội dung đề cao giá trị giải trí cần phải song hành với nỗ lực tương tác ý nghĩa và tích cực. TikTok cũng đã giới thiệu cho cộng đồng sáng tạo nội dung bộ giải pháp giúp hoạt động hiệu quả trên nền tảng và an tâm kết nối với người dùng.

TikTok đưa ra hệ thống cảnh cáo đối với lần đầu vi phạm. TikTok sẽ gửi cảnh báo cho nhà sáng tạo đối với những nội dung vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng lần đầu tiên.

Với tính năng Kiểm tra tài khoản (Account Check), TikTok sẽ hỗ trợ nhà sáng tạo kiểm tra nhanh chóng tình trạng của tài khoản và 30 bài đăng gần nhất của họ.

TikTok cũng giới thiệu bộ Quy tắc ứng xử dành cho nhà sáng tạo nội dung tập hợp những tiêu chuẩn tăng cường, bên cạnh Tiêu chuẩn Cộng đồng, hướng đến hoạt động cụ thể của các nhà sáng tạo nội dung.