Chủ tịch VinGroup, Sun Group, Thaco, TH, Geleximco... kiến nghị gì khi gặp Thủ tướng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ ngày 21/9, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp ý kiến, đề xuất sáng kiến để chung tay phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Doanh nhân Phạm Nhật Vượng: "Cần đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh"

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VinGroup chia sẻ, Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước đã thể hiện sự quan tâm, động viên và là hành động truyền lửa để cộng đồng doanh nghiệp như VinGroup có thêm động lực, năng lượng phấn đấu phát triển kinh tế hơn nữa.

Tại Hội nghị, ông Phạm Nhật Vượng đã đưa ra đề xuất ở 3 nhóm vấn đề. Thứ nhất, vấn đề về đào tạo, đại diện tập đoàn đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu.

Tập đoàn VinGroup và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa. "Nếu chúng ta đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu vùng xa đến các thành thị thì giống như chúng ta tạo "cần câu cơm" tốt hơn cho trẻ ở những vùng khó khăn, góp phần phát triển các vùng này trong tương lai", vị Chủ tịch nói.

Thứ 2, Tập đoàn VinGroup đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn… Theo đó, cùng với thời gian, chúng ta sẽ tạo ra một lượng lớn lao động trong ngành này. Thực tế, ngành này sẽ có tương lai hơn rất nhiều so với các ngành khác.

img9566-17268906714871087146983.jpg
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn VinGroup. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Về vấn đề an sinh, trọng tâm là nhà ở xã hội, Tập đoàn đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, vì hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan nội dung về 10% lợi nhuận.

Cụ thể, nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh.

Đồng thời, Tập đoàn VinGroup cũng đề nghị Chính phủ cho phép công tác chuẩn bị đồng thời các loại quy hoạch, quy hoạch chung và phân khu, quy hoạch chi tiết và liên khu đoàn. Khi đó, chúng ta sẽ rút ngắn được từ 6-9 tháng cho công tác này.

Thứ 3, đề nghị Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác…

Trong nhóm nhà ở xã hội, cũng cần dành riêng khu cho cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội…

Thứ 4, Tập đoàn đề nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ. Nếu đẩy mạnh việc này thì chúng ta sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ rất mạnh. Bước đầu, hiện nay chúng ta đã có một số doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất công nghiệp.

Chủ tịch Sun Group: "Xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do tại Phú Quốc"

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group nhấn mạnh vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển "ngành công nghiệp không khói".

img9592-17268958048901528718362.jpg
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Sun Group, nêu kiến nghị tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo ông Đặng Minh Trường, cần thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm mang tính trọng lực phát triển kinh tế-xã hội. Đi kèm với cơ chế lựa chọn này, cũng cần có các cơ chế đặc thù đi kèm.

"Đối với một dự án nếu đưa ra đấu thầu, đấu giá thì mất rất nhiều thời gian, 2-3 năm, thậm chí hơn. Tuy nhiên, với một số dự án lớn tạo động lực thì chỉ có một số doanh nghiệp đủ sức thực hiện, cuối cùng thì cũng sẽ chọn chúng tôi mà lại mất rất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội và tiền bạc", ông Trường nêu ví dụ.

Đồng thời, Chủ tịch Sun Group cũng kiến nghị xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc… nhằm phát triển thu hút đầu tư

"Các hình thức này phổ biến trên thế giới như đảo Hải Nam (Trung Quốc), đảo Zeju (Hàn Quốc). Mặc dù Phú Quốc là địa danh rất nổi tiếng nhưng công tác truyền thông quảng bá chưa được tương xứng. Với cơ chế đặc thù theo mô hình kinh tế tự do thì chắc chắn Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng mới của thế giới", ông Trường nói.

Liên quan đến cơ chế dành cho thị trường khách du lịch nước ngoài, ông Trường đề xuất các bộ, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, miễn thị thực ngắn hạn thí điểm cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn, chi tiêu cao; cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần cho phân khúc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu…

Bà Thái Hương: "Cần chính sách đưa nông dân thành một mắt xích trong sản xuất"

Phát biểu tại hội nghị, bà Thái Hương - nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á nhấn mạnh, thế giới hiện đại có những thành tựu vô cùng to lớn về khoa học công nghệ, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây...

Để tận dụng những thành tựu này, bà Thái Hương cho rằng cần có một số quyết sách, những cơ chế chính sách phù hợp cho từng thời kỳ, cho từng ngành nghề để khích lệ, để biến khát vọng thành hiện thực.

Bên cạnh đó, cần tận dụng các lợi thế của đất nước như nông-lâm-ngư-nghiệp và thành tựu to lớn của thế giới; thay đổi phương thức sản xuất từ manh mún, lạc hậu, nhỏ lẻ trở thành phương thức sản xuất hiện đại, tiên tiến…

img9588-1726895526967832018123.jpg
Bà Thái Hương, Chủ tịch TH Group phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Nữ doanh nhân Thái Hương nhấn mạnh cần có cơ chế chính sách lôi kéo các doanh nghiệp đủ tâm - trí - lực, say mê, thực sự phải có khát vọng cống hiến, và đưa nông dân thành một mắt xích trong chuỗi giá trị khép kín, sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu.

Theo bà Thái Hương, Tập đoàn TH đã thành công đưa người nông dân tham gia vào thành một mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất - hàng hóa theo chuẩn quốc tế, đưa họ trở thành các công nhân nông nghiệp công nghệ cao, xóa đói giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu; đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương.

"Tại Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa ở Nghĩa Đàn – Nghệ An, người nông dân trồng thức ăn thô xanh cho bò theo hướng dẫn kỹ thuật của TH và được TH bao tiêu đầu ra.

Nhiều người được tạo việc làm trên quê hương; con cái họ được học hành đầy đủ, trở thành nhà quản lý, kỹ sư và công nhân lành nghề, có cuộc sống ổn định và thực sự hạnh phúc", bà Thái Hương dẫn chứng.

Nói về vai trò của ngành sản xuất sữa và sản phẩm sữa tươi đối với công cuộc cải thiện sức khỏe, tầm vóc, chiều cao của người Việt, bà Hương cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song vẫn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ mà chiều cao trung bình còn thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số 201 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

"Ở nhiều quốc gia trên thế giới, như Nhật Bản, từ năm 1954, đã có Luật dinh dưỡng học đường, quy định các tiêu chuẩn dinh dưỡng và quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường. 70 năm sau, đã không có cụm từ “Nhật lùn” nữa.

Tôi có một khát vọng trăn trở là làm thế nào để con trẻ có nguồn dinh dưỡng và nguồn sữa tươi trong bữa ăn học đường chuẩn chỉ nhất, đặc biệt là trong độ tuổi từ 0-12 tuổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 86% chiều cao và thể chất của một đời người phát triển khi đến 12 tuổi. Như vậy, việc đầu tư về thể lực và trí lực cho lứa tuổi vàng này là vô cùng quan trọng để không bỏ lỡ cơ hội phát triển quý giá trong vòng đời.

Từ tâm nguyện góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt và bề dày kinh nghiệm của mình trong công cuộc cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt, Tập đoàn TH xin đề xuất xây dựng một bộ luật riêng tên là Luật Dinh dưỡng học đường, theo kinh nghiệm các nước đã thành công trong đó có Nhật Bản là một minh chứng rõ ràng.

Rất mong Thủ tướng chỉ đạo sát sao hơn nữa để Bộ Y tế thực hiện những nhiệm vụ, những sứ mệnh được giao phó. Bởi đã có mô hình điểm và nhiều hoạt động thực nghiệm, thực tiễn chỉn chu với sự tư vấn của các chuyên gia độc lập, Viện dinh dưỡng, Bộ Y tế…", bà Hương nói.

Ông Trần Bá Dương: "Mong được quan tâm về công nghiệp phụ trợ"

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải cho biết, hiện nay đang là giai đoạn thay đổi rất nhiều về công nghệ, đặc biệt ngành công nghiệp ô tô đang hướng tới xanh, sạch.

Tập đoàn Trường Hải đang theo đuổi là trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và các khu vực, đặc biệt khu vực Asean… Đối với ô tô thì vấn đề xanh, tiện ích đang là xu hướng.

Tuy nhiên, nếu chuyển qua hoàn toàn xe điện thì đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian về đầu tư hạ tầng, về an toàn… Hiện nay, gần như các hãng ô tô mà Trường Hải hợp tác thì đều có xe điện nhưng số lượng vào Việt Nam còn hạn chế.

img9569-1726893433645240799402.jpg
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải .(Ảnh: VGP/HM)

Lãnh đạo Tập đoàn Trường Hải mong muốn có các hội thảo để các bên đóng góp đề xuất, ý kiến nhằm thay đổi xu hướng của thị trường các loại xe như xe xanh, ít tiêu hao nhiên liệu, xe có pin có sạc điện…

Về công nghiệp hỗ trợ, để đầu tư lĩnh vực này, đòi hỏi về sản lượng lớn và rất nhiều về công nghệ. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đã có trong rất nhiều ngành nghề. Trường Hải may mắn "đi sớm" vào lĩnh vực cơ khí.

"Chúng tôi đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, vì hiện nay các nước FDI đưa sang Việt Nam lắp ráp và chuyển về rất nhiều, trong số đó, chúng ta sản xuất từ 35-40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng…", ông Trần Bá Dương cho biết.

Trong lĩnh vực về linh kiện ô tô, năm 2024, Trường Hải đã bán cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với 13 triệu USD, dự kiến sang năm sẽ nhiều hơn.

Vì vậy, đại diện Tập đoàn Trường Hải cũng kiến nghị đối với công nghiệp phụ trợ, rất mong Chính phủ xem xét và quan tâm. Hiện nay, lĩnh vực cơ khí có tính về đời sống, lao động giản đơn, phù hợp với một lượng lớn lao động ở Việt Nam, do đó đây cũng là cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam cũng như xuất khẩu.

Đối với nông nghiệp, ông Trần Bá Dương đề xuất, với khu vực như Tây Nguyên có thể chuyển đổi theo hình thức vừa rừng vừa chăn nuôi, thậm chí có một số chuyển đổi nông nghiệp để có những khu liên hợp vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi để làm được tuần hoàn. Đây là hướng phát triển rất tốt ở Việt Nam.

Điển hình, thời gian vừa rồi, người dân trồng sầu riêng rất tốt và đã xuất khẩu được loại quả này.

Ông Lê Văn Kiểm: "Các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương mong sớm triển khai"

Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn KN Group – Tập đoàn đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, năng lượng tái tạo (điện mặt trời) bày tỏ, tập đoàn vô cùng tin tưởng vào hướng đi đúng đắn của Chính phủ với các chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và kinh tế thương mại.

Tập đoàn KN Group xác định phát triển bền vững, trong đó ưu tiên tập trung 2 lĩnh vực, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và phát triển năng lượng tái tạo.

img9561-1726893482332583913367.jpg
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn KN Group. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Hiện tại, KN Group đang hướng tới xây dựng trung tâm công nghiệp thế hệ mới, hiện đại, đầy đủ tiện nghi cho công nhân viên và những chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp, đưa Việt Nam có thể làm chủ công nghệ phát triển mạnh mẽ và các trung tâm đào tạo ngành nghề, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển giao thông thuận lợi, hiện đại.

Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn KN Group kỳ vọng, cùng với sự ủng hộ của Chính phủ sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu Make in Việt Nam vươn tầm quốc tế.

"Chúng tôi cũng mong Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, AI…", ông Lê Văn Kiểm cho biết.

Về lĩnh vực năng lượng, Chủ tịch Tập đoàn KN Group khẳng định, Chính phủ đã thể hiện sự ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện kế hoạch cam kết quốc tế, chống biến đổi khí hậu thông qua ban hành quy hoạch điện 8 vừa qua.

Tập đoàn KN Group mong Thủ tướng và các lãnh đạo quan tâm, xem xét cho các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, đảm bảo tính khả thi, triển khai nhanh thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp và ít sử dụng đất như các dự án điện năng lượng mặt trời nổi, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, thì được ưu tiên triển khai trong dự án điện 8 và xem xét tăng thêm công suất trong điều chỉnh quy hoạch điện lưới quốc gia.

Điều này không chỉ góp phần tăng thêm nguồn năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế trong tương lai mà còn thu hút các tập đoàn lớn mong muốn được sử dụng năng lượng sạch, để được chứng nhận xanh cho sản phẩm cho họ.

Ông Vũ Văn Tiền: Tăng cường phân cấp, phân quyền

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền trong đầu tư các dự án.

"Thủ tướng, các Phó Thủ tướng động viên chúng tôi rất nhiều nhưng ở dưới có cả một rừng cơ chế, chính sách, chúng tôi vào không biết đi lối nào, ra lối nào. Tôi đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục", ông Tiền nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Ree Group đề xuất Chính phủ nên giao quyền cho tỉnh để cấp chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp bởi tỉnh hiểu rõ về năng lực, uy tín của từng nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Ngoài ra, bà Mai Thanh cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có những chính sách miễn giảm thuế phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư…