Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV (Ảnh: Văn Lâm) |
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023) của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã CK: BID) vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 50.585,2 tỉ đồng lên 61.557,1 tỉ đồng.
Trong đó, bên cạnh việc phát hành 641,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021, BIDV dự kiến sẽ tiếp tục kế hoạch phát hành thêm 455,2 triệu cổ phiếu (tương đương 9% vốn điều lệ) bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Đây là phương án đã được AGM 2022 của BIDV phê duyệt từ tháng 4/2022.
Chia sẻ tại đại hội, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cho biết ngân hàng đã rất nỗ lực thực hiện kế hoạch này. Trong 3 năm qua, BIDV đã tiếp xúc 38 nhà đầu tư, song chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp.
Theo ông Tú, tình hình kinh tế không thuận lợi và sự thu hẹp khẩu vị rủi ro đối với các thị trường mới nổi, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước đã làm giảm nhu cầu mở rộng đầu tư của các quỹ đầu tư vào nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
"Năm 2023, BIDV sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Hiện đã có một số nhà đầu tư tiềm năng nhưng chưa thể công bố. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện việc phát hành riêng lẻ 9% cổ phần trong năm 2023”, ông Tú nói.
Cũng theo ông Tú, BIDV sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp nhất, có thể là các định chế tài chính, các công ty muốn đầu tư vào BIDV.
Thông tin thêm về rủi ro tín dụng của ngành ngân hàng, ông Phan Đức Tú cho biết, xu hướng nợ xấu ngành ngân hàng năm 2023 bị ảnh hưởng lớn bởi kinh tế thế giới khi một số ngân hàng đổ vỡ.
Tại Việt Nam, tình hình kinh tế tương đối ổn định, song vẫn gặp một số khó khăn như tổng cầu nền kinh tế thấp, năng lực tài chính của các doanh nghiệp thấp, tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao...
“Nợ xấu năm 2023 nhiều khả năng tăng so với năm ngoái. Kế hoạch của BIDV là duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%, với mức trích lập dự phòng dự kiến khoảng 20.000 – 21.000 tỉ đồng, thấp hơn so với năm ngoái”, ông Tú cho hay.
Về rủi ro đối với các khoản tín dụng xanh, ông Tú cho biết BIDV có lợi thế quan hệ tốt với nhiều định chế tài chính đa phương và song phương, lợi thế về tín dụng xanh, hiện BIDV đang rót khoảng 70.000 tỉ đồng vào năng lượng tái tạo.
Ông Tú khẳng định, BIDV chỉ cấp tín dụng cho những dự án đảm bảo đúng tiến độ theo Chính phủ quy định. Tất cả các dự án năng lượng mà BIDV cho vay đều được Nhà nước mua điện, không dự án nào không được phát điện.
Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Tú đánh giá đây là "ngành kinh tế" có vai trò rất lớn tại Việt Nam, mức độ lan tỏa tới hơn 70 ngành, lĩnh vực khác.
"Quan điểm của BIDV là vẫn quan hệ bình thường đối với lĩnh vực này, song có cơ chế kiểm soát phù hợp đối với từng phân khúc, khu vực, dựa trên các tiêu chí về thanh khoản, nhu cầu của thị trường", ông Tú nhấn mạnh./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu