Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman, Chủ tịch của hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur năm nay phát biểu rằng các nước cần phải “chủ động hơn nữa” trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
“Chúng ta phải có biện pháp tháo gỡ những vấn đề này trên tinh thần hòa bình và hợp tác”, trong diễn văn khai mạc, ông nói, “Chúng ta đã có bước khởi đầu thuận lợi, nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Đây là lúc chúng ta phải làm nhiều hơn”.
Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo trên rất nhiều khu vực Biển Đông, nơi mà Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền.
Trước khi diễn đàn này diễn ra, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trả lời các báo rằng Bắc Kinh “không tin rằng các diễn đàn đa phương là nơi để bàn về những tranh chấp song phương”, và cảnh báo “điều đó sẽ làm gia tăng căng thẳng”.
Tổng thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh cho biết các ngoại trưởng đã bày tỏ những lo ngại của mình rằng hoạt động xây dựng trên các vùng tranh chấp của Trung Quốc sẽ làm căng thẳng leo thang trong khu vực.
Mới đây, Trung Quốc đã ngỏ lời muốn bắt đầu một cuộc đàm phán nhằm thiết lập Bộ quy tắc ứng xử (COC) cùng với ASEAN về những hoạt động trong vùng biển quan trọng này. Nhưng theo ông Minh, giữa lời nói của Trung Quốc và diễn biến thực tế có một sự khác biệt lớn.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay các hoạt động trên, vốn là một nỗi lo lớn đối với chúng tôi, làm hủy hoại sự tin tưởng của các bên và làm phức tạp hóa quá trình đàm phán lập ra quy tắc ứng xử”, ông Minh trả lời báo AP, “Trước tình hình này, ASEAN và Trung Quốc cần phải nhanh chóng thống nhất được những quy tắc pháp lý cụ thể”.
Ông Aman cho biết, ngoại trưởng các nước ASEAN đã bỏ qua ý kiến từ phía Trung Quốc và nói về vấn đề Biển Đông “một cách sâu rộng”. Cuộc gặp gỡ ngày 4/8 chỉ dành cho các bộ trưởng ASEAN, còn đại diện của các nước Mỹ, Nhật, Trung Quốc và một số nước khác sẽ tham gia vào ngày 5 và 6/8.
Ông Aman nói, các bộ trưởng đều hiểu được tầm quan trọng của việc đảm bảo sự tự do đi lại trên Biển Đông. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) công bố năm 2002, cũng như việc thiết lập một quy tắc pháp lý cụ thể.
“Chúng tôi sẽ bàn về những biện pháp nhằm khắc phục sự thiếu lòng tin giữa các bên trước những diễn biến mới nhất về các hoạt động cải tạo đảo cũng như leo thang căng thẳng trên biển”, ông Aman tiết lộ.
Trong khi đó, Philippines, nước có lời chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với hoạt động xây dựng của Trung Quốc đã lên án nước này cải tạo đảo ở những vùng tranh chấp.
Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario phát biểu rằng đất nước ông phản đối bất kỳ động thái nào nhằm “thêu dệt tính pháp lý và quyền hạn” đối với các đảo tranh chấp.
Năm ngoái, Philippines đã kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động xây dựng trong các vùng tranh chấp, nhưng ngược lại, Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ của việc làm này.
Ảnh mô tả hoạt động xây dựng trên đảo tranh chấp của Trung Quốc.
“Nhằm tránh leo thang căng thẳng trong khu vực, Philippines ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ về “ba không”: không cải tạo đất, không xây dựng trên đảo, và không thực hiện những hành động gây hấn”, ông Del Rosario nói.
Năm 2013, Philippines đã đâm đơn kiện lên Tòa án Tối cao Liên Hợp Quốc đối với việc Bắc Kinh coi phần lớn Biển Đông là thuộc chủ quyền của mình theo “đường chín đoạn”. Ngày 4/8, ông Del Rosario báo cáo với những người đồng cấp trong khu vực ASEAN về diễn biến phiên tòa diễn ra tại Tòa án The Hague (Hà Lan).
Ông Del Rosario cho biết Philippines khẳng định “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý quốc tế và Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Philippines. Hạn chót để Trung Quốc trả lời là ngày 17/8, tuy nhiên Bắc Kinh trước đó nói rằng họ sẽ không tham gia phiên tòa này.
Theo Infonet