Sáng 24/11, Quốc hội chính thức thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), với nhiều quy định được điều chỉnh mới. Đáng chú ý trong đó là các điều khoản liên quan đến vấn đề “lãi suất”.
Theo đó, khoản 1 điều 468 được chỉnh lý: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Trước đó, theo luật cũ (hiện vẫn còn hiệu lực): Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Đồng thời, vì quy định tại khoản 1 điều 468 đã không sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 điều này về mức lãi suất ấn định trong hợp đồng vay có lãi nhưng các bên không có thỏa thuận rõ về lãi suất dẫn đến tranh chấp.
Cụ thể: “Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 điều này tại thời điểm trả nợ”.
Tóm lại, với những đổi mới đó, Bộ luật sửa đổi đã đem lại hai “đột phá”: loại bỏ ràng buộc của yếu tố tham chiếu - “lãi suất cơ bản” (1); và “chốt cứng” trần lãi suất ở mức 20%/năm.
Hay và dở…
Đánh giá về quyết định bỏ yếu tố tham chiếu “lãi suất cơ bản”, cả giới luật lẫn giới ngân hàng đề tỏ ý hoan nghênh.
“Đến lúc này, kỳ thực chẳng ai còn sử dụng nó nữa mà cứ để trên giấy trắng mực đen. Bỏ đi là một quyết định hợp lý”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, người có gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cả trong và ngoài nước, bày tỏ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng), người thậm chí đã kêu gọi “bỏ” từ lần sửa đổi 2005, cũng hồ hởi đồng tình: “Phải nói rằng đó là một quyết định tuyệt vời. Rất hay, rất đúng đắn và hợp lý!”.
“Kể cả việc cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ điều chỉnh khi biến động cũng là một bổ sung rất phù hợp và thiết thực”, ông Đức nhận xét.
Tuy nhiên, về quy định “chốt cứng” trần lãi suất ở con số 20%/năm, trao đổi với ANTT.VN, vị luật sư dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp chế ngân hàng này lại không giấu nổi vẻ thất vọng. “Ấn định trần ở 20%/năm là cực kỳ dở, cực kỳ bất hợp lý và phi thị trường”, ông nói.
Tương tự LS. Đức, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng không tán thành quan điểm trần lãi suất của các nhà lập pháp. “Nó không hợp lý vì đã đi ngược lại nguyên tắc thị trường. Lãi suất là giá của tiền vay mà trong một nền kinh tế thị trường thì điều đó phải được thương lượng, đàm phán, thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện giữa người đi vay và người cho vay”.
Thiếu cơ sở khoa học
Ông Hiếu đặt câu hỏi: Việc ấn định trần lãi suất đã được xác định trên cơ sở nào? Tại sao là 20% mà không phải là 10%, 15%, 25%, 30%,...(?!).
“Không có một cơ sở khoa học nào để nói trần lãi suất ở mức 20%/năm là hợp lý. Tại vì lãi suất là giá cho tiền vay nhưng đồng thời nó cũng là cái giá cho rủi ro của người cho vay. Cho vay rủi ro cao thì lãi suất cao, rủi ro thấp thì lãi suất thấp”, vị chuyên gia nhiều năm “lăn lộn” tại Phố Wall và các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới tự trả lời cho câu hỏi của mình. Ông viện dẫn rằng trên thế giới, ngay cả những nước tiên tiến, lãi suất cho vay tiêu dùng nhiều khi lên đến 30%, thậm chí hơn nhưng cũng vẫn là hợp lý, và công luận của người ta cũng hoàn toàn chấp nhận.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Hiếu chứng minh luận điểm của mình bằng một bài toán kinh tế đơn giản liên quan đến tỷ lệ lãi cận biên – NIM (phản ánh biên độ lợi nhuận giữa chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra): NIM trung bình tại các nhà băng hiện đang ở khoảng 3%, có nghĩa rằng phải cần tới lợi nhuận của 33 (100:3) khoản vay mới đủ bù đắp được 01 khoản vay bị mất vốn. Nhưng với những khoản cho vay có rủi ro cao thì ngân hàng phải cần NIM cao hơn, 10% chẳng hạn, khi đó ngân hàng chỉ cần 10 khoản cho vay như thế là đủ để bù đắp cho 1 khoản vay mất vốn rồi. Lãi suất phải căn cứ vào mức độ rủi ro mà bên cho vay phải gánh chịu, rủi ro mất vốn lớn thì lãi suất cho vay có lên đến 50%/năm, 70%/năm… vẫn là hợp lý.
“Nếu đã là kinh tế thị trường thì không nên quy định trần lãi suất. Hãy để các thành phần kinh tế tự thỏa thuận với nhau trên cơ sở tự nguyện, phù hợp và tuân thủ pháp luật”, ông Hiếu khuyến nghị.
Cái “đuôi” để dành…
Còn với luật sư Trương Thanh Đức, không chỉ là giới hạn 20%/năm, quy định “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác” cũng khiến ông bất phục với “cái đuôi” trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.
“Cái “đuôi” đó là để dành cho ngân hàng đấy. Tức là theo Luật các TCTD thì lãi suất do các bên tự thỏa thuận theo quy định của pháp luật. Và trên thực tế thì bao lâu nay, các ngân hàng và công ty tài chính vẫn cho vay tiêu dùng với lãi suất lên đến 50% hay 70%/năm mà chẳng ai xử lý. Trần lãi suất mặc nhiên “bất hoạt” với các TCTD”, ông Đức nhìn nhận và cho rằng đó là một điểm thiếu thống nhất và bất công bằng của luật.
“Có một chuyện mà trước đó tôi đã ý kiến rất nhiều, đó là phải bỏ trần lãi suất. Và nếu không bỏ được thì phải quy một mức trần lãi suất chung cho tất cả, kể cả ngân hàng cũng áp dụng theo nó. Không lý gì mà ngân hàng và công ty tài chính – các tổ chức cho vay chuyên nghiệp – lại có thể thỏa thuận lãi suất thoải mái, trong khi bên ngoài, rủi ro cao hơn nhiều, nguy cơ mất vốn lớn hơn nhiều lại bị khống chế ở 20%/năm”, luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Theo ANTT