Khi đại dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, Chính phủ đã có phương châm hành động: "Chống dịch như chống giặc". Khẩu hiệu hành động này khắp các tỉnh, thành trong cả nước đi đến đâu cũng đều rõ, rất rõ. Nhưng, có điều "chống dịch như chống giặc" thì chống như thế nào, nói khác đi "đánh" như thế nào, lại là câu chuyện dài mà mỗi tỉnh, thành, đều có chung nhận thức, đồng thời có cách làm sao cho phù hợp với địa phương mình để đạt hiệu quả cao nhất. Đẩy lùi dịch bệnh ra khỏi cộng đồng, bình yên hay không bình yên tùy thuộc rất nhiều trong cách "đánh"!
Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chúng ta nhận biết rất rõ giặc là con người bằng da, bằng thịt, súng ống đạn được, xe tăng, máy bay, đại bác. Là đồn bốt, công sự vững chắc hoặc các cuộc hành quân càn quét và hậu phương, tiền tuyến có ranh giới rõ ràng. Trong chống dịch Covid-19 đối tượng hoàn toàn khác. Nó là con virus không nhìn thấy được "bay lượn" khắp mọi nơi, hang cùng ngõ hẽm, len lỏi vào từng người và từng gia đình. Và, nguy cơ hiện hữu là anh em, người thân, dòng họ, thôn xóm, phố phường, làng bản, xã, phường, huyện, thị, thành, rộng ra dân trong cả tỉnh rất có thể bị nhiễm bệnh. Và khi nhiễm dịch bệnh đồng nghĩa với việc một phần con người đó, địa phương cụ thể đó mang "giặc" trong người. Vì thế, việc chuẩn bị phương án đánh giặc Covid-19 cũng phải chủ động với nhiều phương án, hình thức "tác chiến" phù hợp có hiệu quả
Thanh Hóa là địa phương tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 rất cao, có thể liệt vào tốp đầu của cả nước, khi ổ dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội , TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bùng phát. Bởi lẽ, dân Thanh Hóa rời quê hương đi làm ăn, công tác ở những vùng trọng điểm dịch vào loại nhiều nhất cả nước. Con số chưa thật chính xác nhưng có thể ước khoảng 700.000 đến 750.000 người Thanh Hóa đang sống, làm ăn ngoài quê hương. Ngay trong lòng xứ Thanh, lao động trong các khu kinh tế, khu công nghiệp có khoảng 10 vạn người, chưa kể đến các cụm công nghiệp ở 27 huyện, thị, thành. Giao thông thuận tiện, đường bộ, đường hàng không, đường thủy lại có biên giới với bạn Lào gần 200 km, làng xã , thôn bản , xã phường thì nhiều (trên 550 xã, phường, thị trấn)...
Tất cả những yếu tố trên chính là những khó khăn rất lớn, nếu người dân khắp nơi ở vùng dịch "đổ" về quê theo đường "tiểu ngạch" hay "chính ngạch", sẽ không tránh khỏi dịch lây lan ra cộng đồng nếu không có phương án chống dịch Covid-19 hữu hiệu. Nhất là các vùng dịch phía Bắc, vì đường đi về quê nhiều hướng, nhiều tuyến, lại gần quê hương hơn...
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch |
Ngay khi dịch Covid- 19 "tàn phá" Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa đã triển khai ngay phương án nắm tình hình người lao động của mình làm ăn tại 2 tỉnh này. Có thể chưa thật chính xác về số liệu nhưng đã xác định huyện, thị, thành nào sẽ là "chiến trường" mà khi dân nơi vùng dịch trở về nhiều, từ đó hình thành ngay phương án chống dịch chủ yếu, thứ yếu, để tránh tình trạng cào bằng, dàn đều, để khi xuất hiện tình huống có phương án đối phó ngay, không bị lúng túng, chồng chéo.
Ngay từ đầu Thanh Hóa rất chú trọng đến việc giám sát cộng đồng bắt đầu từ việc một chàng trai ở vùng dịch Bắc Ninh "lang thang" trên mạng và bắt gặp cô gái ở huyện Thọ Xuân. Bất chấp dịch bệnh bùng phát, thanh niên này chạy xe máy vào Thanh Hóa gặp cô gái đã "quen hơi, bén tiếng" trên mạng. Khi anh chàng đặt chân đến nhà "người yêu", ngay lập tức các ngành chức năng ở thôn xóm có mặt tại nhà cô gái để "thăm hỏi" thanh niện lạ. Biết anh thanh niên từ vùng dịch chạy vào Thanh Hóa, nên chính quyền đã đưa anh đi cách ly và tiến hành các biện pháp y tế. Hết khôn dồn dại, thanh niên này tìm cách trốn khỏi nơi cách li, nhưng không thể thoát, vì tinh thần giám sát cộng đồng rất cao và chàng thanh niên phải "ngoan ngoãn" chấp hành.
Có lẽ, sự việc trên được đúc kết chỉ đạo và nhân rộng ra cả tỉnh mà Thanh Hóa, suốt trong những tháng ngày "gồng mình" chống dịch, sự giám sát cộng động đã phát huy hiệu quả cao, giúp cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch từ cơ sở đến tỉnh có phương án nhanh để hành động, góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chính phát huy hiệu quả của công tác giám sát cộng đồng mà khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, công dân Thanh Hóa lái xe cho 1 doanh nghiệp ở Yên Bái khi trở thành F0 về TP Thanh Hóa, ngay "tắp lự" đã được cách li, truy vết không để dịch lây lan ra cộng đồng. Mặt khác, việc nhận định, đánh giá tình hình trúng, đúng, nên Thanh Hóa đã tiến hành rà soát kiểm tra, chuẩn bị những cơ sở có thể làm làm nơi cách li tập trung số lượng lớn khi công dân Thanh Hóa trở về địa phương ngày càng nhiều.
Vì thế, các công sở xã, phường lúc sáp nhập dôi thừa (70 xã, phường, thị trấn), trường học các cấp và làm việc ngay với QK 4, QĐ 1 (Bộ Quốc phòng), doanh trại các sư đoàn, trung đoàn đóng quân trên địa bàn Thanh Hóa có thể được phép sử dụng khi các cơ sở cách li khi Thanh Hóa quá tải. Và, khi Bắc Giang, Bắc Ninh gọi, ngay lập tức Thanh Hóa đáp lời, điều phương tiện ra tận nơi đưa gần 1.600 lao động ở vùng dịch về quê hương an toàn. Hiện đã có 15.000 người từ các vùng dịch về quê đã được cách li trên địa bàn Thanh Hóa
Một trong những phương án "tác chiến" đánh giặc Covid-19 từ xa được Thanh Hóa sử dụng ngay khi dịch xuất hiện khá phức tạp tại tỉnh Hà Tĩnh rồi lan sang Nghệ An, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp ở Thanh Hóa trực tiếp xuống địa bàn thị xã Nghi Sơn, nơi có Khu kinh tế Nghi Sơn với hàng vạn lao động đang làm việc, trong đó lao động là người Nghệ An chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) tiếp giáp với tỉnh Nghệ An, nhiều lao động người Nghệ An sáng từ Nghệ An sang Nghi Sơn làm việc tối về lại nhà, nên nguy cơ lây lan dịch rất cao. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch triển khai ngay phương án cho các doanh nghiệp bố trí những lao động này thực hiện " 3 tại chỗ". Nếu trở về Nghệ An dứt khoát không được quay lại Nghi Sơn làm việc; Lập ngay các chốt ở QL 1A, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển tiếp giáp với Nghệ An để kiểm tra, giám sát người qua lại...
Chính có những phương án kịp thời, nhanh nhậy, triển khai quyết liệt, nên tình hình dịch bệnh ở Khu kinh tế Nghi Sơn được kiểm soát chặt chẽ... Bên cạnh đó, lãnh đạo Thanh Hóa cũng hết sức dứt khoát, mạnh mẽ, quyết liệt đối với những cán bộ lơ là nhiệm vụ phòng chống dịch covid-19. Ai vi phạm tùy theo mức độ sẽ xử lý kỷ luật ngay tức thì.
Một trong những điều muốn đề cập trong bài viết này là trách nhiệm trước dân trong công tác phòng chống dịch bệnh của những người lãnh đạo cao nhất ở địa phương này. Bất cứ điểm nóng ở đâu ngay lập tức lãnh đạo cao nhất của Thanh Hóa có mặt. Xin dẫn, dân ở huyện Ngọc Lặc, Thiệu Hóa, Nghi Sơn, Nông Cống từ vùng dịch trở về dương tính với Covid, bí thư , các phó bí thư, thường vụ tỉnh ủy, chủ tịch, các phó chủ tịch, giám đốc các sở, ban. ngành tỉnh Thanh Hóa phân công nhau có mặt ngay để chỉ đạo lực lượng tuyến đầu tập trung, khoanh vùng, truy vết khống chế dịch bệnh lây lan. Đặc biệt lực lượng tuyến đầu chống dịch: y tế, quân đội, công an luôn phát huy hết trách nhiệm thực thi nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất "đâu có dịch là ta cứ đi", làm việc không kể ngày đêm, nắng nưa, trong bất kỳ hoàn cảnh nào vì sự bình yên cho mọi nhà.
Khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát hết sức phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hàng vạn người dân các tỉnh, thành lũ lượt bằng đủ loại phương tiện "bồng bế" nhau rời TP Hồ Chí Minh. Cũng như các tỉnh, thành khác, Thanh Hóa cũng đã lên kế hoạch để đón công dân của mình. Đang trong quá trịnh thực hiện thì ngày 31.7.2021, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 1063/CĐ-TTg về việc phòng chống Cvid-19 yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 CT-TTg "tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31.7.2021 tới khi hết giãn cách và theo tinh thần ai ở đâu ở đấy"
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2.8.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn ký văn bản Số 11379/UBND-KH về việc tạm dừng đón công dân tỉnh Thanh Hóa từ TP Hồ Chí Minh trở về quê hương và "chuyển trạng" sang hỗ trợ công dân của mình từ xa. Theo đó, tỉnh đề nghị Hội đồng hương Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh thông báo cho công dân biết đồng thời nhanh chóng triển khai hỗ trợ (mỗi gia đình có hoàn cảnh khó khăn 01 triệu đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh) theo tinh thần Công điện Số 23/CĐ-UBND ngày 01.08.2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời Thanh Hóa thống nhất với đề xuất của hội đồng hương về việc có một số công dân Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh quá khó khăn và có hoàn cảnh đặc biệt cần về quê gấp (khoảng 50 người)...
109 y, bác sĩ Thanh Hóa lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam |
Có thể nói, trong những tháng ngày cùng cả nước chống dịch Covid-19, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai, thực hiện quyết liệt với nhiều phương án "tác chiến" nên đến thời điểm này xứ Thanh tương đối bình yên. Có được kết quả trong phòng chống dịch khả quan và tập trung chỉ đạo mọi hoạt động, tình hình kinh tế xã hội cũng có kết quả tương đối tốt. 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế của địa phương này đứng thứ 12 cả nước, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,66% cao nhất các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành, thu ngân sách ước đạt 15.664,8 tỷ đồng đạt 59% kế hoạch...
Vì miền Nam ruột thịt, tạm biệt quê hương chúng tôi lên đường |
Điều đáng trân trọng là, bằng mọi biện pháp phòng chống dịch Covid-19, Thanh Hóa đã làm tương đối tốt để phát triển sản xuất và góp phần cùng với cả nước hứơng về miền Nam ruột thịt. Dân tộc Việt vốn có lòng tương thân, tương ái từ ngàn xưa để lại, đó là truyền thống quí báu. Mỗi khi có thiên tai, địch họa, tinh thần ấy lại nhân lên gấp bội. Thời điểm TP Hồ Chí Minh và sau đó là các tỉnh, thành phía Nam dịch Covid trở nên hết sức phức tạp, Thanh Hóa cử ngay đoàn cán bộ y tế gồm 109 y, bác sĩ, nhân viên y tế lên đường vào phương Nam chi viện.
Hơn 1.700 tấn lương thực, thực phẩm và 500.000.000 đ đến với đồng bào TP Hồ Chí Minh |
Thanh Hóa phát động tuần lễ "Hướng về thành phố mang tên Bác". Chưa bao giờ ở xứ Thanh, chỉ trong 7 ngày, đồng bào các dân tộc trong tỉnh, cùng các doanh nghiệp nô nức hưởng ứng với tinh thần tất cả vì đồng bào TP Hồ Chí Minh yêu thương đã góp sức mình ủng hộ nhu yếu phẩm lên đến 1.765 tấn lương thực, thực phẩm (trị giá trên 72 tỷ đồng), và 500.000.000đ, dùng tàu thủy và phương tiện đường bộ chi viện cho TP Hồ Chí Minh. Lương thực, thực phẩm và tiền mặt chưa nhiều, nhưng đó là tấm lòng của người dân xứ Thanh đến với đồng bào phía Nam đang gặp muôn vàn khó khăn. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa còn kêu gọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 hơn 66 tỉ đồng...
Chống dịch như chống giặc, cả nước đang bước vào giai đoạn hết sức quyết liệt, những thành quả mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua hết sức trân trọng. Mong rằng địa phương này tiếp tục làm tốt hơn nữa góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch Covid-19 trả lại sự bình hương cho quê hương đất nước...